Đối với đội bóng bổ nhiệm tới 14 huấn luyện viên trong 13 năm qua như Chelsea, người hâm mộ có lý do tin rằng Maurizio Sarri cũng chỉ là quyết định bổ nhiệm như bao lần trước đó.
Trong cuộc đời ngập tràn vinh quang của Pep Guardiola, rất bất ngờ khi biết cuộc chạm trán Napoli tại Champions League vào tháng 10 năm ngoái lại chính là trận đấu mà Guardiola tự hào nhất. Pep gọi Napoli là đội bóng hay nhất mà ông từng đánh bại (Man City thắng nhọc nhằn 2-1). Lúc đó, huấn luyện viên (HLV) trưởng của Napoli chính là Maurizio Sarri - nhân vật mà Guardiola gặp lại trong trận tranh siêu cúp Anh - trận đấu đánh dấu cột mốc mùa hè đã qua và giải đấu được chờ đợi nhất hành tinh, Premier League khởi tranh.
Sarri được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên trưởng Chelsea trong sự ngỡ ngàng của nhiều người hâm mộ. Vào thời điểm David Moyes được chỉ định đảm nhận vị trí HLV trưởng Man United, ông đã 50 tuổi và chưa từng vô địch một giải đấu lớn nào.
Moyes khi ấy chính là huấn luyện viên già nhất trong lịch sử Premier League được một đội bóng trong nhóm "Big Six" (Man United, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham) bổ nhiệm vào cương vị HLV với hành trang chưa từng có một lần vô địch nào trong đời.
Kỷ lục ấy đã bị phá bởi chính Sarri. Vị tân HLV của Chelsea năm nay 59 tuổi, làm nghề 28 năm mà chưa bao giờ được sờ tay vào một chức vô địch nào. Trong khi đó, Pep Guardiola mới vào nghề được 11 năm, đã có tới 21 danh hiệu lớn nhỏ.
Như vậy, Sarri đang giữ một kỷ lục buồn của Premier League: Trở thành vị huấn luyện viên đầu tiên trong lịch sử mất tới 28 năm làm nghề mà chưa tìm thấy chức vô địch nào, nhưng lại được bổ nhiệm vào vị trí thuyền trưởng một đội bóng thuộc nhóm "Big Six" Premier League.
Nhiều CĐV Chelsea đặt câu hỏi: Phải chăng thói quen sa thải - bổ nhiệm vô tội vạ của ông chủ Roman Abramovich đã khiến vị trí huấn luyện viên trưởng của Chelsea bị coi nhẹ? Trong 13 năm kể từ sau khi bổ nhiệm Jose Mourinho, Chelsea đã thay tới 14 vị tướng khác nhau (bao gồm cả những chiến lược gia tạm quyền).
Trong cùng quãng thời gian này, không có bất kỳ đội bóng nào trong 5 giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu thay tướng nhiều như Chelsea. Việc trung bình 1 năm thay 1 người khiến vị trí HLV trưởng Chelsea thành công việc khó làm nhất trong các nghề.
Chẳng có ai biết trước nổi tương lai của Sarri sẽ ra sao, nhưng coi thường một HLV chỉ vì lý lịch của ông không đẹp là sai lầm rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà HLV đánh đông dẹp bắc như Pep Guardiola lại cho rằng Napoli do Sarri dẫn dắt năm ngoái là “đội bóng hay nhất mà tôi từng chiến thắng”.
Mới đây, khi được hỏi lại về Sarri, Pep Guardiola nói: “Tôi xem cả 3 trận đấu đầu tiên của Sarri trên cương vị HLV trưởng Chelsea, và tôi bất ngờ vì chỉ sau một thời gian ngắn, Sarri khiến Chelsea phải chơi bóng theo cách mà ông muốn. Thú thật là tôi học được rất nhiều điều từ ông ấy”.
Sarri sở hữu vẻ ngoài rất bình thường. Hình ảnh quen thuộc của ông trên sân tập là “tay trái cầm cốc espresso, tay phải cầm điếu thuốc, đứng im một chỗ chỉ đạo”. Sarri vốn không phải mẫu HLV chau chuốt về ngoại hình và giỏi thị phạm kiểu như Zinedine Zidane tự chuyền bóng cho Luka Modric dứt điểm trong buổi tập trước thềm trận chung kết Champions League mùa vừa qua.
“Tôi đã có thể chơi bóng đá lâu hơn, thậm chí trở thành cầu thủ lớn nếu quen biết Maurizio Sarri sớm hơn”, cựu cầu thủ Siena, Gianbattista Scugugia nói.
Tìm hiểu sâu hơn mới biết, Sarri thực tế là một nhân viên ngân hàng cho tới tận năm 40 tuổi mới bắt đầu chuyên tâm vào nghề huấn luyện viên. Ông khởi đầu quá muộn và cũng không có nền tảng cơ bản của một HLV chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng giống như huyền thoại Arrigo Sacchi từng nói: “Một nài ngựa giỏi không nhất thiết phải sinh ra trong hình dáng của con ngựa”.
Có lẽ không nhiều người biết rằng Sarri chính là HLV đầu tiên trong lịch sử bóng đá sử dụng flycam để ghi lại toàn cảnh một buổi tập từ trên cao. Ông lưu rất nhiều đoạn video quay bằng flycam rồi bắt đầu nghiền ngẫm chúng.
