Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mây bụi từ châu Phi bay qua đại dương để nuôi rừng Amazon

Hàng năm, những đám mây bụi khổng lồ di chuyển từ sa mạc Sahara đến rừng Amazon, cung cấp chất dinh dưỡng để "lá phổi xanh của trái đất" duy trì sự đa dạng sinh học.

 

d
Khoảng 27,7 triệu tấn bụi từ sa mạc Sahara di chuyển tới rừng Amazon mỗi năm, cung cấp chất dinh dưỡng cho thực vật ở đây. Ảnh: NASA/Goddard's Scientific Visualization Studio.

Sa mạc Sahara là nơi khô hạn nhất thế giới, trong khi rừng rậm Amazon là khu rừng màu mỡ, phì nhiêu bậc nhất hành tinh. Tuy vậy, hai thế giới đối lập ở hai bờ Đại Tây Dương lại có sợi dây liên kết vô cùng chặt chẽ. UPI khẳng định sự sống của rừng Amazon phụ thuộc chặt chẽ vào sa mạc Sahara.

Theo những bức ảnh mô phỏng mới nhất do các kỹ sư NASA cung cấp, hàng năm, những đám mây bụi khổng lồ liên tục di chuyển qua Đại Tây Dương tới lưu vực sông Amazon nhờ gió. Rừng nhiệt đới Amazon hấp thụ thành phần của những đám mây bụi, bao gồm nhiều loại chất dinh dưỡng và khoáng chất (chủ yếu là phốt pho).

Phốt pho là một khoáng chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng của thực vật. Nó là thành phần quan trọng trong nhiều loại phân bón. Mỗi năm, khoảng 22.000 tấn phốt pho bay từ sa mạc Sahara tới Amazon, tương đương với khối lượng chất dinh dưỡng mà những rừng mất bởi mưa và lũ lụt mỗi năm.

Do mật độ quá lớn, cây cối trong rừng Amazon phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành chất dinh dưỡng. Ngoài các đám mây bụi, xác sinh vật phân hủy là nguồn bổ sung dinh dưỡng duy nhất tại đây.

“Chúng tôi biết rằng bụi là một thành phần trọng yếu của hệ thống trái đất. Bụi ảnh hưởng đến khí hậu và ngược lại”, Hongbin Yu – chuyên gia khoa học khí quyển tại Trung tâm vũ trụ Goddard của Mỹ - phát biểu.

Để tìm khối lượng bụi bay qua đại dương và mối liên hệ giữa nó với các chỉ số khí hậu, các nhà khoa học của NASA đã mô phỏng quá trình vận chuyển bụi bằng máy tính dựa vào dữ liệu từ vệ tinh CALIPSO (Cloud-Aerosol Lidar and Infrared Pathfinder Satellite Observation) của NASA.

Số liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập từ năm 2007 tới năm 2013 cho thấy, khoảng 182 triệu tấn bụi di chuyển nhờ gió từ phía tây của sa mạc Sahara qua khoảng cách 2.575 km trên Đại Tây Dương mỗi năm. Khoảng 132 triệu tấn lơ lửng trong không khí, 27,7 triệu tấn tới rừng rừng Amazon và 43 triệu tấn trôi ra biển Caribean. Khối lượng bụi có thể thay đổi tùy theo thời tiết mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu hy vọng họ có thể sử dụng kỹ thuật phân tích dữ liệu để hiểu cơ chế và sự tương tác giữa các tác nhân ảnh hưởng đến sự di chuyển của lượng bụi khổng lồ - như khói và sự ô nhiễm - và ảnh hưởng của chúng tới hệ sinh thái chung của địa cầu.

Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm