Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Mẹ đẻ' vaccine mRNA: Tôi không phải người hùng cứu thế giới

Tiến sĩ Katalin Kariko, người đặt nền móng cho vaccine mRNA, nói với Zing rằng bà không phải anh hùng. Bà cho biết mình tìm đến khoa học vì lĩnh vực này mang tới nhiều hứng khởi.

Katalin Kariko anh 1

“Với tôi, người hùng trong đại dịch Covid-19 là những nhân viên y tế tuyến đầu. Họ chính là người cứu mạng các bệnh nhân, trong khi chính mình còn chưa được tiêm vaccine”, giáo sư Kariko nói với Zing chiều 17/1 tại Hà Nội. “Đó mới là những anh hùng thực thụ”.

“Trong lúc tạo ra vaccine, tôi luôn nghĩ về những người từng cống hiến cả cuộc sống cho tiến bộ khoa học, dù họ không còn trên đời”, bà Kariko nói. “Tôi chỉ ở đây để đại diện cho họ”.

Trùng hợp, ngày 17/1 cũng là sinh nhật của tiến sĩ Kariko. Trả lời báo chí, bà nói chỉ có một vài điều ước, trong đó có việc tạo ra phân tử mRNA có thể được dùng làm protein trị liệu.

“Tôi muốn chứng kiến mRNA trị liệu cứu sống nhiều người đang bị bệnh tật giày vò”, bà Kariko nói. “Điều này thôi thúc tôi mỗi ngày thức dậy và hành động".

Ngoài ra, tiến sĩ Kariko còn nhắc tới một điều ước mà bà vẫn thường kể với đồng nghiệp: Bà hy vọng mình có thể nhanh già đi 2-3 ngày hoặc một tuần, để có thể sớm biết kết quả của các thí nghiệm đang làm dở.

Katalin Kariko anh 2

Vaccine Pfizer và Moderna đều được dựa trên công nghệ mRNA do bà Kariko giúp đặt nền móng. Ảnh: Việt Linh.

Muốn giàu có đừng làm khoa học

Chia sẻ với Zing, bà Kariko - Phó giám đốc cấp cao của BioNTech - cho biết cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều kể từ khi bà nhận được sự chú ý vì công nghệ vaccine mRNA (để tạo ra các loại vaccine như Pfizer và Moderna) ngừa Covid-19.

“Trước đây, không nhiều người biết tới tôi. Tất nhiên, đó cũng không phải là điều tôi mong muốn. Nếu mong chờ sự nổi tiếng, tôi đáng ra sẽ làm diễn viên”, bà nói. “Nhưng tôi trở thành nhà khoa học vì tôi thích đắm mình trong phòng thí nghiệm và suy ngẫm”.

“Người muốn giàu có không nên làm khoa học, nhưng nếu họ muốn sự hứng khởi thì khoa học sẽ cho họ điều đó”, bà Kariko nói với Zing. “Bởi vì mỗi ngày bạn đều có một vấn đề để giải quyết, và đối với tôi đó là điều quan trọng nhất”.

Dù vậy, bà Kariko đang cố gắng tận dụng danh tiếng hiện có để giúp khoa học phát triển.

“Tôi muốn và đang cố gắng để phụ nữ chú ý tới khoa học nhiều hơn”, tiến sĩ kể. “Mục tiêu của tôi là khiến nhiều thanh thiếu niên thích làm khoa học, vì khoa học là điều rất tuyệt vời”.

Mối nhân duyên với Việt Nam

Chia sẻ với báo chí, bà Kariko nói bản thân biết rất nhiều điều về Việt Nam. Vào những năm 1970, khi còn học tại Hungary, bà có cơ hội quen biết nhiều sinh viên Việt Nam. Trong lần tới Việt Nam này, bà sẽ tái ngộ hai người bạn cũ nhiều năm chưa gặp.

