Sau mỗi ca trực, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa quốc tế cửa khẩu Cầu Treo lại háo hức chờ kết nối điện thoại với người thân. "Con ăn no chưa, học online thế nào?" - Họ vẫn ngày ngày hỏi thăm những thiên thần bé nhỏ đã rất lâu không gặp.
Rồi khi cúp máy, nhiều người bật khóc thành tiếng. Vì trước câu hỏi của trẻ thơ, dù chuẩn bị sẵn câu trả lời nhưng không dễ nói ra.
"Sao mẹ đi lâu thế?"
Điều dưỡng Trần Thị Hương Thơm (39 tuổi) và 48 đồng nghiệp "cấm trại" gần một tháng nay tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế cửa khẩu Cầu Treo nằm ở huyện biên giới Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhận lệnh đến điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, họ trở thành những F1 nên phải tuân thủ quy trình cách ly để bảo đảm an toàn cho người thân cũng như cộng đồng.
Nhắc đến con trong cuộc chia sẻ hiếm hoi với Zing, nữ điều dưỡng nơi tuyến đầu rớt nước mắt. “Gọi điện về nhà, con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về. Hay mẹ về với con một lúc rồi đi, con không sợ con Covid đó đâu? Nghe con hỏi cũng chỉ biết nuốt nước mắt rồi bảo mẹ bắt hết Covid rồi sẽ về với con”.
Chị Thơm và đồng nghiệp làm việc ở đây hầu hết có con nhỏ. Có người cách bệnh viện chỉ vài km nhưng không thể ghé thăm nhà. Những cuộc gọi video từ khu cách ly là cách duy nhất để họ nhìn thấy người thân.
Điều dưỡng Thơm (bìa trái) hỗ trợ đồng nghiệp mặc áo bảo hộ trước khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: H. Dương. |
Cũng nhiều lần bật khóc khi nghĩ về con, nữ điều dưỡng Phan Thị Hòa (35 tuổi) kể rằng chị từng hoang mang khi nhận lệnh đi tuyến đầu chống dịch. Con lớn lên 5, còn bé thứ hai mới 17 tháng tuổi vẫn đang bú mẹ, chị không biết lúc vắng nhà, chồng con sẽ xoay xở ra sao.
“Ngày nhận nhiệm vụ cũng là lúc phải cai sữa cho con. Những đêm đầu, không ai ngủ được. Tôi lại càng khó vì nhớ con, cương sữa nên chỉ nằm khóc một mình", nữ điều dưỡng kể sau này được người thân động viên, tất cả y bác sĩ cũng xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phải đẩy lùi dịch bệnh.
Ở bệnh viên dã chiến, họ coi các bệnh nhân như em út trong nhà, thay nhau động viên, chia sẻ. Ngoài kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc, chị Hòa và đồng nghiệp trở thành người thân giúp bệnh nhân lạc quan. Chuyển biến tích cực của các bệnh nhân trở thành động lực, niềm vui với những cán bộ chống dịch.
"Chưa tính ngày về"
Cũng như gần 50 đồng nghiệp ở đây, hơn 20 ngày từ khi được điều động từ bệnh viện tỉnh đến Cầu Treo, bác sĩ CKI Hoàng Viết Cường (35 tuổi) chưa có đêm nào trọn giấc. Anh cũng chưa thể về nhà bế cô con gái sắp 1 tuần tuổi.
Chiều 26/3, đang chuẩn bị điều trị cho ca bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, anh Cường nhận lệnh đến bệnh viện dã chiến ở huyện Hương Sơn điều trị cho những người mắc nCoV đầu tiên ở địa phương.
Bác sĩ Cường (áo xanh) trao đổi cùng kíp trực khi điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dương. |
“Biết là sẽ đến các điểm cách ly và bệnh viện tuyến đầu chống dịch nhưng vẫn bất ngờ khi bản thân được giao trọng trách điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Có chút hồi hộp, lo lắng nhưng nhận nhiệm vụ là đi, chưa nghĩ được lúc nào sẽ trở về”, anh nói.
Gói gọn 3 bộ quần áo và tư trang cá nhân, bác sĩ Cường lên đường tới cơ sở dã chiến mà không kịp ăn cùng vợ bữa cơm trưa. Khi đó, vợ anh sắp sinh bé gái thứ 2.
Cùng làm ngành y nên khi biết chồng nhận nhiệm vụ chống dịch, vợ anh ủng hộ. Nhưng anh biết rằng người thân không khỏi lo lắng khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một vài đồng nghiệp của anh ở Hà Nội đã bị nhiễm bệnh này.
Những ngày đầu, anh Cường khám, điều trị cho nữ bệnh nhân 146 trở về từ Thái Lan. Ba ngày sau, thêm 2 ca nhiễm khác được đưa vào cùng những người trở về từ Lào, Thái Lan.
49 y bác sĩ tại đây được chia thành 6 nhóm luân phiên nhau điều trị cho các bệnh nhân. “Có chút lo lắng vì đây là dịch bệnh mới, chưa có thuốc đặc trị, phác đồ điều trị cũng chỉ giúp tăng đề kháng cho bệnh nhân. May mắn là mọi chuyện đều ổn, các ca bệnh không diễn biến phức tạp, họ cũng phối hợp tốt với bác sĩ”, anh Cường kể.
15 ngày sau khi bác sỹ này đi chống dịch, vợ anh chuyển dạ. Qua video đồng nghiệp ghi lại, anh thấy được mặt vợ con.
“Vợ lâu lâu lại hỏi có kịp về ngày đầy tháng con không? Lúc ấy, cũng chỉ biết cười động viên vợ rồi nói hết dịch, bố về nấu bữa cơm chuộc lỗi với mẹ con”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Nữ bệnh nhân 146 xuất viện, chữa khỏi Covid-19 sau 21 ngày điều trị. Ảnh: H.T. |
Còn bác sĩ Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế cửa khẩu Cầu Treo, cho biết nơi đây có 49 cán bộ y tế nhưng chỉ có 7 bác sĩ chuyên khoa nên việc chia nhóm, phân bố kíp trực để đảm bảo việc điều trị gặp khó khăn.
“Y, bác sĩ chủ yếu có con nhỏ nên lúc nhận nhiệm vụ ở tuyến đầu chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ai cũng lo lắng. Nhưng xác định tâm lý đẩy lùi dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu, mọi người dần ổn định, động viên, an ủi nhau cùng cố gắng. Mỗi ca bệnh chữa khỏi thì niềm tin đẩy lùi dịch bệnh lại nhân lên", bác sĩ Thành nói.
Vị lãnh đạo bệnh viện nói rằng y, bác sĩ nơi đây là những F1 nên việc lây nhiễm có thể xảy ra. Tuy nhiên, với nhiệm vụ chống dịch, không ai được quyền lựa chọn công việc. Mọi người tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch và áp dụng đúng phác đồ điều trị. Nhờ đó, có ca bệnh đã được chữa khỏi ở bệnh viện này.
Hà Tĩnh hiện ghi nhận 4 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, nữ bệnh nhân 146 đã xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Ba ca bệnh còn lại đang được điều trị, cách ly.