Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp và chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS |
Chương trình Đời sống Quân ngũ của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hé lộ việc nước này triển khai H-6K đến đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình không đưa tin về ngày triển khai, số lượng máy bay hay liệu chúng đã đáp xuống đá Chữ Thập hay chưa.
Nội dung triển khai oanh tạc cơ không chiếm nhiều thời lượng trong chương trình truyền hình. Hình ảnh đá Chữ Thập xuất hiện nhanh trên màn hình và được nhìn từ màn chắn phía trước máy bay. Chương trình này cũng phát hình ảnh một máy bay H-6K chở tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-63 tầm phóng 200 km.
Hình ảnh đá Chữ Thập được nhìn từ máy bay ném bom H-6K. Ảnh: CCTV |
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom là điều đáng chú ý, bởi nó cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng hệ thống vũ khí chiến lược có thể triển khai vũ khí hạt nhân để bảo vệ các căn cứ và tuyên bố chủ quyền rộng lớn hơn trên Biển Đông.
H-6K được hé lộ lần đầu tiên năm 2007 và là phiên bản mới nhất của máy bay H-6, bản sao của máy bay Tu-16 thời Xô viết. Trung Quốc sản xuất loại máy bay này cuối những năm 1960.
H-6K sử dụng động cơ phản lực Soloviev D-30KP-2 của Nga, có radar lớn và được trang bị hệ thống nhận diện mục tiêu quang điện từ. Phi cơ có thể mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-20 với tầm phóng 1.500 km có thể mang đầu đạn hạt nhân, hoặc tên lửa hành trình chống hạm phi hạt nhân với tầm phóng 250-500 km.
Khu vực đá Chữ Thập và các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đạo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Wall Street Journal |
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên đá này từ năm 1988. Đến năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đợt cải tạo quy mô trái phép đá này thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa.
Một trong những công trình lưỡng dụng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập là đường băng dài 3.000 m, có khả năng đảm bảo hoạt động của mọi loại máy bay, bao gồm phi cơ ném bom chiến lược tầm xa. Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng công trình này để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền.