Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Mẹ hổ’ ở Trung Quốc ép con giảm cân, học thể thao

Chính sách “giảm kép” trong học tập cho trẻ em xứ tỷ dân đang khiến nhu cầu đăng ký vào các câu lạc bộ thể thao và nghệ thuật bùng nổ, theo Bloomberg.

Cha me Trung Quoc do xo cho con hoc the thao anh 1

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin 33.000 cơ sở nghệ thuật và thể thao được thành lập chỉ trong vòng hơn một tháng sau khi chính phủ ban hành chính sách “giảm kép” vào cuối tháng 7.

Trong đó, hoạt động dạy thêm trong các ngày cuối tuần và dịp lễ bị cấm, đồng thời các trường học phải giảm cả số lượng lẫn thời gian làm bài tập cho học sinh.

Cuộc đàn áp của chính phủ khiến các bậc phụ huynh đua nhau tìm lớp học thay thế mà vẫn mang lại lợi thế cho con cái họ trong thị trường lao động và giáo dục cạnh tranh khốc liệt của đất nước.

“Gần đây, ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại từ các bậc cha mẹ hỏi về khóa học dành cho con cái họ. Xét cho cùng, trẻ em không thể quá yếu đuối nếu cả nước khao khát trở nên mạnh mẽ”, He Jianwei, chủ câu lạc bộ quyền anh ở phía đông Bắc Kinh, cho biết.

Cha me Trung Quoc do xo cho con hoc the thao anh 2

Cha mẹ Trung Quốc cho con tham gia các cơ sở thể thao, nghệ thuật khi lớp học thêm kiến thức đóng cửa. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Vào buổi chiều chủ nhật của tháng 10, Jenny Liu ngồi đợi con trai 7 tuổi kết thúc buổi học võ.

“Chính sách ‘giảm kép’ đã cho con tôi thời gian để tập thể dục”, bà mẹ 39 tuổi nói.

Liu cho con tham gia lớp học này vào tháng trước, ngay sau khi cơ sở dạy thêm môn toán của cậu bé đóng cửa.

“Guoguo đến đây 3 lần/tuần trừ khi bị ốm”, cô kể.

Các “bà mẹ hổ” của Trung Quốc không đăng ký cho con cái học thể thao hay nghệ thuật chỉ để giết thời gian. Tỷ trọng của các môn này trong bài kiểm tra ở trường đang tăng lên.

Chính phủ cam kết tăng dần điểm số của các môn thể thao trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Một số khu vực như tỉnh Hải Nam đã liệt kê bơi lội, bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền để học sinh lựa chọn.

Chuyển hướng

Nỗ lực kiềm chế tình trạng “thừa học vấn” phản ánh sự mất cân bằng trong thị trường lao động của Trung Quốc.

Khi các hộ gia đình trở nên giàu có hơn, phụ huynh ưu tiên việc cho con cái học văn hóa hơn là phát triển thể chất. Điều đó đã tạo ra sự bùng nổ các trường đại học và gia sư tư nhân.

Hiện nay, có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm nhưng nhiều người không tìm được việc làm phù hợp với trình độ của mình.

Theo tính toán của Bloomberg sử dụng dữ liệu từ Bộ Giáo dục, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng vọt lên gần 8 triệu vào năm ngoái, tăng hơn 30% so với thập kỷ trước.

Ngoài ra, giới trẻ Trung Quốc ngày càng có nguy cơ mắc bệnh béo phì, cận thị và trầm cảm. Hơn một nửa số trẻ em đi học của quốc gia này bị cận thị và gần 1/5 trong độ tuổi 6-17 bị thừa cân hoặc béo phì, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Cha me Trung Quoc do xo cho con hoc the thao anh 3

Trước chính sách “giảm kép”, các bậc phụ huynh Trung Quốc thường ưu tiên cho con cái học văn hóa hơn là phát triển thể chất. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì, cận thị và trầm cảm ngày càng tăng. Ảnh: Kevin Fraye.

Chính phủ có kế hoạch thu hút thêm gần 20 triệu người thường xuyên vận động trong vòng 5 năm, đồng thời đảm bảo mọi quận và khu dân cư đều có thiết bị tập thể dục.

Sự thay đổi về trọng tâm có thể giúp ích cho các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp ở Trung Quốc bằng cách chuyển hướng lựa chọn của học sinh nhằm lấp đầy sự thiếu hụt công nhân lành nghề trong nhà máy.

Các nhà chức trách tuyên bố họ muốn tỷ lệ tuyển sinh vào trường trung cấp nghề gần như tương đương với trường trung học thông thường. Hiện nay, khoảng 57% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, số liệu của Bộ giáo dục cho thấy.

Điều này làm dấy lên lo ngại giữa các bậc phụ huynh rằng nhiều trẻ em sẽ bỏ lỡ cơ hội thi vào trường đại học đáng mơ ước.

Tệ hơn nữa, đối với những người chọn đào tạo nghề, việc chuyển hướng sang trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong công nghiệp cuối cùng có thể gây dư thừa công nhân có kỹ năng.

Lo lắng

Tuy nhiên, cuộc cải cách giáo dục không chỉ là về kinh tế.

Là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, ông muốn thế hệ tiếp theo “khai hóa tinh thần và rèn luyện cơ thể” khi Trung Quốc hướng đến mục tiêu tạo ra cường quốc thế giới vào giữa thế kỷ này.

David Zweig, giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định: “Mong muốn về thể chất dẻo dai rất phù hợp với lời vận động quần chúng cho sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước”.

Các ưu tiên giáo dục mới bao gồm nghệ thuật. Ông Tập đã kêu gọi các nhà văn và nghệ sĩ theo đuổi “sự xuất sắc trong nghề nghiệp, liêm chính về mặt đạo đức”.

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng được ưu ái.

Chính phủ đã nhắm vào các ngôi sao trẻ “không phù hợp về mặt chính trị” và văn hóa thần tượng dung dưỡng họ, hạn chế những hành vi phô trương sự giàu có, lối sống xa hoa.

Các nhà chức trách cũng thắt chặt kiểm soát trò chơi điện tử và tuyên bố loại bỏ “quan điểm méo mó về cái đẹp”, ví như xu hướng thời trang gần đây của các sao nam lưỡng tính.

Cha me Trung Quoc do xo cho con hoc the thao anh 4

Chính phủ xử tỷ dân mong muốn thế hệ tương lai ngày càng mạnh khỏe hơn. Ảnh: Ispo.

Đối với các bậc cha mẹ Trung Quốc, những thay đổi này có nghĩa là họ phải tìm ra lựa chọn thay thế cho khóa học kiến thức mà vẫn có thể tăng cơ hội đạt được công việc tốt cho con cái.

“Tôi e rằng khoảng cách có thể ngày càng rộng hơn vì các gia đình giàu có đủ khả năng thuê dạy kèm riêng một thầy - một trò”, Jenny Liu nói.

Tuy nhiên, người mẹ hy vọng quyền anh sẽ giúp con trai nhút nhát của cô trở nên mạnh mẽ, khỏe mạnh và hướng ngoại hơn.

“Tôi muốn con có thể tự bảo vệ mình khỏi bị bắt nạt. Tôi không muốn sau này con làm việc trong nhà máy vì quá vất vả”, cô cho hay.

'Cha hùm mẹ hổ' Trung Quốc đã đi đâu?

Chuẩn mực nuôi dạy con cái của phụ huynh Trung Quốc đã thay đổi, không còn quá tập trung vào các hình phạt hay ám ảnh bởi sự vâng lời, theo Sixth Tone.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm