Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay quân sự không người lái thương hiệu Việt Nam

Mới đây, Viện KHKT quân sự PK-KQ đã chế tạo và thử thành công mẫu máy bay không người lái phản lực tốc độ cao UAV-02 có các tính năng chiến đấu vượt trội.

Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không-Không quân (PK-KQ) thuộc Quân chủng PK-KQ vừa chế tạo và thử nghiệm thành công mẫu máy bay không người lái (MBKNL) phản lực tốc độ cao UAV-02 có các tính năng chiến-kỹ thuật và công nghệ chế tạo vượt trội, có thể làm mục tiêu bay cho máy bay Su-30MK2 chặn kích và sử dụng vào các mục đích quân sự quan trọng khác.

Lãnh đạo Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ cho biết: Bằng nguồn vốn tự có, đến nay viện đã triển khai nghiên cứu và chế thử 5 mẫu MBKNL để phục vụ huấn luyện chặn kích cho máy bay Su-30MK2. Trong quá trình nghiên cứu, mẫu UAV-01 và UAV-02 đã được lựa chọn để bay thử nghiệm, trong đó mẫu UAV-02 là loại có tính năng cao hơn. 

Với hai động cơ phản lực, sải cánh 2,8 m, chiều dài thân 2,5 m, UAV-02 có các tính năng theo thiết kế đạt tốc độ bay hành trình từ 250 đến 350 km/giờ, bán kính hoạt động 100 km, độ cao bay tối đa 8000 m; máy bay nặng 38 kg khi nạp đủ nhiên liệu, thời gian hoạt động tối đa là 45 phút. Cả hai loại UAV-01 và UAV-02 đều có thể bay hoàn toàn tự động theo chương trình đặt trước của người chỉ huy. Với tính năng kỹ-chiến thuật kể trên, UAV-02 hoàn toàn phù hợp và cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong công tác huấn luyện của Quân chủng PK-KQ hiện nay.

Các kỹ sư Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ hoàn thiện máy bay không người lái UAV-02.
Các kỹ sư Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ hoàn thiện máy bay không người lái UAV-02.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng ban Nghiên cứu mục tiêu bay của Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ cho biết, MBKNL UAV-02 là thành quả tiếp nối của 15 năm nỗ lực nghiên cứu, chế tạo các loại phương tiện bay phục vụ công tác huấn luyện trong quân chủng. Sản phẩm đã đánh dấu sự tiến bộ công nghệ về thiết kế khí động học, kết cấu và điều khiển, trong đó phải kể đến việc làm chủ những yêu cầu về tác chiến điện tử.

Là người trực tiếp cùng nghiên cứu và sản xuất chiếc MBKNL UAV-02 đầu tiên này, Đại úy, kỹ sư Phạm Đình Hưng cho biết: Anh em cán bộ, kỹ sư của viện đã miệt mài ngày đêm nghiên cứu trong gần 6 tháng để hoàn thiện thiết kế và sản xuất sản phẩm, với chi phí được tiết kiệm tối đa, có nhiều chi tiết chúng tôi đã thay đổi nhiều lần để chiếc MBKNL UAV-02 có tính năng ưu việt nhất kể từ trước tới nay. 

Đặc biệt, chiếc MBKNL UAV-02 đã giải quyết được 3 vấn đề về kỹ thuật quan trọng, đó là: Phần thiết kế động lực học và kết cấu cho phương tiện bay có tốc độ cận âm với việc sử dụng công nghệ vật liệu Carbon Fiber, phần điều khiển thích nghi cho phương tiện bay có lượng tiêu hao nhiên liệu lớn và quan trọng nhất là đồng bộ với tổ hợp ngắm bắn và điều khiển hỏa lực trên máy bay Su-30MK2.

Vừa qua, chiếc MBKNL UAV-02 đã cất cánh thử nghiệm tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong chuyến bay phối hợp hiệp đồng với máy bay Su30-MK2 của Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371. Ngay trong chuyến bay đầu tiên, các khí tài điện tử của Tổ hợp dẫn đường-ngắm bắn và tên lửa trên máy bay Su-30MK2 đã phát hiện và bám sát được mục tiêu UAV-02… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, UAV-02 đã hạ cánh an toàn, sẵn sàng cho các lần bay thử nghiệm tiếp theo.

Đại úy phi công Nguyễn Văn Hải, người trực tiếp điều khiển hỏa lực trong chuyến bay thử nghiệm đã khẳng định, máy bay Su30-MK2 đã phát hiện được MBKNL UAV-02 như một chiếc máy bay tiêm kích, ra-đa đã khóa được mục tiêu. Căn cứ vào kết quả giải mã khách quan sau chuyến bay, các chuyên gia vũ khí hàng không đã khẳng định MBKNL UAV-02 đủ điều kiện làm mục tiêu cho Su-30MK2 huấn luyện chặn kích.

Được biết, hiện nay Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ đang hoàn thiện mẫu UAV-03 và UAV-04 với những đột phá mới về công nghệ MBKNL như: Điều khiển độc lập dẫn đường quán tính INS, có tốc độ hành trình cận âm 0.85M, tăng thời gian bay và bán kính hoạt động, bay giám sát biển, đảo…Thành công trong nghiên cứu, chế tạo MBKNL UAV-02 tiếp tục khẳng định thành quả nghiên cứu khoa học của các cán bộ, nhân viên Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ trong việc sản xuất mô hình bay, MBKNL mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của Quân chủng PK-KQ trong tình hình mới.

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/khoa-hoc-nghe-thuat-quan-su/may-bay-khong-nguoi-lai-thuong-hieu-viet-nam/311051.html

Theo Vũ Hạ Hải/Quân đội nhân dân

Bạn có thể quan tâm