Dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm nay có lẽ đã tái hiện lại bức tranh kham khổ của người dân Mỹ thời Đại suy thoái năm 1937. Đó là hình ảnh từng chiếc xe nối đuôi nhau hàng cây số trước các cửa tiệm tạp hóa, hàng nghìn công nhân rồng rắn xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp, người thuê nhà và doanh nghiệp ra sức nài nỉ chủ nợ khất hoãn một vài tháng, hay cảnh tượng tuyệt vọng bên ngoài mỗi phòng khám hay bệnh viện khi người dân mòn mỏi trông chờ được xét nghiệm trong đêm…
Nước Mỹ đã bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, song những cảnh tượng kể trên không khác là bao so với hình ảnh dòng người mệt mỏi xếp hàng chờ cứu trợ năm 1937. Một nền kinh tế vốn được tôn vinh với nhiều thành tựu kỷ lục - giờ đây đã bị cơn bão Covid-19 không hề hào nhoáng như chúng ta từng tưởng.
Hình ảnh tương phản về cuộc sống ở nước Mỹ - người dân xếp hàng chờ trực nhận cứu trợ, trong khi phía sau lưng họ là 2 câu khẩu hiệu hùng hồn của nước Mỹ như "Đất nước có lối sống cao cấp nhất thế giới", hay "Không phong cách nào sánh được với nước Mỹ". Ảnh: Getty Images. |
Một bài đăng trên tờ New York Times đã bày tỏ quan điểm về một số lỗ hổng phía sau lớp sơn hào nhoáng của nền kinh tế nước Mỹ.
Tính đến ngày 16/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 5,2 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người mất việc trên toàn nước Mỹ lên 22 triệu người chỉ trong vòng 1 tháng - con số này thậm chí tương đương với tổng số việc làm mới trong 10 năm gần nhất.
"Nước Mỹ đã xây dựng một nền kinh tế không có khả năng hấp thụ được các cú sốc", tờ báo dẫn bình luận của Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel. "Hệ thống mà chúng ta tạo ra có vẻ tối đa hóa lợi nhuận song lại có rủi ro cao và khả năng phục hồi thấp hơn", chuyên gia nhận định.
Thực tế, kinh tế Mỹ vốn đã trong trạng thái phân cực từ trước khi dịch bệnh bùng phát, nổi bật như tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỷ, thị trường chứng khoán tăng vọt và quãng thời gian tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian dài.
Bất chấp thành tựu ấn tượng trong tốc độ tăng trưởng GDP, tầng lớp lao động Mỹ vẫn phải vật lộn với những nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Thậm chí có thống kê cho biết 4 trong số 10 người trưởng thành tại nước này không có sẵn tiền dự phòng để trang trải cho khoản chi phí phát sinh bất thường.
Người vô gia cư tìm kiếm sự giúp đỡ từ kho cung cấp thực phẩm tại Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 3. Ảnh: Shutterstock. |
Ngay cả tầng lớp trung lưu cũng đối mặt với nhiều khó khăn liên quan nguồn tài chính bất ổn và triển vọng của con cái họ. Kể từ khi cuộc Đại suy thoái kết thúc, nền kinh tế đã mang về khối tài sản khổng lồ cho nhiều người, song chỉ phần nhỏ trong số đó được phân bổ tới tầng lớp lao động.
Theo một nghiên cứu của McKinsey Global Institute vào năm 2019, thu nhập tiền lương và lợi ích ở khu vực tư nhân đã giảm 5,4 điểm phần trăm - tức giảm trung bình 3.000 USD/năm chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ.
"Đối với nhiều gia đình lao động cơ bản, tăng lương chưa thể giúp họ trang trải nhu cầu sống cơ bản”, New York Times trích một kết luận của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh Boston, Mỹ hồi cuối năm 2019.
Theo tổ chức Peterson-Kaiser Health System Tracker, nhân viên ở một số công ty lớn cho biết khoản phí chăm sóc sức khỏe tăng gấp đôi so với tiền lương mà họ được hưởng trong suốt 10 năm qua.
Chi phí thuê nhà cũng tăng khi có tới hàng triệu người dân dành hơn một nửa thu nhập cho việc ăn ở. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình là 1/3 thu nhập.
Một cuộc khảo sát gần đây của SurveyMonkey và Apartment List cho biết có tới 25% người thuê nhà tại Mỹ chỉ đủ khả năng chi trả một phần, thậm chí không thể chịu được phí thuê nhà trong tháng này. Một phần tư người thuê nhà chỉ trả một phần hoặc không thể trả nổi trong tháng này.
"Khi suy thoái diễn ra, thu nhập giảm sút khiến nhiều gia đình thu hẹp diện tích thuê hoặc chuyển đến ở cùng nhau để san sẻ chi phí thuê nhà. Nhưng chúng ta đang trong lệnh ‘giãn cách xã hội’, ông Igor Popov, nhà kinh tế trưởng tại Apartment List, đánh giá.
Hình ảnh bãi đỗ xe đông nghịt trước điểm phân phối thực phẩm ở San Antonio (Mỹ) vào tuần trước. Ảnh: Associated Press. |
Trong một báo cáo về tác động kinh tế của đại dịch, chi nhánh của FED tại Richmond đã cảnh báo rằng đối tượng làm công ăn lương có thu nhập thấp, không ổn định là những người dễ bị tổn thương nhất, và cũng gánh nhiều khó khăn nhất khi suy thoái xảy ra.
"Có rất nhiều người Mỹ bị đẩy ra rìa bởi dịch Covid-19. Chúng ta là quốc gia tiên tiến duy nhất vẫn tồn tại tình trạng này khi không có mạng lưới an sinh nâng đỡ họ", nhà kinh tế đạt giải Nobel khẳng định.
Sự phát triển vượt bậc trong công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa được cho là một phần nguyên nhân tạo ra bất ổn kinh tế cho người lao động. Ngoài ra, nhà kinh tế Stiglitz còn đề cập tới suy nghĩ ngắn hạn phổ biến ở các công ty Mỹ.
Theo ông, các hãng hàng không - đối tượng đang được nhận hỗ trợ độc quyền từ chính phủ - đã sử dụng hàng tỷ USD lợi nhuận để mua lại cổ phiếu của chính mình. Mà đáng lẽ ra, họ nên đầu tư vào nhân viên, tăng cường năng lực sản xuất hoặc làm chi phí dự phòng.
Chỉ riêng trong năm 2018, nhóm doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã rót tới 806 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính họ với giá bùng nổ nhằm kiếm lời nhanh chóng. Đến khi dịch bệnh bùng phát, không ít công ty lập tức sa thải nhân viên và cắt quyền lợi bảo hiểm y tế của họ.