Máy tính để bàn nhỏ bằng bàn tay
Những chiếc máy tính để bàn sẽ không còn to lớn cồng kềnh nữa, thay vào đó thiết bị sẽ gọn nhẹ, dễ dàng đặt trong lòng bàn tay và hiệu năng không thua kém gì một laptop thông dụng.
Nở rộ sản phẩm
Theo xu hướng công nghệ di động, các máy tính để bàn cũng đã thu gọn kích thước cho phù hợp với nhu cầu tiết kiệm điện, hiệu năng vừa đủ dùng cho những nhu cầu giải trí thông thường nhưng vẫn đạt hiệu quả không thua kém gì nếu so với những máy tính cao cấp trước đây.
Máy tính siêu nhỏ Intel NUC có thiết kế 10 x 10 cm, giá khoảng 10 triệu đồng/bộ. |
Do vậy chuẩn máy tính trong tương lai mà hãng Intel đề xuất gọi là máy tính để bàn siêu nhỏ: NUC (Next Unit of Computing) – bao gồm bốn yếu tố chính: thiết kế nhỏ gọn trong kích thước 10 x 10cm, dùng bộ xử lý Intel Core i3, điện năng tối đa 40W và hạn chế những cổng giao tiếp ít dùng. Hiện nay trên thị trường Việt Nam, các dòng máy tính để bàn nhỏ đã bắt đầu xuất hiện như: Intel NUC, Gigabyte Brinx, Zotac Nano box… với giá bán khoảng 10 triệu đồng/bộ, dự kiến trong thời gian sắp đến Asus cũng sẽ tung ra VivoPC.
Ông Nguyễn Khánh Long, giám đốc kinh doanh của Zotac Việt Nam, cho biết: “Đầu tiên khách hàng chủ yếu sử dụng để tiết kiệm chi phí trong vận hành văn phòng hoặc sử dụng cho các hệ thống kiốt khai báo, hướng dẫn hoặc làm bảng quảng cáo điện tử. Bắt đầu từ năm 2012 đến nay hệ thống bán lẻ của Hoàn Long, Phong Vũ… bắt đầu bán các sản phẩm máy tính siêu nhỏ và doanh thu tính đến tháng 4.2013 đã tăng gấp 15 lần so với giai đoạn đầu khi xuất hiện”.
Quản trị của diễn đàn VNAV - ông Lâm Nhựt Hùng nhận xét: “Các máy tính để bàn siêu nhỏ có ưu điểm là tiện lợi, tốc độ xử lý nhanh, đa phần từ lúc mở máy khởi động cho đến xuất hiện màn hình điều khiển của Windows chỉ mất khoảng 5 – 10 giây là tối đa, bởi máy sử dụng ổ cứng thế hệ mới là SSD hoặc Micro-SATA (còn gọi là mSATA) có tốc độ đọc/ghi dữ liệu nhanh gấp nhiều lần so với ổ cứng thông thường. Ngoài ra, trên máy đều có trang bị cổng HDMI nên phù hợp cho người dùng nếu muốn cắm máy với tivi LCD, giúp xem phim trực tuyến hoặc lướt web đọc tin tức hoặc chơi game online…”
Thiết kế khiến sản phẩm gặp nhiều hạn chế
Cụ thể, máy sẽ không có những cổng kết nối được xem là ít dùng. Chẳng hạn như Intel NUC và Gigabyte Brinx đều không có ngõ cắm tai nghe và microphone, bởi sản phẩm đã tích hợp âm thanh qua kết nối HDMI. Như vậy người dùng chỉ có thể phát huy hiệu năng tối đa với âm thanh và hình ảnh là khi kết nối với tivi LCD. Ngoài ra, thiết kế của máy quá nhỏ gọn, nên phần quạt tản nhiệt bên trong máy không đủ mạnh nếu dùng ở môi trường tương đối nóng. Cụ thể, máy dùng trong phòng máy lạnh 26 – 270C thì nhiệt độ của máy đạt mức 55 – 600C khi hoạt động liên tục.
Mặt khác, sản phẩm được thiết kế khép kín vào bộ khung của máy, hạn chế tháo rời toàn bộ, chỉ cho phép người dùng mở được một mặt để nâng cấp RAM hoặc ổ cứng bên trong, nếu hư bo mạch chính do chạm điện thì khó lòng thay thế. Ngoài ra máy dùng những linh kiện cao cấp hơn so với máy tính để bàn thông thường. Chẳng hạn như những ổ cứng dùng trong máy bị giới hạn dung lượng từ 60 GB – 256GBB là tối đa, nên khả năng lưu trữ không nhiều. Ngoài ra ổ cứng SSD có giá cao hơn 1,5 lần so với ổ cứng thông thường. Còn ổ cứng dạng mSATA càng khó kiếm hơn, chỉ có một vài doanh nghiệp cả nước nhận phân phối dòng sản phẩm này nên việc nâng cấp hoặc thay thế càng trở ngại hơn.
Bên cạnh đó, các máy tính dạng này chỉ có hiệu năng xử lý ở mức trung bình tương ứng với một laptop thông dụng khoảng 8 triệu đồng, không nâng cấp được phần card đồ hoạ mở rộng, nên với những người yêu thích công nghệ muốn phát huy tối đa khả năng sản phẩm cho nhu cầu giải trí 3D cao cấp hoặc lưu trữ nhiều thì máy gặp hạn chế.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị