Máy bay Nga đâm vào núi là do phi công vi phạm quy định
Ronny Rosnadi, một phi công có tới 33.000 giờ bay băn khoăn: “Tại sao phi công Nga lại cho máy bay hạ cánh xuống độ cao 6.000 feet? Đó là hành động vi phạm quy định về độ cao tối thiểu của máy bay chở khách khi có vật cản. Lẽ ra, độ cao tối thiểu phải là 11.000 feet”.
Chiếc máy bay Sukhoi SuperJet-100 gặp nạn có thể do lỗi của Phi công. |
Phi công Rosnadi cho Jakarta Post biết thêm: “Tôi tin chắc rằng vụ tai nạn là do lỗi của con người. Giả sử chiếc máy bay có được chỉ định hạ độ cao xuống thấp thì cũng chỉ trong trường hợp nó bay qua khu vực phía nam của bãi biển Pangandaran. Nơi đó an toàn hơn rất nhiều”.
Còn về kĩ thuật, loại máy bay chở khách hiện đại Sukhoi SuperJet-100 được trang bị hệ thống cảnh báo tiền tiêu, bao gồm cả cảnh báo độ cao và các vật cản hay cảnh báo địa hình tới trực tiếp các phi công điều khiển. Có nghĩa là các phi công sẽ nhận được cảnh báo độ cao tối thiểu phải duy trì trong vòng bán kính nhất định tại một khu vực cụ thể.
Như vậy, khả năng các phi công không biết mình đang bay vào khu vực nguy hiểm gần như đã bị loại trừ. Cựu phi công của hãng hàng không Merpati Nusantara Airlines cho rằng, những đồng nghiệp xấu số của mình có thể “quá tự tin hay chỉ đơn thuần là mệt mỏi” trong lúc điều khiển máy bay nên đã để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, những phi công lái máy bay trình diễn để chào hàng cũng sẽ phải chịu những áp lực rất lớn.
Khu vực mà chiếc máy bay gặp nạn được đánh giá là khá phức tạp bởi hiện tượng gió mùa thổi mạnh cũng như sương mù dày đặc có thể gây hạn chế hoàn toàn tầm nhìn. Tuy nhiên, đây không phải chuyến bay đầu tiên đi qua khu vực này mà đã có rất nhiều hãng hàng không khai thác đường bay đi qua khu vực. Chính vì lẽ đó, tai nạn do thời tiết thực sự không thể là nguyên nhân chính.
Đặc biệt, Trung tâm kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta đã nhận được yêu cầu xin hạ độ cao từ 10.000 feet xuống 6.000 feet trước khi mất liên lạc hoàn toàn với chiếc máy bay gặp nạn. Gần 1 ngày sau, lực lượng cứu hộ phát hiện xác chiếc máy bay ở chân núi Salak, thuộc khu vực Sukabumi, Tây Java lúc 9h15 giờ địa phương. Dù khó có khả năng tìm thấy người sống sót nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn đang gấp rút tìm kiếm tại khu vực chiếc máy bay gặp nạn với hi vọng, kì tích có thể xảy ra.
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn