Mặt trời sẽ 'nuốt chửng' Trái đất?
Tàn tích của một hành tinh bị ngôi sao tiêu diệt giúp giới thiên văn hình dung rõ hơn số phận của địa cầu trong vài tỷ năm nữa.
Một nhóm chuyên gia tới từ Mỹ, Ba Lan và Tây Ban Nha vô tình phát hiện dấu vết của hành tinh mất tích khi theo dõi BD+48 740, một ngôi sao khổng lồ đỏ sắp chết, bằng kính thiên văn Hobby Eberly của Đài thiên văn McDonald tại bang Texas, Mỹ.
Kết quả phân tích quang phổ của BD+48 740 cho thấy nó chứa một lượng lớn lithium - một nguyên tố hiếm được tạo ra trong Vụ nổ Lớn - sự kiện khai sinh vũ trụ - từ 14 tỷ năm trước.
Lithium phân hủy nhanh chóng trong các ngôi sao. Vì thế việc một lượng lớn lithium tồn tại trong một ngôi sao già như BD+48 740 là hiện tượng rất bất thường.
"Các nhà thiên văn lý thuyết khẳng định lithium chỉ ra đời trong một số rất ít trường hợp đặc biệt, bao gồm Vụ nổ Lớn. Trong trường hợp của BD+48 740, rất có thể lithium ra đời khi một hành tinh lao vào ngôi sao và vật chất của hành tinh ấy bị nung nóng khi ngôi sao nuốt chửng chúng", Giáo sư Alexander Wolszczan, một nhà thiên văn của Đại học Pennsylvania tại Mỹ giải thích.
Nhiệt độ gần lõi của các sao khổng lồ đỏ tăng liên tục nên kích thước của chúng cũng tăng dần. Trong quá trình phình ra, chúng sẽ hủy diệt các hành tinh gần chúng.
"Có lẽ số phận tương tự đang chờ đợi những hành tinh trong Thái Dương Hệ, khi Mặt trời trở thành một ngôi sao khổng lồ đỏ và phình tới tận quỹ đạo của Trái đất trong 5 tỷ năm nữa", Wolszczan bình luận.
"Hành tinh mất tích" di chuyển xung quanh ngôi sao khổng lồ đỏ theo quỹ đạo hình elip có độ dẹt lớn. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nó có kích thước lớn hơn ít nhất 1,6 lần sao Mộc.
Andrzej Niedzielski, một nhà thiên văn của Đại học Nicolaus Copernicus tại Ba Lan, nói rằng quỹ đạo hình elip dẹt không phổ biến trong các hệ hành tinh xung quanh mọi ngôi sao.
"Quỹ đạo của hành tinh BD+48 740 là quỹ đạo có độ dẹt lớn nhất mà giới thiên văn từng phát hiện", Niedzielski phát biểu.
Do lực hấp dẫn giữa các hành tinh có thể tạo ra những quỹ đạo khác thường, Niedzielski và các đồng nghiệp đoán rằng hành tinh xấu số đã bị hút dần về phía ngôi sao nên khoảng cách giữa nó và ngôi sao thu hẹp rất nhanh. Do khoảng cách thu hẹp dần nên quỹ đạo của hành tinh có dạng elip cực dẹt.
Theo Xã Luận