Tân Hoa Xã đưa tin, chiếc máy bay tìm kiếm cứu nạn Il-76 của Trung Quốc phát hiện hai vật thể tương đối lớn và nhiều vật màu trắng nhỏ hơn trong vùng biển có diện tích khoảng vài km2 ở ngoài khơi Australia, thuộc hành lang bay giả định phía nam của chiếc Boeing 777. Phía Trung Quốc đã thông báo phát hiện mới tới Trung tâm chỉ huy Australia và điều tàu phá băng Tuyết Long tới vị trí của những vật thể. Một đội tàu khác của Trung Quốc cũng đang tới đó.
Máy bay Il-76 của Trung Quốc, cùng loại với chiếc phi cơ đang tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 ở nam Ấn Độ Dương. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trong một diễn biến khác, hải quân Mỹ đã đưa thiết bị định vị hộp đen công nghệ cao tham gia tìm kiếm tung tích chuyến bay MH370 ở vùng biển nam Ấn Độ Dương. Theo phía Mỹ, đây là biện pháp phòng ngừa để lực lượng quốc tế có thể phản ứng ngay lập tức tức khi xác định một trong những vật thể trôi dạt trên biển là mảnh vỡ chiếc Boeing 777 của Malaysia.
Hệ thống định vị tối tân của Mỹ sẽ rà soát đáy biển để tìm các thiết bị ghi dữ liệu (hộp đen) của máy bay. Chúng có khả năng phát hiện các hộp đen dù nó nằm ở độ sâu tối đa 6 km. Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết, phát hiện hộp đen không đồng nghĩa với khả năng tìm thấy xác chiếc máy bay mất tích.
Mỗi máy bay thương mại được trang bị hai hộp đen riêng biệt. Một chiếc ghi lại thông số máy bay, còn chiếc thứ hai ghi âm buồng lái. Người ta chế tạo hộp đen từ những vật liệu đặc biệt, giúp nó tồn tại dù nó chịu tác động của nhiệt, ngâm lâu ngày dưới biển hay chịu va đập mạnh. Mỗi hộp đen có một bộ phát tín hiệu cùng pin dự phòng với thời lượng hoạt động 30 ngày. Ngay sau khi máy bay gặp nạn, hộp đen sẽ liên tục phát tín hiệu để các đội tìm kiếm có thể phát hiện nó.