Câu nói vận vào cuộc đời
Những ai đã từng gặp chị Trần Lan Phương ngoài đời đều không khỏi bất ngờ về sự trẻ trung, xinh đẹp của người phụ nữ này. Mỗi khi chị tháp tùng á hậu Huyền My dự sự kiện, nhiều người không tin đó là mẹ cô mà cứ ngỡ là chị gái. Nhờ vậy mà từ nhỏ, Huyền My đã sở hữu được những nét đẹp, làn da trắng từ mẹ. Chỉ khác một điều là Huyền My có chiều cao nổi bật hơn mẹ nhiều. Chị Phương cho biết, lúc đó, mỗi khi có người đến chơi nhà lại nói lớn lên cho Huyền My thi Hoa hậu. Ai ngờ câu nói nửa đùa, nửa thật ấy lại trở thành sự thật. Dù chỉ đoạt á hậu 1 nhưng những thành công mà Huyền My đạt được đến hôm nay không hề thua kém danh hiệu Hoa hậu là bao.
Á hậu Huyền My và mẹ (ảnh gia đình cung cấp). |
Chị Phương cũng như bao người mẹ khác có con gái xinh đẹp thì nỗi lo cũng nhiều hơn. Nhà Huyền My có một nguyên tắc bất di bất dịch là dù bố mẹ bận rộn tới đâu cũng phải thay nhau đón con chứ không nhờ xe ôm hay taxi đưa đón. Đến tận bây giờ, khi các con đã lớn thì vợ chồng chị Phương vẫn duy trì nguyên tắc này. Cứ nghĩ con lớn rồi thì sẽ nhàn hơn trong việc đưa đón, nhưng rồi chị thấy, nhỏ thì lo con đi một mình không an toàn, lớn lên lại là một nỗi lo khác, sợ con mải chơi theo bạn, theo bè. Đến khi phát hiện ra con không còn như lúc xưa thì đã không còn kịp nữa. Đó là điều mà chị nhìn thấy ở khá nhiều các gia đình nên luôn chủ động phòng hơn chống ngay từ đầu.
Hỏi chị Trần Lan Phương, bao bọc con như thế thì có sợ Huyền My thiếu đi sự tự lập hay không? Chị nói: “Thực ra, vợ chồng tôi đều rất bận rộn. Chồng làm nhà nước, tôi thì lo kinh doanh nên nếu để sát sao con từng ly, từng tí thì không thể. Huyền My 20 tuổi rồi, cũng không nên chăm sóc thái quá hoặc theo sát quá sẽ không hay, nhất là khi con là Á hậu, nhiều ánh mắt nhìn vào soi xét. Chính vì vậy mà chúng tôi xác định phải trang bị cho con những kỹ năng để các con ra đời tự lập chính cuộc sống của mình. Huyền My vốn là người rất cá tính nên không thể mang khuôn khổ ra để ép được, mà phải bằng bản năng của người mẹ để khuyên giải. Trong các mối quan hệ bạn bè của con cũng vậy, tôi không cấm, chỉ khuyên để lựa chọn. Nhưng phải để con cái biết được quan điểm của bố mẹ giúp con biết cách tìm bạn mà chơi, vì cuộc sống đâu chỉ sống cho bản thân mà còn cho gia đình nữa. Nếu không được dạy điều này thì lớn lên, con cái sẽ sống rất ích kỷ, chỉ làm điều mình thích mà không biết đến cảm nhận của người khác”.
Chị Phương nêu ví dụ từ câu chuyện của chính mình trong việc cá không ăn muối cá ươn. Chị cho rằng, người lớn có thể lạc hậu hơn lớp trẻ, nhưng kinh nghiệm sống và khả năng nhìn nhận, đánh giá người khác tốt hay xấu thì ít khi nhầm lắm. “Ngày tôi quen bố Huyền My cũng vậy. Anh ấy mới vừa đi học ở Đức về, còn tôi thì chuẩn bị đi du học ở Canada. Bố tôi nói với tôi rằng: “Học ở đâu cũng là học, tùy con lựa chọn. Nhưng người như Đức (bố Huyền My) thì khó kiếm lắm”. Vì câu nói đó của bố mà tôi đã từ bỏ ước mơ du học, sau đó kết hôn với anh. Giờ đây, sau nhiều năm chung sống, đã có hai mặt con, tôi càng thấm thía hơn sự nhìn nhận của bố. Kinh nghiệm ấy cũng được tôi tích lũy để răn dạy con mình”.
