Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ tôi ở nấc thang cuối cuộc đời

Mẹ tôi nói “Các con sẽ dần trưởng thành, đi qua từng nấc thang một trong chiếc thang cuộc đời. Việc này làm cha mẹ vui buồn cùng lúc”.

Mẹ luôn dõi theo bước chân con, dù nhỏ hay lớn khôn. Ảnh: sozcu.

Trường tiểu học của tôi nằm dưới chân một ngọn đồi ở ngoại ô thành phố Pittsburgh, cách nhà tôi khá xa. Hàng ngày trên đường tới trường, tôi phải đi xuống một chiếc cầu thang dài bằng gỗ cũ kỹ hình zigzag. Những ngày đầu đi học lớp 1, tôi thường chạy thật nhanh ra khỏi lớp mỗi khi tiếng chuông giải lao buổi sáng vừa vang lên và dán mắt nhìn lên những bậc thang trên cao.

Ở đoạn giữa chiếc cầu thang khổng lồ ấy, nơi có một bậc rộng hơn những bậc còn lại, mẹ tôi đang ngồi một mình đợi tôi, trông bà chơ vơ, nhỏ bé như một khán giả trung thành giữa một sân vận động vắng ngắt.

Đó là một giao ước giữa hai mẹ con tôi. Vì tôi không muốn đi học, không muốn xa mẹ, nên mẹ tôi đã nghĩ ra kế hoạch này. Mỗi buổi sáng, sau khi tôi đi học được vài giờ, mẹ sẽ tạm ngừng công việc đang làm và đi bộ đến ngồi ở bậc cầu thang kia để tôi có thể trông thấy mẹ vào giờ giải lao. “Mẹ thấy con, con cũng sẽ thấy mẹ, và mẹ con mình sẽ không còn cảm thấy buồn nữa”, mẹ tôi nói.

Những ngày đầu, khi vừa nghe thấy hồi chuông thứ nhất, tôi sẽ ngay lập tức chạy ra khỏi lớp, băng qua sân trường và nhìn lên chỗ mẹ. Mẹ đang ngồi đó chờ tôi. Gần như trọn những buổi ra chơi ấy tôi chỉ đứng vẫy tay với mẹ và vui sướng nhìn mẹ vẫy lại với mình.

Nhưng một, hai tuần sau, tôi chỉ vẫy tay với mẹ vài lần rồi chạy đi chơi với các bạn. Thỉnh thoảng, tôi có ngước lên nhìn xem mẹ có còn ngồi ở bậc cầu thang quen thuộc ấy hay không. Mẹ tôi vẫn luôn ở đó.

Đến một ngày, tôi không nhìn lên tìm mẹ nữa.

Dần dần, tôi không còn nhớ việc mẹ luôn ngồi đợi tôi ở bậc cầu thang ấy nữa. Chỉ có mẹ là không bao giờ quên.

“Con trẻ là vậy mà”, mẹ tôi nói. “Các con sẽ dần trưởng thành, đi qua từng nấc thang một trong chiếc thang cuộc đời. Việc này làm cha mẹ vui buồn cùng lúc”.

Lúc chưa có con, tôi không hiểu những lời mẹ nói khi đó. Giờ thì tôi đã hiểu.

Hàng ngày, mẹ tôi vẫn đi xuống ngồi ở bậc cầu thang ấy dù tôi không còn cần sự có mặt của mẹ ở đó nữa. Mẹ chỉ muốn biết chắc rằng con mẹ vẫn ổn.

Những nấc thang về sau trong đời tôi cũng đều có mẹ dõi theo như thế. Tôi lên trung học, đại học, rồi đi làm xa. Từng ngày trôi qua, mẹ vẫn dõi theo bước chân của tôi, của cha, của anh trai, của các dì, các cậu, các cháu, của bạn bè, hàng xóm... Mẹ cứ cần mẫn như thế suốt bao nhiêu năm tháng. “Công việc làm mẹ thì làm gì có tuổi nghỉ hưu chứ”, mẹ tôi nói.

Nhung nac thang cuoc doi anh 1

Tình yêu của mẹ dành cho con, là vô điều kiện. Ảnh: FNs.

Gần đây, mẹ tôi bị ngã và phải nhập viện. Lúc mới biết tin, tôi đã gọi điện hỏi thăm mẹ từ văn phòng công ty. Mẹ đang ở Pennsylvania, còn tôi thì ở tận bang Arizona. Mẹ tôi bị ung thư, viêm phổi, và lưng mẹ cũng khó có thể hồi phục sau cú ngã vừa rồi. Dù bản thân đau ốm như thế, mẹ vẫn tỏ vẻ điềm nhiên, lại còn dặn dò tôi hết lần này đến lần khác: “Con đi đâu cũng phải nhớ cẩn thận xe cộ. Mẹ lo cho con lắm đấy!”.

Trong thời gian mẹ tôi nằm viện, các y tá và bác sĩ đến chăm sóc hay vào khám bệnh cho mẹ đều biết bà thường nói chỉ mỗi ba câu: “Tôi khỏe rồi”. “Cảm ơn rất nhiều”. “Tôi yêu mọi người rất nhiều!”. Nghe cứ như mẹ tôi là bác sĩ còn họ mới là bệnh nhân vậy.

Vài ngày sau đó, tôi đáp chuyến bay đến bên mẹ. Trên giường bệnh, hai mẹ con tôi cùng xem lại những bức ảnh gia đình và cười nói vui vẻ với nhau. Mẹ cứ lo lắng tôi sẽ không thể chăm sóc con cái và hoàn thành công việc của tôi khi dành quá nhiều thời gian ở bên bà như thế. Khi đó tôi chợt nhận ra cha mẹ mình, giống như tôi thuở bé, cũng đang đi lên từng nấc thang, và đến một thời điểm nào đó trong đời, làm con mình vui buồn cùng lúc.

Tôi ngồi trong phòng bệnh, ngắm nhìn mẹ và cố tin lời mẹ hứa rằng bà sẽ sớm xuất viện và làm mấy món bánh ngon đãi cả nhà. Mẹ rất vui vì cha và hai anh em tôi đều về bên cạnh mẹ, nhưng bà cũng áy náy vì nghĩ rằng mình đang làm mất thời gian của cha con tôi.

“Con không cần phải tới đây hàng ngày đâu!”, mẹ cứ hay nhắc nhở tôi như thế. “Con đến là để được ở cạnh mẹ mà!”, tôi cười đáp, lòng thầm nghĩ mình cũng đang giống như mẹ ngày xưa - lúc nào cũng muốn nhìn thấy người mình yêu thương để biết rằng mọi sự vẫn ổn.

Nhưng rồi cũng đến một ngày mẹ vĩnh viễn không ngước lên nhìn tôi nữa. Hôm tang lễ của mẹ, tôi chợt nhận ra khả năng viết lách tồi tệ của mình không thể nào sánh được với nghệ thuật sống của mẹ. Tôi chỉ có thể vụng về gửi theo mẹ một lá thư vỏn vẹn ba dòng:

“Con rất khỏe.

Con cảm ơn mẹ.

Con yêu mẹ rất nhiều!”

Tôi biết rằng ở bậc cuối chiếc thang cuộc đời, mẹ sẽ nghe thấy lời tôi và vẫn sẽ dõi theo tôi trong những tháng ngày sắp tới.

Nhiều tác giả / NXB Tổng hợp TP.HCM và First News

SÁCH HAY