Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MC Trấn Thành: 'Khi sai đừng đổ thừa'

"Với tôi, sự thật và tính công bằng luôn phải đặt lên hàng đầu, không được đổ thừa cho điều gì hết", nam MC chia sẻ.

"Tôi thừa nhận showbiz Việt cũ kỹ"

- Anh có thấy showbiz hiện nay bị thiếu sáng tạo, thiếu thông minh trong xử lý vấn đề cũng như tạo ra sản phẩm mới, phương pháp mới, hơi thở mới? Anh có thấy showbiz Việt đang cũ kỹ không?

- Đó là chắc chắn. Tôi thừa nhận và vấn đề nằm ở hai phía: nghệ sĩ với khán giả - truyền thông.

Hiện nay, nghệ sĩ thích an toàn. Đa số ai cũng vậy, nhất là người dẫn chương trình. Họ phải mang áp lực từ phía nhà đài, phải làm tròn công việc, đúng thời lượng, không được kéo dài sóng, không được nói những câu gây ra sự nhạy cảm hay chấn động... Họ sợ những điều đó cũng hợp lý, vì thế, buộc họ phải khép kín mình, học thuộc bài và làm đúng mọi thứ theo kịch bản, để an toàn.

Thứ hai, từ truyền thông và khán giả. Truyền thông thích viết bài để dập những cái sai của người ta, không thích viết những bài khen. Nếu như trong một sự kiện bạn làm tốt, nhiều lắm được 1 bài khen, còn lại 9 bài chê. Khán giả cũng vậy. Đa số họ rất khó chịu với những người tạo ra cái sai trên sân khấu. Họ thích mọi thứ phải trơn tru. Như vậy, buộc lòng rất nhiều nghệ sĩ hiện nay phải giữ mình. Người ta sợ rủi ro. Họ sợ bị truyền thông dập, sợ bị khán giả quay lưng, sợ bị nhà đài khiển trách, sợ mất đi công việc, sợ bị ảnh hưởng đến danh dự. Người ta sợ tất cả mọi chuyện.

Như vậy ai sẽ là người tạo ra cái độc và lạ đây? Tôi xin làm người tiên phong. Tôi chấp nhận rủi ro. Tôi mang thân mình làm bia đỡ đạn và tôi biết cái bia của tôi phải đủ bền vững để đạn bắn vào không bị hỏng hóc, dĩ nhiên có hằn lên vài dấu vết nhưng nó đủ mạnh mẽ để giúp tôi đi hết chặng đường này.

Nếu muốn tạo ra cái mới, bạn phải chấp nhận rủi ro. Đó là bắt buộc. Khi vượt qua được chặng đường đó, bạn sẽ ngẩng cao đầu. Nhưng đừng đi chân không, phải trang bị đủ giày dép để đi vì chẳng có con đường nào bằng phẳng. Dũng cảm mà kèm theo sự ngu dốt là chết oan mất. Dũng cảm nhưng phải đủ tỉnh táo, khéo léo, bản lĩnh, để tìm ra phương pháp tốt nhất vượt qua khó khăn đó.

MC Trấn Thành.

- Anh có sợ và có bị stress bởi dư luận không?

- Hiện nay, các nghệ sĩ có một thú vui là lên trang cá nhân gọi là fanpage để đọc lời bình luận của khán giả. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi thích đọc để hiểu người ta đang yêu mình như thế nào, ghét mình vì điều gì, để có cơ hội để phát huy cái tốt, để sửa chữa cái không hay. Nhưng đọc để hiểu để biết như vậy, không phải làm theo tất cả.

Mọi thứ nằm ở nhận thức. Nhận thức là thứ mình phải lọc, tích lũy dần theo thời gian, không ai tự nhiên dạy cả. Trong cả ngàn bình luận, bình luận nào mới là bình luận đúng đắn đây? Hãy nhìn vào cách hành văn của người ta. Nhìn vào cách người ta đặt ra vấn đề. Người ta có chê bai bạn một cách có văn hóa hay không? Tôi sẽ rất trân trọng nếu có những lời chê mang tính góp ý và xây dựng, sẽ nhìn lại mình ngay để xem mình có làm sai hay không mà sửa chữa.

