Sáng 26/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VIII đã chính thức khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ mặt trận, chức sắc tôn giáo, dân tộc, kiều bào ở nước ngoài và đại biểu quốc tế đã tham dự.
Phải tự đổi mới mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, đại hội sẽ thảo luận và thông qua báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019; báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014 -2019.
Các đại biểu xem triển lãm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII. |
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với tình hình mới của thế giới và trong nước hiện nay đòi hỏi MTTQ Việt Nam phải tự đổi mới mạnh mẽ, xác định rõ mục tiêu và chương trình hành động, đáp ứng yêu cầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện sứ mệnh cao cả đã được xác định trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của các tầng lớp nhân dân.
Vì vậy, đại hội lần thứ VIII là đại hội tiếp nối mục tiêu phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Giám sát, phản biện có hiệu quả
Tham luận tại đại hội, ông Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, cho biết hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ. Trong đó, giám sát đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và trong một số văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của nhà nước; phản biện xã hội là hoạt động mới, được xác định trong văn kiện Đại hội X, XI của Đảng. Bộ Chính trị đã có Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành Quy chế giám sát và Phản biện xã hội.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: tham gia giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước; vận động nhân dân giám sát; tự mình giám sát.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, ông Bình cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như do hệ thống cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu; các quy định về hoạt động giám sát, phản biện còn nằm rải rác ở rất nhiều văn bản. Ở một số văn bản pháp luật khác tuy có quy định trách nhiệm giám sát của MTTQ nhưng chỉ chung chung.
Ông Bình kiến nghị cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể phát huy hiệu quả, nhất thiết phải có một hệ thống cơ chế đầy đủ, đủ mạnh; sớm có quy định trong luật về giám sát và phản biện xã hội để MTTQ thực hiện tốt chức năng này trong thực tế.
GS-TS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, nhấn mạnh: “Nếu trước đây MTTQ chủ yếu là nơi kêu gọi lòng yêu nước, tập hợp toàn dân trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ thì hôm nay không chỉ vậy vì còn có thêm chức năng giám sát, phản biện. Đây là địa vị pháp lý mới, công cụ hữu hiệu để đảm đương tốt hơn vai trò là người đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân”.
Ngày 27/9, đại hội công bố kết quả hiệp thương cử Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII; đọc lời kêu gọi của đại hội, thông qua Nghị quyết Đại hội. Đại hội bế mạc vào chiều cùng ngày.
Thống nhất cao về tư tưởng, hành động
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết 5 năm qua, MTTQ đã triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của MTTQ và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đóng góp quan trọng nhất là đã góp phần mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước; nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của MTTQ trong những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tổng Bí thư lưu ý MTTQ cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân.
GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam:
Phải có trình độ
Muốn ý kiến giám sát, phản biện có sức thuyết phục thì cán bộ phải có trình độ nhất định ở lĩnh vực cần giám sát để đưa ra ý kiến thuyết phục. Người tham gia giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải có kiến thức không chỉ về mặt quản lý, về mặt xã hội mà đòi hỏi kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ.
Ví dụ như Tổng hội Y học Việt Nam được giao nhiệm vụ giám sát hành nghề y tế tư nhân thì cũng cần phải hiểu y tế tư nhân là gì? Mục đích, chính sách của Chính phủ đối với y tế tư nhân, đặc thù của y tế tư nhân... Trên cơ sở đó mới có thể vạch ra được mục đích giám sát, nội dung giám sát, phương tiện giám sát, tổ chức giám sát.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Khóa VII:
Dân hưởng ứng nhiều, thành công nhiều
MTTQ phải huy động được sức mạnh của toàn dân. Bởi, nếu chỉ riêng cán bộ chuyên trách thì không làm được. Cái tài của MTTQ là tổ chức và phát huy sức mạnh của dân để dân giám sát và phản biện. Giám sát, phản biện của MTTQ là giám sát, phản biện của nhân dân. Dân hưởng ứng nhiều thì thành công nhiều, dân hưởng ứng hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn.
Ở đây, vấn đề chính là cán bộ MTTQ, nhất là cán bộ chuyên trách tổ chức nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, trên mọi lĩnh vực, đặc biệt những cán bộ, người cao tuổi có trình độ và từng kinh qua hoạt động đó.