“Có một người bạn từng gặp bố mẹ tôi ở Hungary. Vì không thể mời chúng tôi đến Việt Nam, cô ấy đã nấu cho chúng tôi những món ăn quê hương. Chúng tôi học được rất nhiều điều từ đó”, bà nói.

Katalin Kariko anh 3

Bà Katalin Kariko trong buổi trao đổi chiều 17/1 với giới báo chí Việt Nam. Ảnh: Quốc Đạt.

Đánh giá về năng lực và tiềm năng của các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam, bà nhận xét người Việt Nam rất chăm chỉ và đây là đức tính mà người làm trong giới nghiên cứu cần có.

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, phát triển công nghệ thông tin, bà cho rằng nhà khoa học trẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội để học tập. Bà dẫn ví dụ về khả năng tiếp cận kiến thức toàn cầu.

“Khi tôi mới tới Mỹ, điều quan trọng nhất là tôi có thể nghe nhiều bài giảng của các nhà khoa học giỏi từ Đại học Pennsylvania - một trong những ngôi trường danh giá của Mỹ”, bà nói. “Ngày nay, chúng ta có thể nghe bài giảng của những nhà khoa học quan trọng và nổi tiếng ngay trên Internet”.

Có một số người cứ trì hoãn và cuộc sống cứ thế phí hoài. Đừng để điều đó diễn ra, bạn phải luôn lao động cần cù.

Tiến sĩ Katalin Kariko

Việc học tiếng Anh - ngôn ngữ của khoa học hiện đại - cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ có mạng Internet, theo bà Kariko.

Tiến sĩ kể trước kia, “một chữ tiếng Anh bẻ đôi” bà cũng không biết, ngoại trừ chữ “end” (kết thúc) ở cuối phim. Bà phải học từ con số 0 và luôn phải đuổi theo người khác khi mọi người xung quanh đều đã có thể nói thành thạo.

“Tôi luôn phải học tập và nỗ lực nhiều hơn”, bà nói. “Tuy nhiên, có một số người cứ trì hoãn và cuộc sống cứ thế phí hoài. Đừng để điều đó diễn ra, bạn phải luôn lao động cần cù”.

Bà Kariko tự nhận xét mình không có kỹ năng đặc biệt, cũng không phải là người thông minh trên trường lớp. Mọi thứ bà có là sự quyết tâm, cùng sự động viên từ cha mẹ và cơ hội được học hỏi nhiều giáo viên tuyệt vời.

“Khởi đầu như thế nào không quan trọng, bạn có thể trở thành bất cứ ai. Bạn không cần phải sinh ra đã là con của tiến sĩ và vẫn có thể thành công với xuất thân từ gia đình bình dị”, bà nhấn mạnh. “Bạn chỉ cần phải quyết tâm mà thôi”.

Lời khuyên cho nhà khoa học nữ

Hơn ai hết, bà Kariko rất hiểu những khó khăn của phái nữ khi bước chân vào con đường làm khoa học.

“Đương nhiên là việc phụ nữ chúng tôi phải sinh con. Chúng tôi muốn sinh con, muốn lập gia đình, muốn làm người vợ tốt… Rất nhiều vai trò”, bà Kariko nói. “Và ta phải nhận ra là mình không thể giỏi mọi thứ dù luôn cố gắng. Điều cần làm là sắp xếp các ưu tiên, dù điều này rất khó”.

“Đối với phụ nữ, bạn hãy tìm người chồng phù hợp, người sẽ ủng hộ bạn và hiểu rằng bạn muốn trở thành một nhà khoa học”, tiến sĩ nói, bổ sung rằng hai bên không phải là "người hầu" mà là bạn đời của nhau.

Katalin Kariko anh 4

(Trong ảnh) gia đình tiến sĩ Kariko vào năm 1985. Trả lời báo chí Việt Nam, bà cho biết mình đã kết hôn đúng với một nửa đời mình. Cả hai đã ở bên nhau 41 năm. Ảnh: New York Times.

“Tôi đã tìm được người chồng tốt, chúng tôi đã kết hôn được 41 năm”, bà nói về cuộc hôn nhân của mình.

Bà Kariko nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một hệ thống biết nâng đỡ và hỗ trợ phụ nữ, thể hiện qua các cơ chế như chế độ nghỉ thai sản.

“Ở BioNTech, hơn một nửa (nhà khoa học) là nữ. Họ đóng vai trò lãnh đạo nhưng cũng là những người mẹ”, bà nói.

“Hệ thống này giúp những người mẹ không cần phải lựa chọn giữa gia đình hay sự nghiệp bởi họ có thể làm cả hai”, bà chia sẻ.

“Hãy nhìn ngay ở Việt Nam. Việt Nam cũng hỗ trợ phụ nữ, tôi có thể thấy ở đây số lượng phụ nữ áp đảo cánh mày râu”, bà Kariko cười và chỉ ra thành phần phóng viên có mặt tại hiện trường. “Tôi tin là nếu có một hệ thống hỗ trợ, chắc chắn chúng ta sẽ phát triển được”.

Không có “công thức” để trở thành nhà khoa học

Nói về tương lai “đứa con” mRNA, bà cho biết công nghệ này từ trước đã được ứng dụng để chữa trị cho nhiều căn bệnh khác. Đại dịch Covid-19 chỉ khiến nhiều người biết tới công nghệ này hơn.

Bà nêu ví dụ về việc sử dụng mRNA để điều trị bệnh xơ gan. Một công ty bà biết đã ứng dụng mRNA để chữa cho 6 bệnh nhân bị xơ gan. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy 3 người đã khỏi bệnh.

Bạn không cần phải sinh ra đã là con của giáo sư và vẫn có thể thành công với xuất thân từ gia đình bình dị. Bạn chỉ cần phải thật sự quyết tâm mà thôi.

Tiến sĩ Katalin Kariko

“Sau khi đưa phân tử mRNA đã qua chỉnh sửa vào trong gan bệnh nhân, họ nhận thấy mRNA sẽ giúp chỉnh gene xấu để chúng ngừng sản xuất các protein có hại”, bà nói.

Bên cạnh đó, mRNA cũng giúp điều trị bệnh tim, theo bà Kariko.

Trong một nghiên cứu gần đây, khi làm phẫu thuật nối động mạch tim cho bệnh nhân, các bác sĩ đã đưa loại mRNA có tên VEGFA vào tim để kích thích sự hình thành các mạch máu mới. Hiệu quả hoạt động của tim đã được cải thiện, bà Kariko kể.

“Đồng nghiệp của tôi Drew Weissman (người đồng nghiên cứu mRNA với bà Kariko - PV) cũng vừa xuất bản nghiên cứu vào tuần trước về điều trị xơ tim”, bà nói thêm.

Cuối cùng, tiến sĩ Kariko gửi thông điệp rằng “không có công thức” với những người đang, sẽ và muốn trở thành nhà khoa học.

“Bạn không thể biết được hôm nay sẽ có gì. Những lúc bạn tưởng đang đạt được thứ này thì bạn lại phát triển ra một thứ khác”, bà nói, đề cập tới việc mình “chưa từng có ý định sẽ tạo ra một loại vaccine”.

“Làm khoa học là để giải quyết những vấn đề trong tự nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ không biết khoa học có thể dẫn lối cho mình đi tới đâu”, bà kết luận.

Người đứng sau phép màu vaccine của Pfizer và Moderna

Tiến sĩ Katalin Kariko là người đặt nền móng vaccine công nghệ mRNA, giúp nhiều quốc gia dần lật ngược tình thế trong đại dịch Covid-19.

Tiem nang 25 ty USD cua thit nhan tao hinh anh

Tiềm năng 25 tỷ USD của thịt nhân tạo

0

Chính phủ Mỹ đã cấp những giấy phép đầu tiên cho 2 doanh nghiệp bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm điều này.

Phương Linh - Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm