Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay tiêm kích đắt nhất hành tinh lần đầu xuất trận

F-22 Raptor, phản lực cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 đắt nhất thế giới, xuất trận lần đầu trong chiến dịch không kích tiêu diệt các tổ chức cực đoan liên quan tới mạng lưới al-Qaeda.

F-22 Raptor, phản lực cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới, đã chính thức ra trận sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm. Dự án máy bay tàng hình trị giá 70 tỷ USD của Mỹ đang có cơ hội chứng tỏ giá trị trong cuộc chiến chống lại các tay súng cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Daily Beast dẫn nguồn tin quân sự khẳng định, F-22 Raptor chính thức tham chiến lần đầu tiên trong loạt không kích thứ 3 của Mỹ ở Syria. Lầu Năm Góc cũng công bố hình ảnh rõ nét cho thấy F-22 Raptor phá hủy một mục tiêu trong đợt xuất kích đầu tiên.

Sự xuất hiện của F-22 Raptor tại Syria là bất ngờ lớn đối với cộng đồng đam mê máy bay chiến đấu. Thậm chí, nhiều phi công lái F-22 cũng hoàn toàn không biết loại phi cơ họ điều khiển sẽ được Lầu Năm Góc đưa ra chiến trường. Hiện tại, phía Mỹ không cung cấp thêm chi tiết về nhiệm vụ của cỗ máy chiến tranh trị giá gần 400 triệu USD cũng như căn cứ mà nó xuất phát.

Các chuyên gia quân sự dự đoán F-22 Raptor tới Syria từ căn cứ không quân Al Dhafra, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là nơi đóng quân của Không đoàn số 1, Mỹ. F-22 có khả năng hỗ trợ chiến đấu và bảo vệ cho máy bay ném bom và tiêm kích của Mỹ cùng các đồng minh. Ngoài ra, nó có thể tấn công thẳng vào trung tâm chỉ huy và kiểm soát của đối phương.

Là máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm thế hệ thứ 5 đầu tiên, F-22 Raptor có khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chiến tranh điện tử và chiếm ưu thế trên không. Theo tỷ giá năm 2005, dự án phát triển F-22 Raptor của Mỹ tốn 70 tỷ USD.

Tính tới thời điểm hiện tại, F-22 vẫn là máy bay tiêm kích đắt giá nhất hành tinh. Do số lượng máy bay chiến đấu được chế tạo ít hơn rất nhiều so với dự kiến nên giá mỗi phi cơ đội lên hàng trăm triệu USD. Cụ thể, Mỹ phải chi gần 400 triệu USD cho mỗi máy bay trong phi đội 187 phản lực cơ chiến đấu F-22.

Giới chuyên môn coi F-22 Raptor là kỳ quan quốc phòng của Mỹ với những công nghệ chiến đấu vượt trội so với các loại phản lực chiến đấu khác. Vì vậy, Washington cấm xuất khẩu F-22 và công nghệ chế tạo loại máy bay này ra nước ngoài, bao gồm cả các đồng minh thân thiết nhất. Nó chỉ hoạt động trong biên chế Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, F-22 không phải mẫu máy bay thực sự hoàn hảo như người ta vẫn tung hô. Chúng rơi liên tục trước và sau khi vào biên chế Không quân Mỹ. Một mẫu F-22 thử nghiệm rơi năm 1992 trước khi chiếc F-22 thật đầu tiên rơi năm 2004. Lầu Năm góc mất tiếp 3 chiếc F-22 trong năm 2009, 2010 và 2012 nhưng chỉ xác định được nguyên nhân của một trong 3 vụ tai nạn.

F-22 có chiều dài 18,9 m, sải cánh rộng 13,6 m, có khả năng cất cánh với tải trọng tối đa đạt 25.000 kg. Hai động cơ phản lực đẩy giúp phi cơ di chuyển với vận tốc 2.400 km/h. Hệ thống giá treo vũ khí trong thân cho phép F-22 mang vũ khí đối không, đối đất, bom. Bốn giá treo dưới cánh giúp “Chim ăn thịt” mang thêm thùng nhiên liệu phụ hoặc vũ khí.

Sau khi tiếp nhận F-22 Raptor, Không quân Mỹ tiếp tục thử nghiệm phản lực chiến đấu F-35 Lightning II dựa vào thành tựu công nghệ của F-22. Tuy nhiên, F-35 có khả năng hoạt động linh hoạt và giá thành rẻ hơn nhiều so với F-22. Phiên bản F-35C cho phép nó chuyên trách trên tàu sân bay. Mỹ sẽ xuất khẩu loại máy bay này cho các nước đồng minh.

Hồng Duy

Ảnh: U.S. Air Force

Bạn có thể quan tâm