Đồ thủ công Chicnchill được sản xuất tại Việt Nam và bán ra nước ngoài. Ảnh: Etsy. |
Nhiều năm nay, các sản phẩm dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng hay thủ công của Việt Nam bắt đầu được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều hơn.
Theo số liệu của Amazon Global Selling, trong một năm qua (tính đến hết tháng 8/2022), tổng số sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon lên tới 10 triệu. Khoảng 80% số hàng hóa này tập trung ở các ngành hàng dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, dệt may. Trong đó ngành hàng dụng cụ nhà bếp chiếm 20-30%, đây vẫn là ngành hàng chủ lực của doanh nghiệp Việt trên Amazon kể từ năm 2019.
So với những nhóm hàng thường bị kiểm soát gắt gao như dược phẩm hay mỹ phẩm, ngành hàng thủ công, trang trí nhà cửa dễ bán và thâm nhập vào các thị trường Âu, Mỹ hơn.
“Mây tre đan, đồ trang trí thủ công là ngành hàng mới nổi của doanh nghiệp Việt nhờ nhỏ, nhẹ dễ vận chuyển, không hết hạn”, đại diện công ty này cho biết.
Đơn vị này cũng cho biết một năm qua, số doanh nghiệp bán hàng trên nền tảng tăng 80%. Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành tại Việt Nam cho rằng đây là kết quả nỗ lực “bản địa hóa” để trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp trong nước, như có đội ngũ hỗ trợ chuyên trách, có tiếng Việt để những doanh nghiệp nhỏ lẻ dễ bán hàng hơn.
“Họ là những người bán hàng trực tuyến nhỏ lẻ mới tìm đến Amazon để bán các sản phẩm đơn giản như áo phông in hình, hoặc đồ thủ công như Chicnchill”, ông Gijae Seong cho biết.
Đơn vị này cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kép của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được sẽ đạt mức 28,4%/năm trong giai đoạn 2020-2027. Trong đó, giai đoạn 2021-2026, xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20%/năm.