Những nhà nghiên cứu khoa học và các nhà sản xuất thuốc đang nỗ lực từng ngày để tìm ra vaccine phòng chống chủng virus nCoV. Đây là một quá trình dài và sẽ rất tốn kém, theo Business Insider.
Giống với quá trình phát triển vaccine cho các bệnh dịch trước, vaccine chống 2010-nCoV cũng sẽ gặp những trở ngại tương tự. Việc tạo ra một loại vaccine mới phải mất vài năm nghiên cứu, thử nghiệm trước khi được ứng dụng cho cộng đồng.
Một kỹ thuật viên làm việc phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học tại bệnh viện Charité, Berlin (Đức). Đây là một trong những phòng thí nghiệm đang phát triển vaccine chống virus corona. Ảnh: Getty. |
Theo chia sẻ của các chuyên gia về dịch tễ trên Business Insider, điều đó có nghĩa là trong đại dịch lần này, những loại vaccine sẽ có vai trò rất hạn chế trong việc trực tiếp ngăn dịch bệnh lây lan.
Phát triển vaccine vừa lâu, vừa đắt đỏ
Cả thế giới kỳ vọng một loại vaccine chống virus corona sẽ sớm được tung ra thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định phát triển, thử nghiệm và đánh giá một loại vaccine mới là rất tốn thời gian - hàng tháng, thậm chí hàng năm - và vô cùng tốn kém.
Nếu nhìn từ các dịch bệnh trong quá khứ, có thể thấy vaccine đóng vai trò rất nhỏ trong thời gian dịch bùng phát. Các hãng dược mất hơn một năm để tạo ra vaccine chống SARS, loại virus nguy hiểm xuất hiện từ tháng 11/2002 và giết gần 800 người trên phạm vi toàn cầu.
Khi vaccine SARS chuẩn bị được đưa thử nghiệm trên người, cộng đồng quốc tế đã khống chế thành công đại dịch. Từ năm 2004 đến nay, chưa có thêm ca nhiễm SARS nào được ghi nhận.
Trong lúc chờ vaccine, mọi người buộc phải tự bảo vệ bằng các biện pháp như rửa tay hay sát trùng tay thường xuyên. Ảnh: AP. |
Tương tự, với dịch MERS năm 2012, các loại vaccine được phát triển còn chưa kết thúc giai đoạn thử nghiệm thì dịch đã dần kết thúc. Đối với dịch Ebola, các loại vaccine được nghiên cứu từ năm 2014, và khi dịch bệnh bùng phát năm 2018 thì phải tới cuối năm 2019 loại vaccine đầu tiên mới được cấp phép tiêm cho người.
“Mọi người thức dậy và nói rằng chúng tôi sẽ tiêm vaccine cho họ trong vòng 1 tháng, điều đó là không chính xác. Điều đó sẽ không xảy ra ở Mỹ”, tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic cho biết
Poland, chuyên gia phát triển và nghiên cứu vaccine, cho rằng sẽ mất khoảng 1 tỷ USD để tạo ra loại vaccine chữa bệnh và phòng ngừa virus corona được chính phủ Mỹ chấp thuận. Ngoài ra, có thể sẽ phải mất nhiều năm và nhiều giai đoạn thử nghiệm về tính an toàn, độ hiệu quả trên người trước khi vaccine được ban hành.
Nhiều học giả đã có những cuộc tranh luận để nhằm mục giảm thiểu chi phí nghiên cứu và phát triển cho vaccine. Họ ước tính rằng chi phí sẽ dao động từ khoảng 200 triệu USD đến 1,5 tỷ USD. Dù là bao nhiêu thì đây vẫn là một nỗ lực rất tốn kém.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng khi vaccine được cấp phép sử dụng thì dịch bệnh có thể đã bớt nghiêm trọng. Ảnh: NYT. |
Đắt đỏ là vậy, nhưng các nhà khoa học vẫn phải đẩy mạnh nghiên cứu trong bối cảnh đại dịch do virus corona gây ra đang hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Trước mắt, các nhà khoa học đang xem xét sử dụng các loại thuốc được phê chuẩn để chữa HIV và viêm gan cho mục đích ngăn chặn virus corona.
Vài năm nữa mới có vaccine thì để làm gì?
"Tôi sẽ rất vui mừng và hạnh phúc nếu như tôi sai, nhưng thực sự trong lúc này, tôi chẳng thấy cách nào có thể tạo ra vaccine khống chế được đại dịch", Derek Lowe, tác giả của blog In The Pipeline, người có hơn 30 năm trong ngành dược cho biết.
Tiến sĩ Standley Plotkin, giáo sư tại Đại học Pennsylvania cũng cho rằng phải mất ít nhất 2 năm một loại vaccine dành cho virus 2019-nCoV mới có thể hoàn thiện và áp dụng cho cộng đồng.
Nếu không trực tiếp ngăn ngừa đại dịch, vaccine sẽ có vai trò gì? Thực tế là mọi loại vaccine đều được tạo ra với mục tiêu phòng bệnh lâu dài, với tầm nhìn hàng chục năm. Đây đã là lần thứ 3 mà các chủng virus corona gây ra đại dịch trong vòng 20 năm. Các chuyên gia tin chắc rằng đây không phải là lần cuối.
"Sẽ thật ngớ ngẩn nếu nghĩ một đại dịch như vậy không xảy ra lần nữa. Lịch sử cho thấy chắc chắn sẽ lại có một dịch bệnh tương tự", ông Poland chia sẻ.
Theo chuyên gia này, dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra có thể phát triển theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là giống SARS, khi nó bùng nổ trong một khoảng thời gian ngắn và tự động biến mất. Hướng thứ hai, tệ hơn, dịch bệnh có thể trở thành đại dịch toàn cầu với thiệt hại rất lớn.
Những nỗ lực phát triển vaccine cho chủng 2019-nCoV còn có thể giúp ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Ảnh: Reuters. |
Đây là lý do những nỗ lực, tiền của đang đổ vào để phát triển vaccine cho 2019-nCoV không phải là sự phí phạm. Thế giới từng chứng kiến các dịch SARS, MERS hay Zika bùng phát, để rồi sau đó mọi nỗ lực phát triển thuốc gần như bị bỏ đi khi dịch được kiểm soát.
"Vấn đề của những loại vaccine mới là chúng ta nghe tin về dịch bệnh thường xuyên. Nó trở thành vấn đề lớn, và các chính phủ đổ tiền vào nghiên cứu thuốc. Khi dịch bệnh không còn là tin nóng, những nỗ lực cũng biến mất", ông Poland nhận xét.
Elena Maria Bottazzi, Giám đốc trung tâm phát triển Vaccine của bệnh viện nhi Texas từng nằm trong một nhóm nghiên cứu vaccine cho dịch SARS. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các chi phí nghiên cứu cũng không được hỗ trợ nữa và việc phát triển vaccine buộc phải ngừng lại. Bà cho rằng nếu vaccine SARS vẫn được phát triển, thế giới đã có thể chuẩn bị tốt hơn cho dịch 2019-nCoV.
"Chúng ta đã trải qua ít nhất 3 đại dịch có nhiều điểm giống nhau - SARS, MERS và dịch này nữa. Tôi hi vọng lần này cộng đồng y học đã ghi nhớ bài học của các dịch trước: đừng để các nỗ lực bị ngừng lại giữa chừng", bà Bottazzi chia sẻ.