Mã mẫu tử là sáng tác đầu tay của tác giả người Mỹ Carole Stivers. Khai thác đề tài thảm họa hậu tận thế, cây bút xứ cờ hoa đưa độc giả tới thành phố California vào năm 2049. Khi ấy, con người đang phải đối mặt với một chứng viêm phổi khó lường, nhanh chóng cướp đi mạng sống của người bệnh.
Tiểu thuyết đặt ra mối quan hệ giữa con người và máy móc. Ảnh: Nhã Nam. |
Con người sẽ ra sao nếu được nuôi dưỡng bởi cỗ máy?
Trong cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học, một loại virus nguy hiểm vô tình bị phát tán ra môi trường. Các bác sĩ và chuyên gia y tế không thể ngăn chặn đại dịch khi số người mắc bệnh ngày một tăng, các bệnh viện lớn nhỏ đều rơi vào tình trạng quá tải.
Cái chết xuất hiện ở khắp nơi. Nó không buông tha cho bất kỳ ai. Con người đang đứng trước thảm họa diệt vong. Các nhà khoa học phải tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, cứu vớt những sinh mạng cuối cùng, để con người không biến mất khỏi Trái Đất.
Dựa vào sự phát triển của khoa học và trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học đã tạo ra những chiếc kén đặc biệt, được gọi là “mã mẹ”. Nhiệm vụ của chúng là nuôi nấng và chăm sóc những đứa trẻ còn sót lại.
“Làm mẹ” giờ đây không còn là thiên chức của riêng người phụ nữ, nó đã trở thành công việc của máy móc. Thế nhưng, lũ trẻ ấy sẽ sống ra sao, chúng sẽ trở thành con người như thế nào, nếu được nuôi dưỡng bởi những cỗ máy?
Trên vùng sa mạc phía tây nam khô cằn và hoang vắng, Kai đã lớn lên một cách bình lặng cùng "người mẹ máy" của cậu. Người mẹ ấy không có tên, nó được gọi bằng ký hiệu khô khan là Rho-Z. Điều duy nhất mà các “mã mẹ” dạy cho những đứa con của mình là kỹ năng sinh tồn.
Được nuôi dưỡng bởi những cỗ máy vô tri, tình cảm gia đình là thứ chưa từng tồn tại với Kai và các bạn. Chúng không biết tới bữa tối ấm cúng ngày Giáng sinh, những cuộc trò chuyện đầy ắp tiếng cười vào ngày chủ nhật. Ngày qua ngày, những đứa trẻ như Kai được học những điều đã được lập trình sẵn.
Làm thế nào để sống sót trong thế giới đầy hiểm nguy, đó là điều quan trọng nhất mà lũ trẻ phải ghi nhớ. Kai là một con người, nhưng cậu thấy mình đang sống một cuộc đời khô khan như máy móc.
Cậu nhóc thấy bản thân mình chẳng khác gì Rho-Z, “người mẹ” khác biệt của cậu. Dù biết đó chỉ là một cỗ máy, hàng ngày Kai vẫn trò chuyện với “mẹ” của mình. Điều đó làm cuộc sống của cậu thú vị hơn, giữa cả hai đã hình thành một mối liên hệ đặc biệt.
Khi lũ trẻ trưởng thành, các “mã mẹ” biến đổi một cách khó lường, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nhà khoa học và những chương trình đã được mã hóa trước kia. Từ một cỗ máy thông minh được chế tạo ra để bảo vệ con người, các “mã mẹ” trở thành mối đe dọa.
Các quan chức chính phủ đưa ra một mệnh lệnh tàn khốc đó là tiêu diệt những “bà mẹ nhân tạo” như Rho-Z. Kai đứng trước một quyết định khó khăn. Liệu chàng trai sẽ lựa chọn ra sao? Cậu sẽ đứng về phía đồng loại của mình là các quan chức chính phủ, hay bảo vệ Rho-Z, “người mẹ” duy nhất mà cậu biết và đem lòng yêu thương?
Tranh minh họa Kai và "mã mẹ" của mình. Ảnh: hodderscape. |
Điều khiến con người trở nên đặc biệt
Lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Pacific Rim, được viết trong những ngày tháng cả thế giới đang gồng mình lên chống chọi với dịch Covid-19, Mã mẫu tử của Carole Stivers mang đậm hơi thở của thời đại. Tuy là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, nó đem tới cho người đọc những cảm xúc chân thực.
Cảnh hỗn loạn trong bệnh viện, sự bất lực của các y bác sĩ, nỗi thất vọng và sự đau đớn in hằn trên từng khuôn mặt khi con người ta đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Thời gian qua, cả thế giới đã sống trong sự sợ hãi mà đại dịch mang lại, nên người đọc dễ dàng đồng cảm với các nhân vật mà tác giả mang tới.
Là một nhà sinh vật học, tác giả Carole Stivers đã vận dụng nhiều kiến thức chuyên môn vào quá trình sáng tác. Giọng kể và nhịp điệu của tác phẩm được thay đổi liên tục, khiến cho câu chuyện không nhàm chán.
Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên tinh anh hơn, con người lại đứng trước nỗi lo lệ thuộc vào máy móc. Nguy hiểm hơn, một ngày nào đó, cuộc sống của chúng ta sẽ bị điều khiển bởi những cỗ máy vô tri.
Hậu tận thế tàn khốc và sự kiểm soát phi nhân đạo của máy móc không phải là chủ đề mới trong văn học, cuốn tiểu thuyết của Carole Stivers sẽ khiến người đọc liên tưởng tới các tác phẩm như: Người máy có mơ về cừu điện không? của tác giả Phillip K. Dick hay Người minh họa của Ray Bradbury.
Con người không ngừng cải tiến công nghệ, tạo ra hàng loạt máy móc hiện đại ưu việt. Sau khi đạt được những thành tựu ấy, chúng ta lại lo lắng việc một ngày kia bản thân sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Điều gì khiến con người trở nên đặc biệt và không thể thay thế? Cuốn tiểu thuyết của Carole Stivers đã mang tới cho độc giả một câu trả lời thỏa đáng và cảm động.