Trong nhà kho nhỏ ở tỉnh Nova Scotia, Canada, hai ngư dân bản địa bị mắc kẹt trong cơ sở chế biến tôm hùm khi một đám đông giận dữ bao vây nơi này vào ngày 13/10.
Jason Marr, một người kẹt bên trong, cho biết ông đã đưa tôm hùm của mình đến đây vào tối đó vì nghe nói người phản đối sẽ đến một điểm khác. Ban đầu, không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, sau đó, ông bị khoảng 200 người bao vây.
"Họ đập cửa, hét lên những lời tục tĩu, và nói ‘đưa tôm hùm cho bọn tao'", ông Marr kể lại với BBC.
Ngoài ra, 4 người đàn ông không phải thổ dân làm việc tại cơ sở chế biến cũng mắc kẹt chung với họ. Ông Marr nói đám đông đã cắt điện và ném đá qua cửa sổ trong khi ông gọi cảnh sát.
Thổ dân này cho biết ông nhìn thấy đám đông tè vào xe tải và rạch lốp xe ông. Tình trạng hỗn loạn kết thúc khi cảnh sát buộc ông Marr ra khỏi căn nhà. Sau đó, ông phải đứng nhìn đám đông xông vào và giành lấy tôm hùm của ông.
Vài giờ trước đó, cuộc đột kích tương tự đã diễn ra tại một địa điểm khác. Một chiếc xe đã bị đốt cháy ở đó.
Các ngư dân thương mại đã yêu cầu chính phủ liên bang ngăn người Mi'kmaw đánh bắt tôm hùm ngoài thời gian cho phép. Ảnh: CBC. |
Trong cả hai vụ việc, cảnh sát đều đến hiện trường nhưng không bắt giữ ai. Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết họ vẫn đang điều tra.
Đây là vụ đụng độ mới nhất trong tranh chấp ngày càng leo thang giữa ngư dân người bản địa Mi'kmaq và ngư dân đánh cá thương mại. Mâu thuẫn bắt đầu lên cao khi cộng đồng thổ dân Sipekne'katik đánh cá trái mùa vào tháng 9.
Các ngư dân thương mại nói những thổ dân nên dừng việc đánh cá trái vụ. Trong khi đó, người bản địa nói đây là quyền hiến định của họ.
Mâu thuẫn lâu đời
Mối bất hòa này bắt nguồn từ hơn 250 năm trước, từ Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị năm 1752. Hiệp ước hứa trao cho người Mi'kmaq quyền đánh bắt cá và trao đổi thương mại.
Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, hiệp ước này và những hiệp ước khác tương tự đã bị phớt lờ.
Đến năm 1999, Tòa án Tối cao Canada ra phán quyết mang tính bước ngoặc tuyên bố người Mi'qmaq và Maliseet có quyền không chỉ với việc nuôi sống bản thân bằng cách săn bắn và đánh cá. Họ còn có thể đánh cá “vì sinh kế ở mức độ vừa phải", ngay cả khi trái mùa.
Tòa án định nghĩa "vì sinh kế ở mức độ vừa phải" là để duy trì "nhu cầu cần thiết" như thức ăn và chỗ ở, nhưng không bao gồm "tích lũy của cải". Tuy nhiên, các hành động thực tế theo định nghĩa này không bao giờ được đề cập trong các quy định và trở thành vấn đề vẫn chưa được giải quyết cho đến ngày nay.
Trong nhiều thập kỷ, người Mi'kmaq nói chính phủ không thực thi phán quyết đó. Vì vậy, sau nhiều năm đàm phán thất bại, họ đang thực hiện giải pháp riêng mình.
Cộng đồng thổ dân Sipekne'katik chỉ cấp 11 giấy phép đánh bắt tôm hùm vào năm nay để thử nghiệm và thu thập dữ liệu cho hoạt động đánh bắt bền vững trong những năm tới.
Ngư dân từ cộng đồng bản địa Sipekne'katik bảo quản thiết bị ở Saulnierville, Nova Scotia. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi không chỉ ra đó và đặt bẫy”, lãnh đạo cộng đồng Sipekne'katik Michael Sack nói.
Ngay khi bắt đầu khai thác tôm hùm, thổ dân Canada phải đối mặt với những lời đe dọa và hành động phá hoại, mà đỉnh điểm là các sự cố ở cơ sở chế biến trong tuần này.
Derek Thomas, ngư dân có 25 năm đánh cá thương mại, lên án bạo lực. Tuy nhiên, ông Thomas nói chính phủ cần phải can thiệp và thực thi quy định cấm đánh bắt trái vụ để bảo vệ số lượng tôm hùm.
"Tôi không nghĩ có người thích bạo lực và tôi cũng không nghĩ người bản địa không được thực hiện quyền của mình. Nhưng như vậy là đủ rồi", ông Thomas nói với BBC.
"Quy định được đưa ra để ngăn chặn việc khai thác quá mức và duy trì việc đánh cá bền vững. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn".
Chính phủ Canada có quyền điều chỉnh hoạt động đánh bắt của người bản địa để bảo vệ các nỗ lực bảo tồn. Tuy nhiên, phán quyết của tòa chỉ rõ rằng chính phủ phải chứng minh những hạn chế đó là cần thiết.
Ông Thomas cho biết ngư dân đang “sôi sục tức giận” sau nhiều năm nguồn cung tôm hùm giảm sút. Trong giai đoạn 2016-2018, sản lượng tôm hùm trong tỉnh giảm khoảng 10%, mặc dù không có lý do rõ ràng. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc, một thị trường béo bở.
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân bản địa đụng độ với ngư dân thương mại. Ngay sau khi tòa ra phán quyết năm 1999, nhiều ngư dân bản địa ra khơi trái vụ. Mâu thuẫn đã nổ ra dọc các cảng ở Quebec, New Brunswick và Nova Scotia.
Hiện tại, những ngư dân thương mại cho biết họ lo ngại ảnh hưởng của việc đánh bắt trái vụ đối với quần thể tôm hùm.
Giải quyết chậm chạp
Tại Canada, Bộ Thủy sản và Đại dương (DFO) chỉ cho phép đánh bắt tôm hùm trong các mùa nhất định và tránh thời điểm tôm hùm lột xác.
Robert Steneck, giáo sư hải dương học nghiên cứu quần thể tôm hùm tại Trường Khoa học Biển thuộc Đại học Maine, cho biết hạn chế đánh bắt tôm hùm trong mùa lột xác không phải là cách duy nhất để bảo vệ quần thể tôm hùm.
“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ việc đó thực sự tạo ra sự khác biệt”, ông Steneck nói.
Vấn đề là ở quy mô khai thác, ông Steneck cho biết. Nhà khoa học cũng nói hoạt động đánh bắt ở quy mô nhỏ như của cộng đồng Sipekne'katik ảnh hưởng không đáng kể đến quần thể tôm hùm.
Trong vùng nước gần vịnh St. Mary, nơi người bản địa đánh bắt tôm hùm, có 979 giấy phép đánh bắt tôm hùm được cấp và mỗi giấy phép được mang khoảng 375-400 bẫy trong suốt mùa vụ. Cộng đồng Sipekne'katik đã cấp 11 giấy phép, mỗi giấy phép được mang khoảng 50 bẫy.
Canada là nhà cung cấp tôm hùm lớn nhất trên thế giới và sản lượng đánh bắt ở Nova Scotia chiếm một nửa sản lượng tôm hùm cả nước.
Ngành đánh bắt tôm hùm thương mại trở thành phần quan trọng trong nền kinh tế của Nova Scotia kể từ khi thực dân Anh và Pháp đến đây vào những năm 1600.
Bẫy tôm hùm của ngư dân trong cộng đồng Sipekne'katik bị những ngư dân thương mại phản đối hoạt động của họ cắt phá và vứt tại văn phòng DFO ở Meteghan, Nova Scotia. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, người Mi'kmaw đã đánh bắt ở vùng biển này từ nhiều thế kỷ trước.
"Chúng tôi có mối liên hệ sâu sắc với đất đai, sông ngòi, nguồn nước và tài nguyên. Đó không chỉ là cách chúng tôi tồn tại mà còn trở thành con người chúng tôi", Cheryl Maloney, nhà hoạt động và giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cape Breton, cho biết.
Bà Maloney là con gái của tù trưởng Reginald Maloney. Trước khi qua đời vào năm 2014, cha bà đã đấu tranh cho quyền đánh bắt cá của cộng đồng người bản địa và chứng kiến sự biến động sau phán quyết của tòa.
Từ năm 2000-2007, Canada chi 285 triệu USD cho việc cấp giấy phép đánh bắt cá thương mại, tàu đánh cá, thiết bị và đào tạo cho 32 cộng đồng người bản địa đã ký các thỏa thuận với chính phủ.
Song, thay vì thực hiện quyền của thổ dân theo hiệp ước, các thỏa thuận chỉ "giảm một phần nhỏ" của việc đánh bắt thương mại, giáo sư luật bản địa Naiomi Metallic, người giảng dạy tại Đại học Dalhousie, nói.
Chính phủ Canada cũng hứa thỏa thuận sẽ không thay thế các quyền của người bản địa trong hiệp ước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc thực hiện đầy đủ phán quyết của tòa đã bị đình trệ trong nhiều năm, bà Metallic nói.
Trong khi đó, DFO vẫn tiếp tục phạt tiền hoặc bắt giữ ngư dân bản địa đánh bắt trái vụ.
Bà Metallic chỉ ra rằng các cộng đồng người bản địa trong khu vực đã yêu cầu chính phủ thực hiện quyền của họ trong nhiều năm và Canada đã "chần chừ".
“Tôi không nghĩ truy tố người dân và để những người không phải thổ dân cắt bẫy và phá hủy tàu thuyền là cách giải quyết tình hình hiệu quả”, bà Metallic cho biết.