Vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều, người dân Trung Quốc thường bắt gặp các nhóm phụ nữ tập luyện ở công viên, nhảy theo nhạc cùng loa âm lượng rất lớn. Dù vậy, nhiều người cảm thấy ái ngại khi phải nói chuyện này với những nhóm phụ nữ lớn tuổi.
Tình thế này khiến các giải pháp công nghệ được săn tìm. Trong đó, thiết bị có khả năng vô hiệu hóa loa từ khoảng cách xa 50-80 mét đang cháy hàng trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc.
Ảnh quảng cáo một máy phá sóng từ xa. Ảnh: Taobao. |
Món hàng này được gọi là "vũ khí thần kỳ chống lại những nhóm nhảy trên quảng trường", với kiểu dáng như đèn pin và mức giá 250 tệ (hơn 800.000 đồng). Trong một video trên BiliBili, người đàn ông đứng trên ban công nhà mình và hướng thiết bị xuống quảng trường khu dân cư, bấm nút khiến loa của nhóm nhảy phía dưới ngừng hoạt động. Video này thu về hàng trăm lượt thích.
Trên các kênh mua hàng trực tuyến, mặt hàng này cũng nhận được những lời nhận xét tích cực. “Cuối cùng thì cũng yên tĩnh. Hai ngày nay, các bà, cô đã nghĩ rằng loa của họ không còn hoạt động được nữa”, một người dùng trên Taobao cho biết.
“Phát minh tuyệt vời, với công cụ này, giờ tôi sẽ là ông chủ trong khu phố. Đây không chỉ là một sản phẩm thông thường, đây là công bằng xã hội”, một tài khoản khác nhận xét.
Tuy nhiên, cũng có người đùa rằng thiết bị điều khiển từ xa sẽ sớm trở thành "vũ khí" để nhóm này tắt loa của nhóm kia khi tập cùng một quảng trường.
Những bài tập nhảy đông người tại Trung Quốc phổ biến hàng chục năm nay, được coi như phương pháp tích cực để những phụ nữ lớn tuổi kết nối với nhau. Hoạt động này giúp các thành viên, hầu hết đang sống một mình hoặc phải chuyển tới thành phố sống cùng con cái được giao lưu và kết bạn.
Dù vậy, các nhóm phụ nữ trung niên thường bị phàn nàn vì âm lượng của loa hay thái độ khi bị người ngoài nhắc nhở.
Hình ảnh nhóm phụ nữ trung niên tập trung nhảy múa đã không xa lạ tại Trung Quốc. Ảnh: Xuân Tiến. |
“Tôi đã cố gắng nói chuyện với họ một lần nhưng cảnh sát đã ngăn tôi lại. Họ nghĩ tôi sẽ làm điều gì đó tồi tệ. Bạn biết quy tắc vàng trong chính sách của Trung Quốc rồi: chân lý luôn thuộc về số đông”, một cư dân ẩn danh ở Quý Dương nói.
Trên mạng xã hội, nhiều video cho thấy hình ảnh các thành viên trong nhóm tranh cãi và đánh nhau với các cầu thủ bóng rổ để giành sân. Trong một trường hợp khác, nhóm nhảy còn đi vào sân bóng đá, tạm dừng trận đấu để nhảy khiến cảnh sát phải can thiệp.
Dù vậy, không phải mọi phụ nữ lớn tuổi nào cũng có thái độ thù địch trong không gian tập luyện của họ.
Năm ngoái, một nhóm nhảy ở thành phố Lan Châu, Cam Túc đã tìm ra giải pháp tối ưu bằng cách sử dụng tai nghe bluetooth trong khi tập luyện một cách im lặng.
Bình luận