Theo Bloomberg, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ICT) đã tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp bảo hộ với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Nguyên đơn khởi kiện là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ).
Whirlpool cáo buộc hồi cuối tháng 5/2017, Samsung và LG đã theo đuổi chiến lược bán phá giá máy giặt tại Mỹ, cũng như lách các khoản luật chống bán phá giá tại nước này. Tập đoàn này lấy ví dụ các công ty Hàn Quốc đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan, để tránh thuế nhập khẩu máy giặt sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhà máy của Samsung tại TP.HCM. Ảnh: Techsign. |
"Đơn kiện này nhắm tới những công ty vi phạm kép luật thương mại của Mỹ", CEO của Whirlpool cho hay.
Trong hồ sơ kiện, Whirlpool đã cáo buộc sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc, phần lớn là bán phá giá, khiến ngành sản xuất máy giặt của Mỹ chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Các sản phẩm bị điều tra theo đơn kiện sẽ là máy giặt dân dụng cỡ lớn (mã HS 8450.20) và một số bộ phận đi kèm (mã 8450.11.00, 8450.90.20, 8450.90.60).
Mức thuế nhập khẩu không áp bảo hộ hiện tại của Mỹ với máy giặt là 1%, với các bộ phận đi kèm là 2,6%.
Vào năm 2011, chính Whirlpool đã kiện thành công các công ty sản xuất máy giặt Hàn Quốc về hành vi bán phá giá các sản phẩm máy giặt xuất xứ từ Mexico và Hàn Quốc. Việc bị áp thuế chống phá giá đã khiến các công ty Hàn Quốc phải dời nhà máy sang Trung Quốc.
Tuy nhiên theo Reuters, năm 2015, Whirlpool tiếp tục kiện các công ty này với các dòng sản phẩm máy giặt tại Trung Quốc để trốn thuế và tăng thị phần nhanh chóng chỉ trong 3 năm, bằng các hành vi lách luật. ICT đã tuyên bố việc lách luật và bán phá giá của các công ty Hàn Quốc là có thật, áp mức thuế lần lượt là 52,5% và 32,1%, tương ứng với các sản phẩm máy giặt của Samsung, LG vào đầu năm 2016.
Nếu như quý I/2016, Whirlpool nắm giữ 19,7% thị phần, đứng đầu thị trường thì sang quý I/2017, công ty này chỉ còn nắm giữ 17,3% và bị Samsung qua mặt. Thị phần máy giặt tại Mỹ của Samsung đã tăng từ 16,2% quý I/2016 lên 19,7% trong quý I/2017. LG cũng tăng trưởng từ 16,6% lên 16,8% trong cùng kỳ, giữ vị trí thứ ba.
Liệu nếu sản phẩm máy giặt sản xuất từ Việt Nam và Thái Lan thua kiện chống bán phá giá tại Mỹ lần này và bị ICT áp thuế, tương lai nào sẽ dành cho tổ hợp sản xuất máy giặt đặt tại Hải Phòng của LG và tại TP.HCM của Samsung?
Trao đổi với Zing.vn, tập đoàn LG cho hay việc Whirlpool kiện máy giặt của LG là hành động cầu cứu sự bảo hộ của chính phủ Mỹ, thay vì cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. LG không đồng tình khi Whirlpool cho rằng máy giặt nhập khẩu của LG đã gây phương hại đến Whirlpool, và sẽ kháng cáo mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của khoảng 10 triệu khách hàng Mỹ yêu thích máy giặt của LG.
Tuy nhiên, LG cũng chưa đưa ra bình luận nào về tương lai của nhà máy sản xuất máy giặt của hãng tại Hải Phòng. Nhà máy này được hãng khởi công vào tháng 5/2016, mức đầu tư 1,5 tỷ USD.
Nhà máy của Samsung ở TP.HCM được khởi công vào tháng 5/2015, mức đầu tư 1,4 tỷ USD.