Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

May Việt Tiến lãi vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý I của Tổng công ty May Việt Tiến cho thấy trong ba tháng đầu năm, nhà sản xuất và kinh doanh hàng may mặc chỉ lãi vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng.

Dù vậy, con số lợi nhuận này khả quan hơn so với mức lỗ ròng 20 tỷ đồng của May Việt Tiến cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19.

Báo cáo tài chính quý I của Tổng công ty May Việt Tiến ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất công ty đạt 1.453 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ.

Nhờ công ty mẹ có lãi trong quý này nên tính chung 3 tháng, May Việt Tiến lãi ròng 5,2 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính công ty mẹ, May Việt Tiến ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế là 21,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ hơn 20 tỷ đồng. Kết quả này - theo May Việt Tiến - đến từ việc tiết giảm chi phí và tăng các khoản thu nhập tài chính.

Cụ thể, chi phí bán hàng của công ty trong quý I giảm hơn 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 200%, đạt 30 tỷ đồng. Nguồn thu tài chính chủ yếu đến từ khoản cổ tức bằng tiền hơn 20 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 400 triệu đồng của cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 3, May Việt Tiến có 4 công ty con và 19 công ty liên kết, tập trung chủ yếu khu vực miền Nam.

May Việt Tiến là một trong những số ít doanh nghiệp gần như không vay nợ ngân hàng. Các khoản nợ công ty chủ yếu từ các giao dịch với bên mua (nguyên vật liệu) và bên bán (thành phẩm).

Hiện Tập đoàn Dệt May đang sở hữu 30,4% tại May Việt Tiến, quỹ đầu tư sở hữu 12,4% vốn. Đáng chú ý, Vingroup sở hữu khoảng 7% tại công ty mẹ của May Việt Tiến là Vinatex.

Năm 2020 dưới tác động dịch bệnh doanh thu và lợi nhuận May Việt Tiến sụt giảm

Nhãn20162017201820192020
Doanh thu tỷ đồng 75268451971690357121
LNST tỷ đồng 398396477418151

Năm 2021, May Việt Tiến thông qua kế hoạch doanh thu 8.090 tỷ đồng, tăng 13,6%, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ tăng 5,5%, đạt 180 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty đánh giá dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng của khách hàng trên toàn cầu, làm giảm mạnh nhu cầu hàng may mặc. May Việt Tiến nói riêng và ngành dệt may nói chung sẽ đối mặt với tình trạng giá nhân công ngày càng đắt đỏ.

Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực, lãnh đạo May Việt Tiến nhìn nhận hiệp định EVFTA và RCEP là cơ hội thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào cho dệt may Việt Nam.

Lãnh đạo công ty thừa nhận điểm yếu của May Việt Tiến là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, đặc biệt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, May Việt Tiến lên kế hoạch hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

Riêng năm 2021, công ty dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần năm ngoái. Nguồn vốn dành cho đầu tư nâng cấp, cải tạo thiết bị, máy móc, nhà xưởng và văn phòng. Đặc biệt, May Việt Tiến dự kiến dành 120 tỷ đồng để thành lập nhà máy tại Ô Môn, Cần Thơ, đồng thời góp vốn 100 tỷ đồng thành lập công ty Việt Thái Tech.

Ba tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may cả nước ghi nhận sự phục hồi với giá trị xuất khẩu 9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng trên toàn cầu.

Ngọc Nhi

Bạn có thể quan tâm