Zing.vn lược dịch nhận định của chuyên gia công nghệ nổi tiếng John McAfee đăng trên tạp chí Loggia on Fire về những hoạt động tình báo công nghệ ngày nay.
Phát hiện chip gián điệp trên bo mạch của SuperMicro gây chấn động, song lại không quá bất ngờ với các chuyên gia an ninh mạng. Các điệp viên hoạt động trên toàn cầu đã sử dụng cả phần mềm lẫn phần cứng để đột nhập vào mạng lưới tình báo đối thủ trong suốt 25 năm qua.
Gần đây, chính phủ các nước còn tạo ra các phương thức để theo dõi công dân của họ. Một trong số những cách làm hiệu quả chính là cài cắm các chuyên gia vào những công ty phần mềm, phần cứng.
Các công ty công nghệ nhìn chung thường rất thiếu nguồn lực, nhân viên có tay nghề cao. Do đó, không nghi ngờ gì việc trong mỗi công ty đều có ít nhất hàng chục những chuyên gia - gián điệp nằm vùng này.
McAfee cho rằng rất có thể mỗi sản phẩm công nghệ mà chúng ta sử dụng ngày nay đều là một thiết bị gián điệp. Ảnh: Loggiaonfire. |
Theo thời gian, khi các gián điệp này ngày một được tin tưởng hơn, họ sẽ được chuyển đến những bộ phận lãnh đạo có đủ thẩm quyền để thay đổi thiết kế sản phẩm mà không bị phát hiện.
Không một lực lượng kiểm tra hay giám sát nào có thể phát giác ra vấn đề, nếu các điệp viên này đủ thông minh, đặc biệt khi họ còn có thể được sắp xếp để làm việc cùng nhau trên từng mảng, bộ phận sản phẩm cụ thể. Phần lớn các phát hiện nếu có hoàn toàn ngẫu nhiên, như sự vụ của SuperMicro.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là quốc gia bị tình nghi có liên quan. Nước này sản xuất 75% smartphone, và hơn 90% máy tính toàn cầu. Do đó, nếu phát hiện những sai sót phần cứng từ châu Âu, Nga, Mỹ, mới thực sự gây sửng sốt.
Còn đối với phần mềm, câu chuyện có chút rắc rối hơn. Các cuộc tấn công bằng phần mềm là vô hình, cùng với sự phức tạp trong cấu trúc phần mềm ngày nay đã cho phép tạo ra nhiều phương thức tấn công.
Thế đối chọi giữa các bên trong hoạt động tình báo công nghệ sẽ tạo ra bức tranh toàn cảnh thú vị. Ảnh: Yahoo. |
Tuy nhiên, xác suất để phát hiện tấn công bằng phần cứng vẫn là rất nhỏ. Vụ cài lén chip này chắc chắn đã xảy ra nhiều năm trước, và chỉ được phát hiện một cách tình cờ.
Có lẽ chúng ta nên biết rằng, trong bối cảnh các điệp viên đầy rẫy các công ty công nghệ, hầu như mọi sản phẩm điện tử mà người ta sử dụng đều có khả năng là một thiết bị gián điệp. Nó có thể phục vụ cho các tổ chức, các quốc gia ngoại bang, hoặc cho ngay chính phủ sở tại.
Điều trớ trêu là các phần cứng do Trung Quốc cung cấp cho công ty Mỹ, chắc chắn sẽ được chính phủ Mỹ sử dụng, và cài đặt phần mềm phản gián Trung Quốc lẫn các quốc gia khác. Thế đối chọi này hiển nhiên sẽ còn lâu dài, và mọi thứ chắc chắn sẽ còn rất thú vị.