“Bố còn không được tiêu nhiều, huống chi là con cái”
Chị Phương bảo, khi mình có một gia đình hạnh phúc thì đó sẽ là trường học hiệu quả nhất. Bí quyết nuôi dạy con cũng không có gì to tát, xa xôi mà chỉ cần mang những điều trong gia đình mình ra để dạy con cũng đủ rồi. Trẻ sẽ dễ được thuyết phục hơn, vì đã được mắt thấy tai nghe chứ không so sánh kiểu bố mẹ có làm thế đâu mà bắt các con phải như thế. Dù bận rộn tới đâu nhưng gia đình chị Phương cũng hạn chế thuê người giúp việc. “Nếu phụ thuộc vào người giúp việc quá thì mọi thứ sẽ bị ỷ lại, các thành viên trong gia đình không biết san sẻ và gắn kết với nhau nữa. Chẳng hạn đi làm về thấy tôi đang nấu cơm thì chồng sẽ đi đổ rác. Ăn cơm xong, anh ấy sẽ rửa bát giúp tôi nếu Huyền My không có nhà. Hoặc nếu bố mẹ không có nhà thì các con phải tự nấu ăn”, chị Phương nói.
Một nguyên tắc sống nữa mà chị Phương đã dạy các con từ nhỏ, đó là cách ứng xử với đồng tiền. Chị bảo: “Gia đình tôi không phải đại gia, nhưng cũng không phải quá lo lắng về kinh tế. Cậu con út còn nhỏ thì chưa nói, riêng Huyền My thì từ ngày đi học tôi cho 200.000 đồng/tuần. Chưa bao giờ tôi cho con số tiền lớn hơn, kể cả khi con đã kiếm được tiền thì cũng phải đưa cho mẹ giữ. Ngay với bố Đức cũng còn không được tiêu nhiều, huống chi là con cái. Không chỉ để con biết giá trị của đồng tiền mà thông qua kỷ luật này, tôi muốn con sẽ biết phấn đấu. Khi mình tự kiếm ra đồng tiền thì sẽ không phải xin ai, không phải phụ thuộc vào ai cả. Bố mẹ đừng bao giờ nói sẽ cho con cái này, cái kia để làm mất đi sự phấn đấu ở con. Có cho con một đống tiền mà không biết tìm cách sinh sôi nảy nở thì cũng hết. Thà cứ cho một ít thì tự khắc chúng sẽ phải tự thân vận động. Đó cũng là cách mà tôi trang bị cho Huyền My khi con có cuộc sống riêng. Dù có lấy chồng giàu đến đâu thì nguyên tắc ấy cũng không được thay đổi. Có thể mình không thiếu tiền, nhưng việc mình kiếm tiền sẽ mang lại cho mình tiếng nói và dù có chuyện gì xảy ra thì mình cuộc sống của mình cũng không rơi vào bi đát”.
Với bản thân, chị Phương cũng sớm tự xác định cho mình một kinh nghiệm rằng, dù có lo cho con cái đến cuối đời cũng chưa hết. Cho nên đôi khi phải bình thản để đón nhận mọi chuyện có thể xảy ra. “Mình chỉ có thể cho con nền tảng ban đầu, còn việc phát huy tới đâu, ứng xử thế nào với cuộc sống thì chỉ có tự con quyết định được thôi. Nhưng tôi tin ở Huyền My, cá tính và độc lập từ lúc 15 tuổi thì dù ở đâu, làm gì, con cũng sẽ vững vàng và bản lĩnh trong cuộc sống”, mẹ Huyền My nói trong sự tự hào về con gái.