Phóng viên CNN được chứng kiến cảnh hiếm hoi về hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, trên máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon vào ngày 10/8. Đây là chuyến bay tuần tra thường xuyên của Hải quân Mỹ trong khu vực.
Chiếc P-8 bay cách khoảng 5 km so với đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên đảo đã được xây dựng thành tiền đồn với các tòa nhà cao 5 tầng, hệ thống radar lớn, nhà máy điện và đường băng đủ dài cho máy bay quân sự cỡ lớn hoạt động.
Trong suốt chuyến bay, phi hành đoàn trên chiếc P-8 nhận được tới 6 lần cảnh báo đe dọa từ quân đội Trung Quốc. “Rời khỏi ngay lập tức và tránh xa bất kỳ sự hiểu nhầm nào”, giọng liên tục vang lên trên hệ thống liên lạc của chiếc P-8.
Mỗi khi máy bay Mỹ bị quân đội Trung Quốc cảnh báo, phản ứng của phi hành đoàn trên máy bay là như nhau: “Đây là máy bay của Hải quân Mỹ đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển quốc tế và nằm ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Chúng tôi đang thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế, hoạt động của chúng tôi liên quan đến quyền và lợi ích của tất cả quốc gia”, sĩ quan phụ trách liên lạc của Mỹ trả lời mỗi khi có cảnh báo.
Một góc các công trình xây dựng của Trung Quốc trên đá Vành Khăn. Ảnh: AP. |
Phi cơ của Mỹ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, bất chấp cảnh báo. Chiếc P-8 đã bay qua 4 thực thể mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh đã xây dựng các công trình ở đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và Gạc Ma.
Tại đá Vành Khăn, cảm biến trên P-8 ghi nhận tới 86 tàu các loại, bao gồm tàu bảo vệ bờ biển đang hoạt động và neo đậu. Trong khi đó, trên đá Chữ Thập, một hàng rào dài đã được dựng lên dọc theo đường băng trên đảo.
“Thật đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy sân bay giữa đại dương”, Lauren Callen, cơ trưởng chuyến bay nói. CNN đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
Yêu sách phi lý
Trung Quốc tuyên bố một cách phi lý về chủ quyền bao trùm đến 80% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh đưa ra các dẫn chứng một cách rất mơ hồ về cái gọi là “một phần lãnh thổ từ thời xa xưa”. Đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra kéo dài hơn 1.000 km từ điểm cực nam của nước này, chiếm gần trọn Biển Đông. Khu vực mà Liên Hợp Quốc ước tính chiếm hơn một phần ba thương mại hàng hải toàn cầu.
Phi hành đoàn trên chiếc P-8 liên tục nhận được cảnh báo yêu cầu rời đi từ phía Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Tuyên bố của Trung Quốc là phi lý, trái với luật pháp quốc tế. Tuy vậy, Bắc Kinh hầu như không thay đổi cách tiếp cận đối với khu vực trong những năm gần đây. Để củng cố yêu sách của mình, Bắc Kinh đã bồi lấp các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó quân sự hóa nó với radar, tên lửa.
Trung Quốc đã dành hơn 2 năm để cũng cố các thực thể này, bao gồm việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo trong cuộc tập trận vào tháng 4. Điều này đi ngược lại lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2015, rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Mở rộng một cách nhanh chóng
Lần gần đây nhất phóng viên CNN được tham gia nhiệm vụ tuần tra của Hải quân Mỹ là vào năm 2015. Khi đó, chiếc phi cơ P-8 của Mỹ cũng liên tục bị cảnh báo khi bay qua Biển Đông. Từ thời điểm đó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc xây dựng trên các thực thể bồi lấp phi pháp.
Khi bay qua đá Chữ Thập vào ngày 10/8, một tòa nhà 5 tầng có thể nhìn thấy từ xa. Một radar lớn và các mái vòm tựa quả bóng golf khổng lồ hiển thị rõ ràng trên camera hồng ngoại của chiếc P-8.
Hình ảnh mới nhất về đá Chữ Thập. Ảnh: CNN. |
Không có tên lửa nào của Trung Quốc được nhìn thấy trong chuyến bay, nhưng các sĩ quan Hải quân Mỹ cho biết các cấu trúc mái vòm có thể được sử dụng để chứa tên lửa bên trong. Chuẩn đô đốc Chris Purcell, người chỉ huy nhiệm vụ, cho biết Mỹ đã thực hiện các chuyến bay như vậy trong hơn 5 thập kỷ qua, chứng minh cam kết của Washington trong việc duy trì tự do trên các vùng biển quốc tế.
“Lý do chúng tôi ở đây không thay đổi nhưng lý do người Trung Quốc ở đây đã thay đổi”, chuẩn đô đốc Purcell nói. Vài giờ sau chuyến bay tuần tra của Mỹ kết thúc, Global Times (phụ san của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), đã đăng bài phản đối.
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ
Bắc Kinh nhiều lần biện minh rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của họ ở Biển Đông là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, đổ lỗi cho Washington và các đồng minh về những căng thẳng trong khu vực.
Trung Quốc lấy cớ các đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ là động thái khiêu khích quân sự. Do đó, Bắc Kinh cần tăng cường sự hiện diện quân sự để đối phó. Trong năm nay, Mỹ đã tăng cường các hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải.