Máy bay 'rụng cánh' Trung Quốc được sản xuất thế nào?
Chiếc máy bay vừa gây tai nạn ở Indonesia có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sản xuất theo kiểu nhanh, nhiều, tốt, rẻ.
Máy bay MA-60 hay còn được gọi là Xian MA-60 được sản xuất tại tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An, Trung Quốc. Máy bay MA-60 sử dụng động cơ phản lực tuabin cánh quạt, được cấp phép bay lần đầu tiên năm 2000 tại Trung Quốc.
MA-60 có chiều dài 24,7 m với sải cánh lên đến 29,2 m, tải trọng tối đa 5,5 tấn. Khi được bơm đầy hơn 4 tấn nhiên liệu, MA-60 có thể hoạt động trong tầm 2.450 km không tải và 1.600 km khi bay đủ tải.
Ảnh chụp hiện trường tai nạn máy bay ở Indonesia hôm 10/6. |
Hiện nay, các hãng hàng không sử dụng MA-60 nhiều nhất là của Trung Quốc và Indonesia. Trong đó, hãng Joy Air của Trung Quốc đang sử dụng 6 chiếc và đặt hàng 44 chiếc nữa, tổng số lên đến 50 máy bay, nhiều nhất trong số các hãng trên thế giới.
Bên cạnh đó, còn một số hãng hàng không cũng sử dụng loại máy bay này là Merpati Nusantara Airlines của Indonesia dùng 14 chiếc, Okay Airways của Trung Quốc dùng 8 chiếc và Yingan Airlines cũng của Trung Quốc sắp đưa 10 chiếc MA-60 vào sử dụng. Người Trung Quốc đặt tên cho dòng máy bay MA-60 là Tân Châu, có nghĩa là "chiếc thuyền kiểu mới" với thiết kế 50-60 chỗ ngồi cho hành khách.
Giới chức Indonesia nói họ đang điều tra nguyên nhân tai nạn. |
Theo báo chí Trung Quốc, hầu hết linh kiện của MA-60 được sản xuất tại Canada và Mỹ theo yêu cầu thiết kế của kỹ sư Lữ Hải, người được giao việc sản xuất máy bay dân dụng "kiểu Trung Quốc" của tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An.
Tháng 3/2000, chiếc MA-60 lần đầu tiên bay thử nghiệm thành công và mau chóng được báo chí nước này ca ngợi là "thân thiện, an toàn" trong khi giá cả rẻ hơn 10%-20% so với máy bay cùng loại.
Chỉ 3 tháng sau, Trung Quốc cấp phép bay cho MA-60 và giao loạt hàng đầu tiên cho hãng hàng không Tứ Xuyên sử dụng. Tập đoàn Tây An khi đó tuyên bố họ có thể sản xuất 15 - 20 chiếc MA-60 cho bất cứ đối tác nào. Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ vẫn không cho phép MA-60 bay tại nước này với lý do không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Báo chí Trung Quốc chưa từng ghi nhận vụ tai nạn nào đến từ loại máy bay vốn được cải tiến dựa trên dòng Antonov-24 của Nga, trong khi quan chức Indonesia từng tỏ ý nghi ngờ máy bay Trung Quốc dễ gặp sự cố.
Máy bay MA-60 được sản xuất theo kiểu Trung Quốc. |
Vài năm trước vụ tai nạn của MA-60 khiến 25 người chết tại Indonesia, Phó tổng thống Jusuf Kalla từng từ chối kế hoạch mua loại máy bay này với lý do "quá nguy hiểm". Ông Jusuf Kalla nói không phải ngẫu nhiên mà Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) từ chối máy bay Trung Quốc. Tuy nhiên, Indonesia cuối cùng vẫn nhập và ít nhất đã có 2 lần gặp sự cố trước vụ tai nạn hôm 10/6.
Tháng 5/2011, chiếc MA-60 của hãng hàng không Merpati Nusantara Airlines, Indonesia bị rơi khiến toàn bộ 25 hành khách và 2 phi công tử nạn. Trước đó, máy bay được sản xuất kiểu Trung Quốc cũng từng suýt gây tai nạn ở Indonesia nhưng được phát hiện kịp thời. Quan chức hàng không Indonesia nói đây chỉ là sự cố đoản mạch một số thiết bị điện tử trong buồng lái và "phần nhiều do nguyên nhân thời tiết xấu".
Tờ Jakarta Post dẫn lời Herry Bhakti Gumay S, Cục trưởng hàng không dân dụng Indonesia nói, MA-60 đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật, trong khi một số chuyên gia máy bay nước này nói họ "chưa bao giờ cảm thấy an toàn với máy bay Trung Quốc".
Trong vụ tai nạn hôm 10/6, chiếc MA-60 chở 52 người, trong đó có 46 hành khách, đột ngột "rụng cánh" khi đang đáp xuống một sân bay ở tỉnh East Nusa Tenggara, miền Bắc Indonesia. Các bức ảnh chụp hiện trường cho thấy máy bay nằm giữa đường băng, thân gãy làm đôi còn cánh cắm xuống đất.
Indonesia hiện là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất châu Á. Do nhu cầu đi lại ngày càng cao, số lượng máy bay nước này tăng chóng mặt trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay quốc đảo này cũng giữ kỷ lục là nước có an ninh hàng không tệ nhất châu Á.
Theo VTC News