Dalton School là một trong những trường tư thục cấp 3 danh giá nhất ở khu vực Manhattan của New York (Mỹ), vốn dành cho tầng lớp con nhà gia thế và giàu có, theo The Atlantic.
Theo Caitlin Flanagan, cây viết của The Atlantic kiêm tác giả sách, các ngôi trường tư đắt đỏ như Dalton School quy tụ những đứa trẻ "sinh ra ở vạch đích", có lợi thế về mọi mặt.
Đồng thời, nó cũng phơi bày mặt xấu của các vị phụ huynh lắm tiền - những nhà tài trợ chính cho trường.
Trường cấp 3 tư nhân Dalton School quy tụ những cậu ấm cô chiêu ở khu vực Manhattan (New York). |
Dễ dàng đặt chân vào đại học top đầu
Khi Jim Best, hiệu trưởng của Dalton School, thông báo rằng trường sẽ không tổ chức các lớp học trực tiếp vào mùa thu năm ngoái vì tình hình dịch bệnh, các cha mẹ không khỏi thất vọng, lo sợ con cái mình tụt lại phía sau.
Điều đáng nói, nhiều trường tư dành cho con cái tầng lớp thượng lưu ở Manhattan vẫn mở cửa trong thời gian đó.
Đến đầu tháng 10, những email thể hiện sự bức xúc bắt đầu được gửi đến hiệu trưởng. Một nhóm gồm 20 bác sĩ có con em học tại trường viết rằng họ "thất vọng và mong nhà trường suy nghĩ lại về mô hình học trực tuyến đang áp dụng".
"Vui lòng cho chúng tôi biết các điều kiện để lũ trẻ được quay lại lớp. Theo hiểu biết của chúng tôi, một số trường tư khác vẫn hoạt động như bình thường", bức thư viết.
Sau đó không lâu, hơn 70 phụ huynh khác ký đơn xin mở lại trường. "Lũ trẻ nhà tôi rất buồn, bối rối và cảm thấy cô đơn" là lý do nhóm cha mẹ đưa ra.
Đông học sinh trường tư đặt chân vào các đại học top đầu của Mỹ mỗi năm là điều không hiếm gặp. Tranh minh họa: WSJ. |
Sau khi tốt nghiệp, hiếm có trường hợp nào học sinh trong trường lại không đặt chân vào các đại học top đầu của Mỹ. Theo thống kê, số học sinh theo học tại trường tư chỉ chiếm 2% lượng học sinh ở xứ cờ hoa.
Nhưng có đến 24% số học sinh ghi danh vào Đại học Yale là học sinh trường tư. Tại Đại học Princeton, tỷ lệ là 25%. Tại Đại học Brown, tỷ lệ còn cao hơn: 29%. Tất cả đều là những ngôi trường thuộc hàng danh tiếng nhất thế giới.
Trong 5 năm qua, 1/3 học sinh tốt nghiệp ở Dalton School đặt chân vào các trường thuộc khối Ivy League.
Tiền đi đôi với quyền
"Tuy nhiên, những ngôi trường tư này vô tình truyền đi các giá trị của giai cấp thống trị, khi con cái nhà giàu được tạo điều kiện hết mức nhờ các khoản hỗ trợ tài chính hào phóng của cha mẹ", Caitlin đánh giá.
"Nhưng điều khiến những trường này thực sự trở nên lố bịch là sự khẳng định rằng họ là động cơ công bằng và thậm chí là 'tính toàn diện'. Một ngôi trường với học phí 50.000 USD/năm cũng chỉ là món đồ tiêu dùng đắt tiền đối với những người giàu có", Caitlin nói thêm.
Từng có kinh nghiệm giảng dạy tại trường tư dành cho tầng lớp ưu tú, Caitlin cho hay mình từng vướng vào rắc rối với phụ huynh. Một lần, một học sinh bị cô cho điểm A-. Ngay sau đó, mẹ của học sinh này đến trường và làm gay gắt mọi chuyện.
"Tôi giải thích rằng điểm này sẽ không làm hạ điểm trung bình của cậu bé, nhưng người mẹ không quan tâm", cô kể lại.
Trường tư đắt đỏ là nơi các bậc cha mẹ giàu có chi ra những khoản tiền hỗ trợ hào phóng. Ảnh: Gossip Girl. |
Năm học sau, câu chuyện lặp lại y hệt với cùng lý do tương tự. "Tôi biết tôi đã chấm điểm công bằng. Nhưng điều đó khiến các vị phụ huynh giàu có không vui".
Khi nói chuyện với các giáo viên trường tư thục ngày nay, bản thân cô không còn cảm thấy được ủng hộ. Ban giám hiệu làm nhiệm vụ xoa dịu phụ huynh nhưng hiếm khi hướng dẫn giáo viên về cách đối phó trong các tình huống khó xử.
"Không ai ở trường thông báo cho tôi biết rằng những phụ huynh này là nguồn tài trợ chính", Caitlin nói.
Coi giáo viên như nhân viên
Michael Thompson, tác giả cuốn sách Understanding Independent School Parents (Tạm dịch: Hiểu về phụ huynh của những học sinh trường tư), từng đề cập rằng các bậc cha mẹ có địa vị, quyền lực thường nói chuyện với thầy cô của con mình như cách họ giao tiếp với nhân viên cấp dưới.
"Mối quan hệ giữa phụ huynh trường tư và giáo viên dạy con cái họ ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Các nhà quản lý và giáo viên đang dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào nhu cầu, mối quan tâm của phụ huynh", Thompson viết trong phần giới thiệu.
15 năm sau, Thompson cho rằng vấn đề đang càng trở nên tồi tệ hơn.
Vào thời điểm con cái học cuối cấp, cha mẹ giàu có muốn giáo viên, huấn luyện viên và cố vấn học tập hoàn toàn tập trung vào việc giúp họ tạo ra một bảng điểm mà Đại học Harvard không thể từ chối. Ảnh: The Atlantic. |
"Vào thời điểm con cái học cuối cấp, cha mẹ giàu có muốn giáo viên, huấn luyện viên và cố vấn học tập hoàn toàn tập trung vào việc giúp họ tạo ra một bảng điểm mà Đại học Harvard không thể từ chối. Họ vốn được vây quanh bởi các nhân viên, những người họ giao việc mỗi ngày. Trong mắt họ, giáo viên là nhân viên dù không làm việc cho họ", Rober Evans, một nhà tâm lý học khác, bày tỏ.
"Nhiều người trong số các phụ huynh không thể buông bỏ nỗi sợ hãi rằng con cái họ sẽ bị bỏ lại phía sau", Evans nói.
Mặt khác, theo nhà tâm lý học này, các bậc cha mẹ giàu có làm mọi cách để con cái luôn thuộc top dẫn đầu còn vì bối cảnh xã hội, nền kinh tế nhiều biến động và lo sợ con họ sẽ phải chịu nhiều khó khăn hơn. Nỗi lo hưởng nền giáo dục tốt nhất vẫn không thể đảm bảo sự nghiệp rộng mở hiện hữu.
“Đây là một hệ thống siết chặt người nghèo, đào thải tầng lớp trung lưu và biến những đứa trẻ giàu có trở thành lớp thanh thiếu niên kiệt sức, lo lắng và căng thẳng tột độ, những người tin rằng tương lai của họ phụ thuộc vào việc lọt vào nhóm rất nhỏ được các trường đại học top đầu chấp thuận", Daniel Markovits, giáo sư tại trường Luật Yale, đánh giá.