Một buổi nói chuyện về mẹ nhân ngày phụ nữ Việt Nam đã được tổ chức tại Tổ chim xanh. Sự kiện diễn ra với sự góp mặt của nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh cùng rất đông các bạn trẻ.
Nhiều bạn trẻ đã có mặt từ sớm để tham gia buổi trò chuyện |
Không giống với các sự kiện khác, buổi trò chuyện về mẹ được bắt đầu bằng việc người tham gia sự kiện đọc và chia sẻ suy nghĩ của bản thân về 1 đoạn trích về mẹ mà các bạn yêu thích. Điểm khác biệt này thú vị đến mức tác giả Đinh Trần Tuấn Linh phải thốt lên: “Đây là một sự kiện cảm xúc ngay từ những phút đầu tiên”.
3 lần “wow” khi đọc sách về mẹ
"Thì ra mẹ cũng từng là một bé con. Mẹ cũng từng chập chững những bước đầu tiên. Mẹ cũng có tuổi thơ. Mẹ đã từng 12 rồi 14. Mẹ cũng có anh trai". Đó là một đoạn trích trong tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Shin Kyung Sook.
Cũng giống như nhiều người con khác, luôn cho rằng mẹ là mẹ, mẹ sinh ra đã là mẹ và chẳng ai còn quan tâm đến quãng thời gian trước đây, quãng thời gian mẹ chưa có chúng ta.
Lần “wow” thứ hai đến từ một nữ khi bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về 1 đoạn trích đã đọc. "Bố đã quên mẹ từng là người con gái mà mình yêu. Bây giờ, bố chỉ nghĩ mẹ là mẹ của những đứa con của bố. Một suy nghĩ đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai người mẹ. Rồi đến khi mẹ biến mất. Bố mới nhận ra sự hiện hữu của mẹ như một người mình thương".
Và lần “wow” thứ ba là khi cả khán phòng phải bật cười. Thì ra mẹ chẳng thích quanh quẩn bếp núc đâu. Người mẹ trong Hãy chăm sóc mẹ đã từng đập rất nhiều nắp chum vì sự nhàm chán của việc nấu nướng.
"Mẹ không thấy điểm kết thúc. Nếu gieo hạt vào mùa xuân thì ta sẽ thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt cây chân vịt sẽ mọc lên cây chân vịt. Ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô. Còn việc bếp núc thì không có điểm khởi đầu và kết thúc. Mẹ nấu bữa sáng, rồi bữa trưa và bữa tối. Sáng hôm sau lại nấu bữa sáng. Cứ như thế, mẹ chán lắm rồi".
Hình ảnh mẹ trong văn học phương Đông và phương Tây
Đây cũng là một chủ đề được đưa ra bàn luận trong buổi trò chuyện sau khi các bạn trẻ chia sẻ suy nghĩ của mình về người mẹ trong những đoạn trích đã đọc. Từ góc độ và kinh nghiệm đọc cá nhân, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh đưa ra một cặp hình ảnh người mẹ đó là nhân vật chị Dậu trong văn học Việt Nam và nhân vật Fantine của Victor Hugo trong văn học Pháp.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh chia sẻ suy nghĩ cá nhân trong sự kiện |
Vì sưu cao thuế nặng, vì muốn cứu người chồng mà chị đã phải bán cái Tí, đứa con dứt ruột đẻ ra. Còn với Fantine, người mẹ trong tác phẩm Những người khốn khổ dù có phải bán tóc, bán răng, rồi bán cả cơ thể mình nhưng quyết không bán đứa con của mình. Chưa bàn đến việc, ai thương con của mình hơn, nhưng đã có sự khác nhau trong hình ảnh người mẹ của 2 nền văn học Việt Nam và Pháp.
Không có những ví dụ so sánh nổi bật, cụ thể như của Đinh Trần Tuấn Linh, nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh có một cảm nhận khác về hình ảnh người mẹ trong văn học phương Đông và phương Tây. Chị cho rằng, hình ảnh người mẹ trong văn học châu Á thường hiện lên với đức hy sinh, chịu thương chịu khó.
Mẹ luôn nỗ lực để trở nên hoàn hảo như một tấm gương cho con noi theo. Hay giống như chính những cảm nhận của các bạn trẻ vừa chia sẻ, hình ảnh con người thực sự của mẹ thường bị che đi bởi hình ảnh khác gọi là “mẹ”. Mẹ hay quên đi chính bản thân mình.
Còn trong văn học châu Âu, với sự đề cao chủ nghĩa cá nhân thì hình ảnh người mẹ lại mang một màu sắc khác. Họ độc lập, mang vẻ đẹp của chính mình. Cà chua ngọt, một tác phẩm văn học Pháp là minh chứng cho điều đó. Chuyện kể về một người mẹ sinh con ở tuổi 13 rưỡi. Một người mẹ cả đời chỉ có mong ước kiếm đủ tiền để đi phẫu thuật bộ ngực cho bớt đẹp đi.
Hai mẹ con lớn lên và chẳng biết ai là người trưởng thành hơn. Câu chuyện đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, một cách tư duy khác về mẹ. Một người mẹ thì phải như thế nào? Và có phải cứ là một người mẹ hoàn hảo thì đứa con mới lớn lên hạnh phúc hay không?
Nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh nói về sự khác biệt của hình ảnh người mẹ trong văn học phương Đông và phương Tây. |
Hãy chăm sóc mẹ
Dù có khác nhau trong cách thức thể hiện, nhưng hình ảnh người mẹ trong bất kỳ nền văn học nào hiện lên cũng thật đẹp, đầy ấm áp và thiêng liêng.
Hãy chăm sóc, yêu thương và quan tâm mẹ ngay đi là thông điệp cuối cùng mà các diễn giả trong sự kiện này muốn lan tỏa. “Mẹ chỉ cách mình một cú điện thoại thôi”, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh đã nói. Không cần phải cầu kỳ, hãy yêu thương mẹ bằng những hành động nhỏ nhất. Như cái cách mà nhà văn Cửu Bả Đao đã làm chẳng hạn: “Mẹ, thơm một cái!”
Những trích dẫn ý nghĩa về mẹ:
"Mọi tình yêu trên thế gian đều bắt nguồn từ mẹ" - Lee Rury & Emanuele Bertossi
"Một ngày rất xa, tóc con sẽ bạc và lúc ấy, yêu thương ạ, con sẽ mơ về mẹ như bây giờ" - Hoàng Quyên & Shishi Nguyễn
"Cô chưa bao giờ nghĩ hình ảnh mẹ không gắn liền với bếp. Mẹ là bếp và bếp chính là mẹ. Chưa khi nào cô tự hỏi, Mẹ có thích quanh quẩn với bếp núc không?" - Shin Kyung Sook
"Giờ thì tôi nhớ mẹ thật, nhớ rất nhiều, đến nỗi muốn khóc và trở về nhà" - Cửu Bả Đao
"Làm mẹ không phải là một công việc. Thật chí không phải là một nghĩa vụ. Đó chỉ là quyền trong rất nhiều quyền" - Oriana Fallaci
"Con yêu mẹ vì… mẹ là mẹ của con. Vậy thôi!" - Pascal Tuelade & Jean - Charlies Sarrazin