Gần đây, có không ít bà mẹ trẻ tự thấy bế tắc trong cuộc sống đi tìm lối thoát cho bản thân. Đau lòng hơn, thay vì giải thoát một mình, họ ôm theo con đi vào ngõ cụt khiến những đứa con chết một cách oan uổng. GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và phát triển đã trò chuyện với phóng viên về vấn đề đang trở thành hiện tượng này.
GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và phát triển. |
- Bà có nhìn nhận gì về những con người sẵn sàng vứt bỏ mạng sống của mình và các con chỉ vì suy nghĩ tự giải thoát hay để trả thù gia đình, người thân?
- Hành vi tự tử có nghĩa là sự không hòa nhập, sự phản ứng của cá nhân với xã hội xung quanh. Tự tử cũng chính là một sự sai lệch chuẩn mực xã hội, vì con người chỉ sống một lần, mạng sống rất quý, khi người ta đã tự hủy hoại bản thân mình thì điều đó chứng tỏ bi kịch quá lớn.
Nguyên nhân của hành vi tự tử trước tiên là do khủng hoảng về tâm lý, tinh thần. Khi con người ta sống, tinh thần đóng một vai trò rất quan trọng, đấy chính là “hồn”, mà phần “hồn” là phần chính của con người, nên khi nó bị khủng hoảng, khả năng cứu chữa cũng khó hơn rất nhiều, thuốc chữa cũng không rõ ràng.
Theo tôi người quyết định tự tử vừa can đảm lại vừa hèn nhát. Can đảm vì người ta có thể chọn cái chết, nhưng hèn nhát là khi người ta dùng cái chết để trốn tránh những vấn đề của cuộc sống mà người ta đang gặp phải.
Những người phụ nữ tự tử gần đây hầu hết đều có lý do về gia đình. Nhìn chung bây giờ nạn tự tử rất lạ, tức là con người bây giờ khủng hoảng tâm lý và khủng hoảng niềm tin đến nỗi mà không có chuyện gì đáng cũng tự tử. Tất cả nói lên một điều, nhưng người phụ nữ này là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của sự thờ ở trong gia đình hoặc xuất phát từ một sự bất bình hay mâu thuẫn trong gia đình.
- Trong cuộc sống này có thứ mâu thuẫn đến mức phải lấy mạng sống của mình ra mới hóa giải được hay sao, thưa bà?
- Theo các nghiên cứu của tôi, mâu thuẫn gia đình là điều rất bình thường trong cuộc sống của một con người. Tuy nhiên, những người yếu tâm lý thường quan trọng hóa nó lên hoặc là họ bế tắc không có cách giải quyết, không có lối thoát nên tìm cách tự tử.
Đứng trước những mâu thuẫn ấy, nếu chúng ta xem xét và coi rằng gia đình là tổ ấm thì chúng ta sẽ rất sốc. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng, gia đình không chỉ là tổ ấm, mà đôi khi nó còn là “tổ lạnh” và là nơi hội tụ mâu thuẫn và đấu tranh thì chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt.
- Bà có nhìn nhận thế nào đối với những người lấy mạng sống của mình và thậm chí của con mình ra để thử nghiệm như thế?
- Về mặt con cái, khi những người phụ nữ, những người mẹ chọn cái chết và quyết định tự tự, thì điều đầu tiên là họ sẽ nghĩ ngay đến đứa con. Họ sợ con sẽ không được sung sướng, sẽ đau đớn khi mất mẹ. Họ sợ con họ sẽ phải sống với dì ghẻ - là một điều hết sức kinh khủng đối với những người mẹ.
Người phụ nữ cũng nghĩ đến mục đích trả thù, trả thù người khiến cho họ phải tự tử, đó có thể là chồng và gia đình của chồng, muốn họ đau khổ, dằn vặt suốt đời vì mất con.
Theo tôi nghĩ, bản thân người mẹ vốn đã yếu ớt, không hoàn thiện, không đủ mạnh mẽ đương đầu thì họ cũng không có quyền cướp đi cuộc sống của con cái. Dù là người đẻ ra nhưng họ cũng không có quyền cướp đi mạng sống của con. Người ta chỉ có thể thông cảm một phần rất nhỏ là do quẫn quá nên người mẹ làm liều, còn không gì có thể đồng tình với hành vi ép con cùng chết, không lời nào có thể biện minh cho hành động này. Đó không phải độc ác mà là quá độc ác. Nếu nghĩ cho con thì không nên tự tử, mà phải sống và chiến đấu đến cùng vì con.
Việc giết trẻ con bao giờ cũng gây chấn động, bởi đứa bé không có khả năng tự vệ, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, nó không có khả năng chống cự, cái đau đớn nhất là đứa bé vô tội, gây cho xã hội cái trăn trở, suy nghĩ, những ai chứng kiến cũng sợ hãi, day dứt, ám ảnh và bị tổn thương. Những người xa lạ chứng kiến còn xót xa, thì thử hỏi gia đình họ còn đau đớn đến đâu. Sự việc gây mất trật tự trị an, mất bình yên của xã hội, vô tình làm gương xấu cho nhiều người học tập.
- Làm sao để có thể hỗ trợ cho người có tâm lý yếu mềm?
- Việt Nam không giống như ở nhiều nước phương Tây, không có nhiều cơ sở tư vấn về tâm lý. Đối với những người phụ nữ bị trầm cảm, hay bế tắc không tìm ra lối thoát, nếu có một cơ sở tâm lý nào đó giúp đỡ, tư vấn thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một số cơ sở nhưng hoạt động cũng chưa thực sự hiệu quả. Trong tương lai chúng ta cần mở rộng, phổ biến các cơ sở tâm lý để người dân có thể được chữa trị tâm lý kịp thời, bởi 100% con người đều có nhu cầu chính đáng về mặt tinh thần. Nhà thờ đã làm điều này rất tốt, tức là người cha đạo thường nghe con chiên xưng tội, đó cũng là một cách giải tỏa tâm lý hết sức thành công của nhà thờ.
Trong trường hợp thiếu thốn như ở Việt Nam thì các hoạt động công tác xã hội có trách nhiệm giải tỏa tâm lý tinh thần để giúp những người yếu thế vươn lên. Những người làm công tác xã hội là những người bác sĩ chữa bệnh xã hội, đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý khi bị trầm cảm, khủng hoảng. Bản thân cá nhân từng người cũng nên chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội hay các chi hội sinh hoạt tập thể, giao lưu, trò chuyện với bạn bè, sinh hoạt văn hóa, thể thao.
Môi trường sống của con người rất quan trọng, nó hoặc làm cho con người sống lành mạnh, hoặc làm cho họ bị khuyết tật về tinh thần.
- Bà có lời khuyên nào cho những người đang có ý định tự tử?
- Chịu khó giao tiếp, mở lòng mình ra tâm sự, chưa có bác sĩ tâm lý thì tâm sự với người thân, cân nhắc xem lời khuyên nào là đúng, là thuận cho mình nhất. Họ cũng nên tìm cách giải trí trong chính hoàn cảnh của mình. Đối với đứa con, người mẹ phải biết nghĩ đến tương lai của nó.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đã làm mẹ cũng không nên tìm đến cái chết, phải nghĩ rằng cuộc sống rất quý giá. Dù khó khăn mấy cũng có cách giải quyết cho họ nếu biết cách dựa vào cộng đồng, dựa vào người khác để giải quyết vấn đề của mình.