Mặt trăng từng suýt bị nổ tung vì bom hạt nhân Mỹ
Nhằm khoe khoang lợi thế trước Liên Xô trong cuộc đua hạt nhân và vũ trụ đầu những năm 1950, Mỹ từng lên kế hoạch sử dụng bom nguyên tử để tấn công mặt trăng, vệ tinh duy nhất của trái đất.
Âm mưu trên nghe giống với một kế hoạch trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng nào đó nhưng trên thực tế, nó đã được lên kế hoạch thực hiện trong những năm 1950 của thế kỷ trước. Theo đó, ở đỉnh cao của cuộc đua không gian và hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, các nhà chức trách Washington cho rằng, bom hạt nhân Mỹ nổ trên mặt trăng sẽ khẳng định uy lực và sức mạnh của Mỹ trước đối thủ.
Mặt trăng suýt bị nổ tung vì bom hạt nhân Mỹ. |
Kế hoạch siêu tối mật có tựa đề “Học thuyết về những chuyến bay nghiên cứu mặt trăng” có biệt danh “Dự án A119” vừa được tiết lộ. Theo đó, một tên lửa mang bom hạt nhân loại nhỏ sẽ được phóng từ địa điểm bí mật, vượt qua 238.000 km trước khi va chạm và phát nổ trên bề mặt mặt trăng.
Những người lập kế hoạch khẳng định, thiết bị hạt nhân được sử dụng sẽ là bom nguyên tử bởi bom hydro quá nặng để đặt lên đầu tên lửa và bay tới mặt trăng. Trong khi đó, dựa vào những công nghệ chinh phục không gian mà Mỹ đang nghiên cứu và phát triển vào thời gian đó, kế hoạch thực hiện vụ tấn công hạt nhân lên mặt trăng sẽ được tiến hành vào năm 1959, trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa góp mặt trong quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, tính toán của nhà thiên văn học trẻ Carl Sagan cùng nhiều nhà khoa học khác khiến toàn bộ chương trình bị hoãn lại. Theo đó, vụ nổ hạt nhân trên bề mặt mặt trăng sẽ để lại không ít hậu quả khó lường bởi lượng lớn bụi nhiễm phóng xạ thoát ra có thể gây ảnh hưởng đến trái đất.
Thậm chí, nhiệm vụ sẽ trở thành đại họa cho chính người dân Mỹ hoặc những quốc gia khác trên thế giới trong trường hợp tên lửa mang bom hạt nhân không thể bay tới mặt trăng mà rơi thẳng xuống lãnh thổ Mỹ nếu xảy ra sự cố. Song song với đó là sự thiếu chắc chắn của hệ thống tên lửa phục vụ mục đích chinh phục không gian mà Mỹ và Liên Xô do đều đang ở thời kỳ đầu, khiến những quan ngại về sự cố xảy ra trong quá trình phóng hoàn toàn đáng lưu tâm.
Hồng Duy
Theo Infonet