Mục đích của Sarri là quan sát thật kỹ thói quen di chuyển của tất cả cầu thủ. Chỉ từ góc nhìn trên không trung phóng tầm mắt xuống mới thấy hết được mỗi khi một cầu thủ di chuyển, thì khoảng trống anh ta tạo ra cần được lấp đầy như thế nào.
Càng bất ngờ hơn khi biết, chỉ từ những đoạn video được quay trên không trung, HLV Sarri có thể vẽ ra tổng cộng 27 kịch bản mà hàng hậu vệ của ông có thể phải đối diện trong pha lên bóng của đối thủ. Khi nhận thức được những nguy cơ bằng những hình ảnh trực quan nhất có thể, thì việc bẻ gãy nó là tương đối đơn giản.
Pep Guardiola và cậu học trò Fernandinho chính là 2 người đã trực tiếp xác tín điều này. Pep từng nói hệ thống phòng ngự của Napoli do Sarri xây dựng chắc chắn tới mức không có kẽ hở và khiến hàng công Man City khó chịu.
Lời khen này dễ dàng được chứng minh qua thống kê: Trong 3 mùa Sarri dẫn dắt Napoli, đội bóng thành Naples luôn nằm trong top 3 CLB thủng lưới ít nhất Serie A (lần lượt số bàn thua từ mùa 2015/16 đến 2017/18 là 32 bàn, 39 bàn và mùa trước là 29 bàn). Trước khi Sarri tới, Napoli thủng lưới tới 54 lần ở mùa 2014/15.
Trong khi đó, Fernandinho cho rằng nếu Napoli không dính quá nhiều chấn thương, họ mới chính là nhà vô địch Serie A mùa trước chứ không phải Juventus. Cùng quan điểm với Fernandinho, trang Football Italy khi bình luận về mùa bóng cuối cùng của Sarri tại Napoli đã viết: “Lẽ ra Scudetto nên được trao cho cả Juventus lẫn Napoli, vì Sarri xứng đáng với chức vô địch”.
Sarri được miêu tả là một vị chiến lược gia nghiện làm việc. Ông từng ngồi lỳ trong phòng làm việc suốt cả ngày chỉ để chuẩn bị 33 tình huống chống bóng chết cho hàng thủ. “Tôi biết chúng tôi chỉ dùng 4, 5 phương án, nhưng tôi bị lôi cuốn vào công việc”, Sarri nói.
Chứng nghiện làm việc được thể hiện ngay từ những phát biểu và hành động đầu tiên của Sarri sau khi trở thành HLV trưởng Chelsea. Sarri tâm sự ông thậm chí đề nghị ban lãnh đạo Chelsea cho ông được ngủ lại khu tập huấn Cobham của "The Blues" để tiện làm việc. Sarri muốn dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu về Chelsea, qua đó đưa ra các phương án mua sắm hợp lý.
Gianluca Motti, phóng viên của Gazetta dello Sport, là một trong những cây bút hiểu Sarri hơn bất kỳ ai trong giới phóng viên Italy. Motti miêu tả Sarri trong một ngày làm việc bình thường có thể đốt hết 60 điếu thuốc và giải quyết được hàng chục vấn đề hóc búa. Sarri từng thuyết phục được Gonzalo Hiugain ở lại Napoli, dù tiền đạo này ở rất gần cánh cửa ra đi.
Với tài đắc nhân tâm của Sarri, người hâm mộ Chelsea hoàn toàn có quyền hy vọng vị chiến lược gia này sẽ níu chân được những Eden Hazard và Willian ở lại với sân Stamford Bridge, bất chấp gần như các thông tin đều hướng họ tới viễn cảnh ra đi. “Nếu dàn sao của Chelsea ở lại, hãy tin rằng Sarri đã mất rất nhiều ngày giam mình trong văn phòng để tìm lối thoát”, Motti viết.
Cũng theo Gianluca Motti, Maurizio Sarri bị cuốn như một con thiêu thân vào việc nghiên cứu các phương án phòng ngự cho hàng thủ, nhưng lại không phải là mẫu HLV thích đá phòng ngự. Trái lại, Sarri lại là người tận hiến cho bóng đá đẹp.
Thống kê này sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn: Trong thời gian Sarri dẫn dắt Napoli, CLB này ghi tới 251 bàn thắng tại Serie A. Trong cùng quãng thời gian này, "gã độc tài" Juventus ghi được 238 bàn thắng. Rốt cuộc thì giấc mơ chơi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt của ông chủ Roman Abramovich gặp được "đúng thầy đúng thợ"?
Lịch sử Chelsea cũng chứng minh những HLV ít được kỳ vọng nhất lại chính là những người làm nên điều phi thường nhất. Năm 2007, cái tên vô danh Avram Grant sau khi bất ngờ được đưa lên thay Jose Mourinho, đã giúp Chelsea vào tới trận chung kết Champions League.
Mùa 2011/12, cũng chẳng ai nghĩ một HLV mà trước đó những đội bóng ông từng dẫn dắt chỉ là MK Dons và West Brom như Roberto Di Matteo lại giúp "The Blues" vô địch Champions League. Tuy cả Grant và Di Matteo đều “đoản mệnh” vì thói quen sa thải - bổ nhiệm vôi tội vạ của Abramovich, nhưng lịch sử Chelsea mãi mãi nhớ tới họ.
Cái đẹp luôn được cất giấu trong những vỏ bọc tầm thường nhất. Biết đâu, chính vị huấn luyện viên nghiện làm việc Maurizio Sarri lại là người đưa Chelsea lên những nấc thang đáng nhớ nhất trong lịch sử CLB?