Bình luận
Barcelona muốn trói chân đội trưởng của mình sớm hơn nhưng vào cuối tháng 5 vừa qua, lời đề nghị gia hạn hợp đồng của CLB đã bị Messi từ chối với lý do “tạm hoãn để tập trung vào Copa America”.
Nhưng ai cũng hiểu tất cả chỉ vì cầu thủ người Argentina muốn biết Barcelona của hiện tại có đáp ứng được tham vọng của anh ở mùa giải mới hay không và do đó, tương lai của ngôi sao lớn nhất tại Camp Nou vẫn còn là ẩn số khó có thể đoán định.
Bài toán cho chủ tịch Barca
Tháng 3/2021, khi luật sư Joan Laporta trở lại văn phòng làm việc của Chủ tịch Barcelona, ông biết mình đang đứng trước cả núi khó khăn về tài chính. Đã từ lâu, việc Barca thua lỗ nặng nề và nợ nần chồng chất chẳng có gì là bí mật. Di sản mà cựu Chủ tịch Josep Bartomeu để lại là một CLB đang khủng hoảng niềm tin và là một trong những con nợ lớn nhất thế giới bóng đá.
Năm 2003, lúc Laporta mới nhậm chức chủ tịch nhiệm kỳ đầu, Barca có doanh thu 123 triệu euro mỗi năm và số nợ là 190 triệu euro. Dưới bàn tay của ông, đội bóng đã cắt giảm thành công các khoản nợ và tạo tiền đề gây dựng nên một đế chế vĩ đại.
Gánh nặng đặt lên vai Chủ tịch Laporta. Ảnh: Reuters. |
Nhưng 18 năm sau, CLB đã tăng số nợ thêm lên một tỷ euro so với thời điểm ấy và một lần nữa, Laporta lại phải đối mặt với một nhiệm vụ nặng nề, thậm chí nặng nề hơn nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Camp Nou.
Có rất nhiều lý do giải thích sự yếu kém trong vấn đề quản lý tài chính của Barcelona dù họ đã chuyển từ việc chỉ đặt sự quan tâm của mình tới thị trường trong nước sang mở rộng thương hiệu và hình ảnh khắp thế giới trong một thập kỷ qua, nhờ đó doanh thu của CLB cũng tăng lên chóng mặt.
Năm 2019, Barca đạt mức doanh thu lớn nhất từ trước tới nay khi thu về 835 triệu euro. Thế là đội bóng đặt mục tiêu doanh thu trong năm tiếp theo là 880 triệu euro. Chỉ tiếc là đại dịch Covid-19 đã tràn đến và ảnh hưởng tới tất cả CLB trên thế giới.
Barcelona cũng không ngoại lệ khi mất đi hàng chục triệu euro từ tiền bán vé và các khoản thu khác trong những ngày diễn ra trận đấu. Tuy nhiên, họ vẫn kiếm được 708 triệu euro và nằm trong những đội bóng có doanh thu cao nhất thế giới trong năm 2020.
Tuy nhiên, Barca vẫn nợ đầm đìa. Nguyên nhân lớn nhất chính là quỹ lương phình to khi phải trả cho vô số siêu sao trong đội hình. Đã giảm kha khá tiền chi so với năm 2019 (486 triệu euro) nhưng năm ngoái, CLB vẫn phải mất 430 triệu euro tiền lương. Đã vậy, không chỉ trả lương cao cho các siêu sao, sau những “cơn nghiện mua sắm” của Bartomeu, Barca giờ còn phải nuôi cả các cầu thủ vô dụng hoặc những người gia nhập CLB với mức phí chuyển nhượng chót vót nhưng đóng góp chẳng đáng là bao.
Ví dụ điển hình nhất đến nay chính là việc Barca lấp chỗ trống của Neymar bằng cách đem số tiền thu được từ siêu sao người Brazil để mang về Ousmane Dembele và Philippe Coutinho. Song kết quả là một người trở thành khách quen của bệnh viện, còn người kia gây thất vọng đến độ CLB phải đem cho mượn để rồi khi trở về, bị chấn thương nặng và phải ngồi ngoài gần hết cả mùa giải.
Hè năm ngoái, Barca hào hứng đổi Arthur Melo để mang về Miralem Pjanic, người lúc ấy được định giá 60 triệu euro và mong anh tái hiện phong độ tuyệt vời ở Serie A. Nhưng đổi lại, anh này đá chán đến nỗi HLV Koeman phải đẩy lên băng ghế dự bị ở giai đoạn cuối mùa.
Bây giờ nếu Barca bán Pjanic, họ cũng chỉ thu được khoảng 20-25 triệu euro là may lắm rồi. Tức là đội bóng mất 35-40 triệu euro trên sổ sách sau đúng một năm, tính theo giá trị của thời điểm đổi chác, chỉ để mang về cầu thủ mà “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.
Khi hợp đồng của Messi đang cận kề ngày đáo hạn, Barca vẫn loay hoay trong kế hoạch tài chính của mình. Việc thiếu tiền đã khiến đội bóng chưa biết mua sắm thế nào cho ổn thỏa. Tham vọng của Barca vẫn là vô địch mọi giải đấu có thể, nhưng ngân sách teo tóp đang cản trở họ khi chuẩn bị bước vào mùa giải mới.
Theo dự báo, Barca có thể lỗ lũy kế hơn 100 triệu euro ở mùa giải vừa qua. Đó là còn chưa kể, CLB vẫn đang nợ ngắn hạn 126 triệu euro tiền phí chuyển nhượng cho các đối tác và phải thanh toán ngay trong hè này. Có thể kể tới việc Barca vẫn chưa trả cho Liverpool gần 30 triệu euro tiền mua Coutinho hay 16 triệu khác nợ Ajax từ thương vụ Frankie de Jong.
Không chỉ có thể, CLB còn phải trả 20,5 triệu euro cho phí mua Arthur, 20 triệu cho phí mua Malcom và 11 triệu cho phí mua Arturo Vidal dù tất cả đều không còn ở lại Camp Nou. Tổng số tiền mà Barca nợ dài hạn một loạt các đội bóng ở châu Âu lẫn Nam Mỹ đang là 196 triệu euro.
Về phí chuyển nhượng, CLB sẽ phải trả 322 triệu euro trong hè này và những hè sắp tới. Mặc dù đã được Goldman Sachs cam kết cho vay một khoản tiền lên đến 500 triệu euro và chỉ phải trả dần trong 15 năm, đội bóng mới nhận được một phần trong số đó để “chữa cháy” giai đoạn trước mắt. Hệ quả là cho đến cuối tháng 6, Barca mới chi khoảng 9 triệu euro để mang về 4 tân binh và đang tìm cách thuyết phục Milan đổi Romagnoli để lấy Coutinho nhằm giảm bớt quỹ lương.
Messi vẫn mang lại giá trị về chuyên môn và thương mại. |
Phải giữ được Messi
Kế hoạch của Laporta hiện tại là rất rõ ràng: Barca phải giữ chân được Messi. Ông quán triệt tư tưởng này bởi rất nhiều lý do. Ngốn của Barca 20% quỹ lương toàn đội nhưng theo tính toán, một mình Messi mang lại 30% doanh thu của cả CLB bên cạnh việc luôn là sự đảm bảo của 35-40 bàn thắng mỗi mùa. Barca cần Messi để tiếp tục duy trì thương hiệu của đội bóng cũng như sở hữu tay săn bàn cự phách trong đội hình và trên hết, trở thành biểu tượng của sự tái sinh trong giai đoạn mới.
Để đạt được mục đích, hồi tháng 4, Barca cho biết họ sẵn sàng ký bản hợp đồng trọn đời với siêu sao người Argentina. “Trọn đời” ở đây tức là anh sẽ đá cho đến khi giải nghệ và sau đó giữ một chức vụ nào đó trong bộ máy của đội bóng giống như trường hợp Eric Abidal năm xưa.
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là Messi cần giảm khoảng 30% mức lương hiện tại để hỗ trợ CLB trong cơn khủng hoảng, 30% của gần 90 triệu euro. Trước mắt, Barca muốn gia hạn hợp đồng tới tháng 6/2023 và mức lương mới của Messi trên sổ sách, sẽ được thanh toán trong 10 năm để giảm bớt số lỗ mỗi mùa.
Nhưng không chỉ Messi mà nhiều cầu thủ khác trong đội hình cũng đang được CLB thuyết phục ký hợp đồng mới với điều khoản giảm lương, thậm chí một số còn bị tính đường sa thải hoặc bán đi để tăng thêm ngân sách. Barca buộc phải làm vậy trong bối cảnh tài chính của họ bị báo động đỏ, và La Liga vừa thông qua giới hạn quỹ lương cho từng đội bóng để tránh tình trạng các CLB phá sản.
Song song với việc thuyết phục Messi, Laporta cũng đáp ứng điều kiện của anh bằng việc đem người bạn thân Kun Aguero và Memphis Depay về Camp Nou. Tất cả đều là các bản hợp đồng miễn phí, nhưng chất lượng trong bối cảnh mức lương dành cho họ cũng không hề nhỏ.
Về mặt tình cảm, Messi vẫn rất yêu Barca. Như nhà báo Raul Rioja thuật lại, khi Barca đặt vấn đề giảm lương ở hợp đồng tiếp theo, Messi vẫn sẵn sàng nhượng bộ. Nếu như không yêu Barca, anh chẳng tiếp tục ở lại đội bóng và không đàm phán với bất cứ CLB nào trong suốt nửa năm qua dù anh chắc chắn nhận được vài lời đề nghị hậu hĩnh.
Nhưng Messi cũng có một nỗi ám ảnh về Champions League, giải đấu mà 6 năm rồi anh không thể góp mặt ở trận chung kết và quyết định của anh trong thời gian tới chắc chắn sẽ phụ thuộc vào cách anh đánh giá bản kế hoạch của Ronald Koeman.
Sự im lặng của Messi khiến bầu không khí ở Camp Nou bỗng chốc sôi lên sùng sục. Lần đầu tiên sau 21 năm, đứa con cưng của Barca không còn thuộc biên chế của họ nữa. Rất nhiều cules đã lên tiếng hỏi Laporta tình hình hiện tại, và ông phải gửi một thông điệp tới họ, đó là “hãy bình tĩnh”.
“Chúng tôi rất muốn cậu ấy ở lại. Tôi ước gì lúc này mình có thể nói là Messi sẽ ở lại, nhưng tôi chưa thể nói thế được. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm ra giải pháp cho vấn đề”, Laporta đã trả lời cánh báo chí như vậy. Rõ ràng, chính bản thân vị chủ tịch cũng không nắm chắc được tương lai của cầu thủ người Argentina sẽ ra sao.
Messi đi hay ở lúc này không còn thuộc về ý chí của ông và CLB nữa. Nhưng là một người đứng đầu đội bóng, chắc chắn, Laporta đã có kế hoạch “hậu Messi” của riêng mình. Ở Camp Nou, Messi giống như vị vua trong suốt 15 năm qua. Mặc dù vậy, anh cũng chỉ là cầu thủ như hàng nghìn cầu thủ khác của Barca trong quá khứ và đương nhiên, một ngày nào đó, anh cũng sẽ phải già đi rồi giải nghệ.
Barca có thể giữ anh lại cũng tốt nhưng nếu không thể, đó sẽ là một cơ hội cho những người mới, như Ansu Fati chẳng hạn. Ca phẫu thuật của chàng trai này vừa thành công cách đây vài hôm và lúc này, anh sẵn sàng cho mùa giải tiếp theo.
Nhưng các cổ động viên của Barca rất khó giữ được cái đầu lạnh như Laporta. Và vì thế, họ đang thực sự bối rối trước tương lai bất định mà Messi và chính đội bóng đang đối mặt.