Những lời chửi bậy, vô văn hóa, dung tục, đả kích những điều theo mình là không đúng, mình quan tâm làm gì? Hãy tự an ủi, ở đời một người trăm ý, họ được quyền tự do ngôn luận và mình được quyền không tin những gì họ nói. Ngoài ra, mình phải hiểu, có những đối tượng không thuộc về mình và cái gu của họ không phải là mình. Họ không thích mình và họ được quyền bày tỏ điều đó.

- Nhắc đến lời chê, gần đây có bài báo chê anh chưa được tinh tế trong xử lý tình huống đêm Liveshow 3 tranh vé vớt, với bé Vũ Song Vũ, Hồ Văn Phong, Thùy Mai. Anh nghĩ sao?

- Nhân vô thập toàn, không ai lúc nào cũng làm đúng. Tôi có một đính chính nhỏ cho việc người ta đánh giá mình. Chúng ta xác định xem chương trình với sự thoải mái của gameshow giải trí hay xem để "vạch lá tìm sâu"? Ai hiểu sẽ biết được những điều tôi trêu nhẹ các bạn nhỏ là rất thật. Tôi làm vậy chỉ để các em thoải mái hơn sau khi thi và để tạo ra không khí cho chương trình. "Trêu" khác với "chê". Dĩ nhiên trong đó không có sự chê bai nào, tôi không có lý do nào để "dìm hàng" các bạn nhỏ, vì các bạn ấy đều rất đáng yêu.

Với Vũ Song Vũ, ai hiểu tôi sẽ biết đó là một câu nói đùa, biết được tôi đang nói ý kiến của một khán giả, "em này bình thường rất là ông cụ non, nghiêm túc và già hơn so với tuổi của nó. Hôm nay bé hát vẫn hay nhưng cái điệu nhảy vẫn là của một ông cụ non". Ai dễ tính sẽ thấy đó là vui, ai khó tính sẽ thấy nó không tinh tế, không nhạy cảm, đi chọc quê một đứa trẻ. Tôi chịu!

Với bé Mai, em khóc đâu phải lỗi tại tôi. Trong một phần thi không như mình mong đợi, ai chẳng buồn và muốn rơi nước mắt. Tôi đã làm mọi điều để không khí đỡ căng thẳng. Sau những gì tôi đóng góp trong bao nhiêu đêm, làm không khí vui lên như thế nào, tại sao không có một bài nào bình luận? Chỉ không vừa ý một vài điểm lại bị mổ xẻ ngay?

Cả chuyện họ khiển trách tôi sao hay dùng mẫu câu: "có một sự.... nhẹ ở đây" là vô duyên, không phù hợp cho truyền hình đại chúng. Xin hỏi, mẫu câu này có sai ngữ pháp của Việt Nam không? Nó có nhạy cảm hay thô tục hay vô duyên hay tệ hại tới mức không nói được trước công chúng không? Nó chỉ đơn thuần là mẫu câu diễn tả tính chất, trạng thái và không khí nào đó bằng hình thức miêu tả bằng danh từ "một sự....", vậy nó có gì sai? Mẫu câu này đang rất được ưa dùng trên mạng, tôi thấy nó thú vị nên sử dụng cho vui và thời sự hơn. Vậy thôi cũng không tha cho tôi.

Thực sự, tôi không buồn. Làm nghề là phải biết rút kinh nghiệm. Nó cho mình biết một bài học là ngoài những người dễ tính cũng có những người nghiêm khắc, xét nét hơn. Thôi lần sau mình cũng nên tế nhị hơn để tránh những trường hợp như thế. Nói chung, tôi cảm ơn bài báo đã góp ý kiến và thức tỉnh tôi.

"Người dám nhận tiếng chê là người mạnh"

- Thực ra đêm thi đó anh được đánh giá cao khi HLV Lưu Hương Giang hiểu nhầm cảm xúc của Văn Phong, anh đã đính chính ngay giúp cậu bé. Còn cảm nghĩ của anh ra sao?

- Tôi luôn là một người nói thật. Tôi không hiểu vì sao người Việt Nam chúng ta nói chung rất ngại nhận tiếng chê mà lại rất thích chê người khác. Tại sao cứ phải quan niệm "trước khi chê hãy lựa lời mà chê, đừng làm tổn thương đến tôi". Tôi nghĩ những người sợ bị tổn thương là những người có độ học hỏi kém. Họ không dám nhìn thẳng vào cái sai của mình, họ sợ bị quê.

- Anh không ngại khi nói thẳng trước công chúng sao? Có câu "dĩ hòa vi quý".


- Tôi đâu có chà đạp bạn? Tôi đâu có sỉ nhục bạn? Tôi chỉ nói đúng sự thật và vô tình sự thật đó là điều bạn làm chưa tốt. Nếu bạn đủ bản lĩnh, chấp nhận nó và sửa mình, sau này không để người ta nói bạn như thế. Như vậy, bạn là người có độ học hỏi cao, và bạn sẽ thành công.

Những người thoái thác tiếng chê, sợ nghe tiếng chê, bắt người ta phải chê mình một cách thật khéo léo, chê cũng phải tế nhị, lựa lời mà chê, vòng vo mà chê... thì cuối cùng ai là người sẽ chỉ ra cái sai của mình để mình làm cho đúng?

Tôi mong khán giả và nghệ sĩ Việt hãy biết tiếp nhận lời góp ý, đó là một cái văn hóa rất hay, nó giúp ta tiến bộ hơn rất nhiều và sẽ là những người văn minh. Bạn cứ để ý đi, ai là người biết tiếp nhận lời chê, họ sẽ phát triển rất tốt. Họ biết lường trước những yếu điểm vì người khác đã nói cho họ nghe. Họ đã lọc nó ra, không cho nó tồn tại trong con người mình. Những người luôn luôn sợ lời chê là những người nhiều khả năng thất bại, cứ tiếp tục sai mãi vì nghĩ mình đang làm đúng.

- Nhưng cũng có trường hợp rất khó như "mình là người nổi tiếng mà lại bị chê"?

- Phải chấp nhận sự thật. Với tôi, sự thật và tính công bằng luôn phải đặt lên hàng đầu, không được đổ thừa cho điều gì hết.

Cần xác định cho mình chữ 'đủ"

- Tôi thấy không ít người hoạt động trong showbiz bắt đầu sự nghiệp bằng niềm đam mê, sự yêu thích, nhưng dần dần, mục tiêu cuối cùng của họ lại là tiền bạc hoặc sự nổi tiếng?

- Đối với tôi, có 2 loại người là loại người sống bằng niềm đam mê và loại người thực dụng hơn - sống để tìm cho mình một sự ổn định, hay nhiều hơn một tý là sự giàu sang, tiện nghi, thoải mái. Hãy tự xác định mình là loại người nào.

Một nghệ sĩ đúng nghĩa là người sống vì đam mê. Họ sống theo chủ nghĩa cảm xúc. Cảm xúc họ mách bảo họ như thế nào, họ làm như thế đó. Thích họ mới làm được, không thích họ không làm được, ép họ họ cũng không thể làm được.

Còn người nào đã tách được cảm xúc riêng để làm việc phục vụ cho đời sống của mình, người đó không còn là nghệ sĩ. Họ chấp nhận làm những thứ họ không thích, nhưng mang về được tiền nhiều. Họ là người sống theo chủ nghĩa lý trí, chủ nghĩa thực dụng.

Con người dù ai cũng vậy, tìm cho mình được chữ này cái gì cũng được hết là chữ "đủ". Bạn kiếm 1 triệu đồng/tháng cũng được, miễn là bạn thấy đủ nghĩa là nó đủ. Bạn không có nhu cầu ăn, không có nhu cầu tiêu xài, không có nhu cầu diện, chỉ cần sáng ăn một cữ để không chết đói và làm công việc mình yêu thích. Bạn biết đủ và sống với niềm đam mê của mình thì cũng là một nghệ sĩ nhỏ. Nếu xác định được chữ đủ - nghĩa là đủ. Còn không xác định được chữ đủ thì bao nhiêu cũng không đủ.

"Tôi nhà quê tới mức chưa biết hình viên thuốc lắc ra sao".

- Anh có nói mình là một nghệ sĩ sống sạch, không xa hoa. Ví dụ anh có đi bar không?

- Tôi không dám nói mình sống sạch nhưng tôi dám tuyên bố với mọi người, năm nay là năm thứ 6 Trấn Thành làm nghệ thuật, tôi chưa biết cách để hút hết một điếu thuốc, trừ khi phải vào vai (cũng không bao giờ hết một điếu). Tôi không uống hết được một lon bia, không uống quá được 3 ly rượu, không ngồi trong sàn nhảy được quá 2 tiếng đồng hồ. Tôi rất ít đi sàn nhảy mà thường là do sinh nhật của bạn bè, người thân, tôi không tự động lết thân vào cái chỗ nhạc dập tra tấn màng nhĩ như thế. Đánh bài tôi chỉ bỏ một khoản xác định - ví dụ - khoảng 1 triệu đồng để mua khoảng thời gian chung vui, xong là thôi, không gỡ. Tôi nhà quê tới mức độ chưa biết hình viên thuốc lắc ra sao.

- Vậy thú vui ngoài công việc của anh là gì?

- Là được nói. Làm cho người khác cười. Thú vui kinh khủng của tôi là gặp bạn bè. Bạn bè của tôi thường là những người ăn nói rất tốt, rất vui tính. Tôi bị thu hút bởi họ, tôi mê sự thông thái, những người hiểu biết rộng, người diễn tả được tư duy, tình cảm của con người bằng ngôn ngữ một cách rõ nét nhất và sát nghĩa nhất. Tôi có thể bỏ hàng ngày hàng giờ để tiếp chuyện với người ta mà không hề thấy chán.

- Thế nhưng những người như vậy thì không có nhiều.

- Không cần nhiều. Chỉ cần có vài người đúng gu mình, mình có thể chơi với họ suốt đời. Gặp được những người nói hay, hiểu rộng, quan điểm và ý kiến là vô tận. Đó là niềm vui và sở thích lành mạnh của tôi, nó cho tôi nhiều thứ. Vừa chơi, vừa trao đổi cho nhau những cái hay, ý hay để làm việc. Tội gì phải bỏ thời gian, tiền bạc vào những thứ vô bổ hại sức khỏe. Trời ơi, tôi ham sống lắm. Những người sống có lý tưởng và mục tiêu họ mê sống lắm. Tại sao không mê chứ? Mình được sống một cách thỏa mãn, có ích cho xã hội.

"Chiều khán giả là làm điều mình muốn"


- Nhiều người nhìn cuộc sống thấy chán lắm. Ra đường cướp giật, lên báo toàn tin xấu.


- Chừng nào tới bạn đi thì bạn lo. Xã hội là như vậy, phải chấp nhận. Thấy toàn cái xấu? Vậy đi kiếm tin tốt đi, sẽ thấy vẫn còn người tốt. Tại sao phải bi quan?

- Tại sao mọi người hay chia sẻ chuyện bi quan nhiều hơn?

- Vì chúng đáng được người ta nói hơn, nó gây sự chú ý mạnh hơn và đặc biệt - người ta cần sự tư vấn nhiều hơn. Khi vui, họ chỉ biết tận hưởng thôi, còn khi gặp tin xấu, họ cần người chia sẻ, cần tìm người góp ý kiến ra vào để... biết đường mà giải quyết rắc rối.

- Anh có hay cần lời tư vấn ở đâu đó không?

- Tôi luôn luôn thích được tư vấn. Làm sao chúng ta giỏi hết được, nhất là khi ở trong cuộc, thấy mình rất là khờ, rất là rỗng. Đôi khi mình nói rất giỏi, nhưng khi việc xảy ra rồi không biết phải làm gì. Lúc đó mình cần một người đủ tỉnh táo, không bị cảm xúc chi phối, họ đứng ở ngoài nói cho mình biết điều gì đúng, điều gì sai. Sau đó mình tịnh tâm, chắt lọc lại giải quyết vấn đề.

- Chiều khán giả, với anh có nghĩa là như thế nào?

- Là làm những điều mình muốn, và đáp ứng được số lượng khán giả ở mức đông nhất có thể.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm