Messi chia tay PSG sau 2 năm gắn bó. |
Hồi tháng 3, cựu tiền vệ Bayern và Man Utd, Owen Hargreaves khuyên PSG nên xé toạc dự án hiện tại. Nhận định ấy được đưa ra sau khi đội chủ sân Parc des Princes bị đá bay khỏi Champions League từ vòng 1/8.
PSG chưa bao giờ là đội bóng đúng nghĩa
Ý tưởng xây dựng "đội bóng trong mơ" bằng cách ném tiền vào các kỳ chuyển nhượng luôn là cách dễ nhất để đội bóng chinh phục những danh hiệu. Tuy nhiên, không CLB nào nhận nhiều thất bại tủi hổ như PSG.
Kỷ nguyên Galactico của Real Madrid tạo ra đội bóng rực rỡ, gắn kết. Họ có những cầu thủ hay nhất của thời đại, tất cả đều làm việc cùng nhau vì mục tiêu chung, để rồi chinh phục thành công Champions League.
PSG dùng tiền mua nhiều ngôi sao, nhưng họ lại không có sự gắn kết với nhau. Ảnh: Reuters. |
Manchester City cũng là phiên bản khác của "Galacticos" thời hiện tại. Họ có HLV xuất sắc trên ghế chỉ đạo cộng thêm định hướng phát triển bền vững, luôn đảm bảo cho mọi thứ diễn ra đúng theo lộ trình vạch ra.
PSG mang tham vọng lớn từ khi được chủ đầu tư Qatar đổ tiền xây dựng. Họ có mục tiêu rõ ràng là giành chức vô địch Champions League "trong vòng 4 năm" từ khi CLB đổi chủ vào năm 2011.
Hơn một thập niên trôi qua, PSG liên tục vỡ mộng. Tệ hơn, họ đánh mất mọi nét văn hóa của câu lạc bộ.
Như Real Madrid hay Man City, PSG cũng đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng với tham vọng tạo ra đội bóng có thể thống trị châu Âu. Thế nhưng, gã khổng lồ thủ đô Paris dường như muốn xây dựng một đội bóng dành riêng cho thế hệ trẻ nghiện mạng xã hội, như bài báo gần đây được đăng tải trên New York Times chỉ ra vấn đề ở CLB. PSG không có một đội bóng đúng nghĩa, mà là một nhóm cầu thủ với tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
PSG cũng phạm sai lầm khi cho rằng Kylian Mbappe khác biệt phần còn lại. Họ dường như tin rằng tài năng của chân sút người Pháp sẽ giúp CLB càn quét mọi đối thủ. Tai hại hơn, Mbappe cũng được cho là tin vào điều đó tới mức ảo tưởng.
Ở sân Parc des Princes, hình ảnh của Mbappe gắn liền với sự cô đơn. Một cánh chim én nỗ lực kéo phần còn lại tiến lên. Mbappe rất chăm chỉ, nhưng ngay cả khi như vậy, những bàn thắng, kiến tạo của cầu thủ này vẫn thất bại vì bóng đá là trò chơi tập thể.
Tiền đạo trẻ người Pháp có lẽ đã nhận ra rằng thật sự sai lầm khi tiếp tục gắn bó với CLB đang thiếu niềm tin hoặc không biết cách xây dựng một đội bóng.
"Như tôi đã nói trong cuộc họp báo đầu tiên tại Champions League mùa này, cả đội sẽ cố gắng tối đa. Sự thật thì đây là giới hạn tối đa của chúng tôi rồi", Mbappe nói trong ngày PSG bị Bayern Munich đá bay khỏi Champions League.
Sau Messi, ai sẽ rời đi tiếp theo?
Trong năm 2021, Lionel Messi được mang về Parc des Princes để nâng tham vọng của PSG lên tầm cao mới. Tiếp đó lần lượt là Donnarumma, Achraf Hakimi, Georginio Wijnaldum và Sergio Ramos. Song, đại diện thủ đô Paris vẫn trình diễn bộ mặt như "đội bóng một người".
PSG tạo ra sự khó hiểu trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: Reuters. |
Nhìn lại những gương mặt được PSG chiêu mộ, người hâm mộ nhìn thấy sự vô lý. Nếu cho rằng Thiago Silva đã quá già để có thể chơi ở vị trí trung vệ, vậy tại sao đội bóng lại mang về Sergio Ramos, người khi ấy đã 35 tuổi và bỏ lại những năm tháng đỉnh cao ở Real Madrid.
Tại sao PSG chọn Wijnaldum, một tiền vệ năng động, giỏi cướp bóng, trong khi CLB đã có Marco Verratti, người đóng vai trò chính xác như vậy trong đội? Wijnaldum chỉ gắn bó với đội bóng thủ đô Paris được một mùa trước khi chuyển tới Serie A khoác áo AS Roma theo dạng cho mượn.
Và cứ thế năm này qua năm khác, ngập trong tiền bạc, PSG mua cầu thủ rồi lại sa thải họ. Đội bóng chiêu mộ hết HLV này tới chiến lược gia. Sức mạnh tài chính giúp đội chủ sân Parc des Princes dễ dàng tiếp cận và có chữ ký mục tiêu hướng tới, nhưng CLB không thể tạo nên đội bóng chơi với sự gắn kết.
Sau tất cả, có lẽ dự án PSG chỉ có vậy. Cách giới chủ làm bóng đá dường như chỉ thiên về xây dựng hình ảnh và gã khổng lồ nước Pháp giống thương hiệu không hơn. Với người Qatar, việc mua lại PSG giúp họ sở hữu biểu tượng văn hóa, cho phép lãnh đạo cấp cao tăng cường và củng cố lợi ích kinh doanh của mình tại châu Âu.
Thay vì xây dựng dự án dài hạn, đích ngắm của PSG là những gì ngắn ngủi. Họ phá hỏng cả một nền văn hóa đội bóng. Hình ảnh rõ nét nhất được phác họa trong video Giáng sinh được CLB cho ra mắt năm ngoái, với dàn diễn viên gồm toàn những cầu thủ trẻ triển vọng.
Thế nhưng, sau đây một năm, liệu những gương mặt nào trong số "diễn viên" kể trên bước ra ánh sáng ở CLB? Điều đó chỉ có trong mơ với cách PSG làm bóng đá như hiện tại.
Vào lúc này, người hâm mộ PSG nổi cơn thịnh nộ. Họ mắng chửi Messi bằng những ngôn từ nặng nề. Leo được cho là quyết định "tháo chạy" khỏi sân Parc des Princes sau 2 năm.
Việc Messi rời đi chỉ khiến PSG dần vỡ nát. Họ chết chìm trong chính tham vọng bản thân. Messi có thể chỉ là phát súng đầu tiên dẫn đầu cho cuộc "di cư" với quy mô lớn hơn. Mbappe có lẽ là người tiếp theo, kế đến là Neymar.
Cuốn sách “Misterio Messi” của các tác giả Sebastian Fest và Alexandre Juillard xuất bản năm 2013 kể lại những mẩu chuyện về Lionel Messi, về cách thức siêu sao người Argentina học hỏi từ bóng đá Brazil để trở thành cầu thủ vĩ đại nhất thế giới.