Ngày 13/1, kì thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn Văn đã được tổ chức trên toàn quốc. Đáng chú ý, câu hỏi trong phần nghị luận 12 điểm trên thang điểm 20 đề cập đến một vấn đề công nghệ khá thời sự, sức mạnh của máy móc.
Cụ thể câu hỏi có nội dung: “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?"
Máy móc đã có thể làm thơ bằng cách kết hợp từ ngữ theo niêm luật của các bài thơ. |
Đề thi được đăng tải lên mạng xã hội thu hút hàng trăm lượt bình luận. Hầu hết ý kiến cho rằng máy móc có thể viết văn làm thơ. Điều này đồng nghĩa với việc con người không thể độc quyền sáng tạo văn học.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng văn chương là cảm xúc. Vì vậy, máy móc không thể thay thế con người ở công việc này.
Từ thuật toán làm thơ
Nghe có vẻ mới mẻ nhưng chủ đề tạo ra văn chương bằng máy móc đã có từ lâu. Gần đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (A.I), con người đang tiến gần hơn với những tác phẩm được viết bởi máy.
Thực tế, cả ở Việt Nam và trên thế giới, con người đã và đang tạo ra những cỗ máy có khả năng làm thơ, viết văn. Thậm chí, một trong số đó còn có khả năng đạt được giải thưởng văn học.
Trang web www.poem-generator.org.uk thành lập năm 2002 của Anh cung cấp cho người dùng công cụ làm thơ khá chi tiết. Để có được một bài thơ, người dùng cần chọn thể loại. Website này cung cấp rất nhiều thể loại, cấu trúc thơ, từ sonnet trứ danh của William Shakespeare đến haiku - thể loại thơ cú độc đáo của người Nhật.
Từ một số từ gợi ý, Thơ Máy có thể làm ra những bài thơ đọc có vần điệu, niêm luật chặt chẽ. Tuy nhiên, nội dung thơ vẫn chưa thật sự mạch lạc. |
Sau khi đã lựa chọn thể loại, cấu trúc thơ, người dùng cần cung cấp thêm một vài từ khóa để "truyền cảm hứng" cho máy móc. cỗ máy làm thơ sẽ dựa trên những từ khóa của người dùng, bổ sung thêm các từ khác theo quy luật âm tiết, từ đồng nghĩa, gieo vần của cấu trúc thơ để tạo ra các tác phẩm.
Website này cũng khuyên người dùng nên sử dụng những tính từ, danh từ mạnh để bài thơ trở nên xúc động hơn.
Không chỉ trên thế giới, năm 2015, Việt Nam cũng có một trang web mang tên Thơ Máy có thể làm thơ theo ý người dùng. Trang web này có địa chỉ: http://www.thomay.vn thuộc sở hữu công ty Tinh Vân.
Công cụ làm thơ này có cách hoạt động giống với trang Poem Generator. Nó sắp xếp từ ngữ theo niêm luật của các thể loại thơ. Thơ Máy cung cấp các công cụ như máy tạo ra thơ ngẫu nhiên, làm thơ theo từ khóa, làm thơ từ văn xuôi, mật thi (viết một bài thơ để khi ghép các chữ đầu sẽ ra một câu có nghĩa), chế lời bài hát theo các gieo vần... Thậm chí, nó còn có thể phân tích những lỗi cấu trúc của một bài thơ do con người viết.
Bên cạnh đó, công cụ này cung cấp các cấu trúc thơ quen thuộc với người Việt Nam như song thất lục bát, lục bát, thất ngôn bát cú...
Trí tuệ nhân tạo có bước vào thơ văn?
Một nhóm các nhà nghiên cứu của IBM tại Australia hợp tác với Đại học Toronto và Đại học Melbourne đã phát triển một loại trí tuệ nhân tạo có khả năng viết thơ.
Khác với những cỗ máy làm thơ thông thường chỉ dựa vào thuật toán, AI này ngoài tuân thủ chặt chẽ các quy tắc làm thơ, các bài thơ còn có nội dung, câu chuyện ý nghĩa. Theo BGR, những bài thơ này chân thật đến nỗi khiến nhiều người lầm tưởng không phải sản phẩm của máy móc.
Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy móc có thể học theo cách sáng tác văn chương của con người. Ảnh: 123RF. |
Các nhà nghiên cứu đã cho AI này học 3.000 bài thơ sonnet. Thuật toán giúp AI phân tích cách tạo ra những bài thơ. Sau đó, chúng tự tạo ra những bài thơ của riêng mình.
Tuy vậy, những bài thơ do AI tạo ra vẫn còn cứng nhắc. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy rằng đó vẫn là bài thơ hay. Trên thực tế, những bài thơ được viết bởi AI tuân theo các quy tắc thơ thậm chí còn chặt chẽ hơn các nhà thơ của loài người như Shakespeare.
Để kiểm chứng, các nhà nghiên cứu trộn thơ của AI với thơ của người viết để các tình nguyện viên lựa chọn. Kết quả, chỉ có 50% số tình nguyện viên nhận ra đâu là thơ được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Đó là dấu hiệu tốt cho thấy tương lai của AI. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo làm thơ vẫn còn vướng phải một số lỗi về từ ngữ, ngữ pháp khiến bài thơ không mạch lạc.
Viết tiểu thuyết lọt vòng loại giải văn Nhật Bản
Năm 2016, một AI đã đồng tác giả cuốn tiểu thuyết dạng ngắn tại Nhật Bản. Cuốn tiểu thuyết này thậm chí còn vượt qua vòng loại cuộc thi văn học cấp quốc gia. Tuy cuốn tiểu thuyết không có được giải thưởng chung cuộc, việc nó vượt qua vòng loại cho thấy AI có khả năng đoạt giải văn học nếu được cải tiến thêm.
Cuốn tiểu thuyết có tên "Ngày máy tính viết một cuốn tiểu thuyết", tiếng Nhật là "Konpyuta ga shosetsu wo kaku hi". Tác phẩm này được đem đi dự thi giải văn học Nikkei Hoshi Shinichi tổ chức lần thứ 3.
"Ngày máy tính viết một cuốn tiểu thuyết" được tạo ra bởi một nhóm các nhà nghiên cứu AI. Hitoshi Matsubara, trưởng dự án và nhóm của ông tại Đại học Future Hakodate ở Nhật Bản đã chọn từ, câu, đồng thời thiết lập các tham số và cho AI viết tiểu thuyết một cách tự động.
Hai bài thi của nhóm đã vượt qua vòng loại. Ban giám khảo "chấm mù" (không biết tác giả) các tiểu thuyết này. Vì vậy, họ không biết chúng được viết bởi AI.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc tiểu thuyết này bởi nó có cấu trúc tốt. Nhưng vẫn còn một số vấn đề phải khắc phục để giành giải thưởng, chẳng hạn như mô tả nhân vật", ông Satoshi Hase, một tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Nhật Bản nói tại buổi trao giải.
Đọc kịch bản, dự báo doanh thu phim Hollywood
Trước đây, cách duy nhất để hiểu được người xem là đưa cho họ các bảng khảo sát sau khi xem phim. Tuy nhiên những xưởng phim nhận ra, không phải lúc nào người xem cũng trả lời thành thật.
Đầu năm 2018, thông qua việc sử dụng máy học để phân tích video người xem trong rạp phim, công ty AI Silver Logic Labs (SLL) đã có thể xác định cách người xem thực sự cảm nhận về cả bộ phim hoặc một cảnh cụ thể.
Những thông tin này đã được chứng minh là chính xác và hữu ích hơn trong việc dự đoán doanh thu của bộ phim so với bảng hỏi truyền thống. Thêm nữa, bảng hỏi cho ra kết quả về sự hài lòng của người xem sau khi bộ phim được chiếu, còn AI dự đoán được trước khi đoàn phim bấm máy.
Đôi khi thật dễ để dự đoán đâu là một bộ phim bom tấn. Không ai cần một thuật toán tiên tiến để nói rằng bộ phim Star Wars tiếp theo sẽ rất thành công trên toàn cầu, bởi nó luôn như vậy.
Trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu tham gia vào việc dự đoán doanh thu các bộ phim Hollywood, trong đó có bộ phim Passenger. Ảnh: Phim Ironman. |
Tuy nhiên, không ai thể nói trước điều gì. Waterworld là một ví dụ. Bất chấp sự có mặt của ngôi sao Kevin Costner, Waterworld thất bại trong việc lôi kéo khán giả tới rạp. Và đó là nơi mà AI được tạo ra bởi công ty ScriptBook xuất hiện.
Theo website của công ty này, các xưởng phim "chỉ cần đưa kịch bản phim, chúng tôi sẽ dự đoán rằng phim Passenger sẽ kiếm được 118,1 triệu đô tại phòng vé ở Mỹ. Trong thực tế, Box Office Mojo, chuyên theo dõi doanh thu phòng vé báo cáo rằng bộ phim đã kiếm được 100 triệu USD, rất gần với con số dự đoán của AI.
Đã có rất nhiều bộ phim được sản xuất chỉ dựa vào việc đọc kịch bản và dự đoán doanh thu. Tuy nhiên không phải lúc nào người đưa ra quyết định cũng đúng, bởi họ không có nhiều dữ liệu đầu vào.
AI có xác suất dự đoán cao hơn. Về bản chất, nó đang làm điều tương tự con người làm. Nó lấy thông tin và đưa ra dự đoán. Sự khác biệt ở chỗ A.I có thể nhớ và sử dụng dữ liệu chính xác hơn.
Trong tương lai gần, nhà sản xuất phim sẽ mang kịch bản đến để hỏi ý AI, thay vì lúng túng chờ đợi, "cầu xin" những gương mặt gạo cội Hollywood xem qua kịch bản của mình.