Đinh tai, nhức óc
Ông Lê Tấn An, một hộ dân sống tại khu vực này, than thở: “Buổi trưa từ 11h đến 13h, mật độ các xe container tăng cao, khi qua đoạn có gờ giảm tốc thì tiếng động cứ ầm ầm như sấm chớp. Buổi tối từ 22h kéo dài đến sáng, ồn hơn cả ban ngày. Mấy đứa con của tôi cứ lăn qua, trở lại do ngủ không được”.
Để chứng minh, ông An hướng dẫn chúng tôi áp tai sát nền nhà, mặt giường để nghe rõ mức độ ảnh hưởng của âm thanh khi xe chạy qua gờ giảm tốc. Quả thật, từ Quốc lộ 1K đến vị trí nhà ông An cách nhau gần 40 m nhưng vẫn nghe tiếng rần rần, kèm theo rung chấn nhẹ.
Người dân sống trên Quốc lộ 1K (quận Thủ Đức, TP HCM) ngày đêm mất ngủ vì gờ giảm tốc. |
Cạnh đó là nhà bà Cao Thị Dung, 2 vách tường đã bị nứt do xe tải chạy qua gờ giảm tốc gây ảnh hưởng đến. “Khó chịu nhất là những chiếc xe thùng rỗng phát ra âm thanh đinh tai, nhức óc” - bà Dung nói.
Tương tự, đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), đoạn từ cầu Bình Triệu đến đường Nguyễn Xí, có 10 gờ giảm tốc với độ cao gần 10 mm. Những hộ dân nơi đây cảm thấy khá mệt mỏi khi chịu không nổi cảnh ồn ào như bị tra tấn. Đặc biệt vào giờ cao điểm, các xe khách ra vào Bến xe Miền Đông tấp nập khiến độ ồn tăng lên khủng khiếp. Ước tính, khu vực này có 4 căn nhà bị nứt tường do độ rung của nền đường.
Mạnh ai nấy làm
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc lắp đặt gờ giảm tốc tại một số tuyến đường, hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn chưa có tiêu chuẩn độ cao, rộng và khoảng cách cụ thể. Tùy thuộc vào từng khu vực, tuyến đường mà đơn vị quản lý có thể lắp đặt khoảng cách, độ cao khác nhau.
Mục đích của việc lắp đặt gờ giảm tốc nhằm hạn chế tốc độ của các phương tiện, nhất là khu vực đông dân cư để bảo đảm an toàn giao thông. Tuy vậy, với việc lắp đặt các gờ giảm tốc quá cao ở một số tuyến đường khi có phương tiện, nhất là xe trọng tải lớn đi qua, sẽ gây tiếng ồn và có thể tạo độ rung ảnh hưởng đến nhà dân.
Tường nhà bà Cao Thị Dung bị nứt vì rung chấn khi xe tải qua gờ giảm tốc. |
“Ở một số nước trên thế giới, tại các khu vực đường lớn thường xuyên có xe trọng tải lớn lưu thông, họ cũng xây hoặc lắp gờ giảm tốc nhưng để tránh việc gây ảnh hưởng đến nhà dân thì đào hào hoặc có hệ thống chân tường. Ngoài ra, đường của họ chất lượng cao và tài xế có ý thức hơn trong việc điều khiển xe với tốc độ phù hợp nên độ rung không lớn. Đó là chưa kể địa chất của TP HCM rất yếu nên độ rung ở các khu vực có gờ giảm tốc càng cao” - TS Sanh nói.
TS Sanh cho rằng Bộ GTVT nên nghiên cứu kỹ mật độ, chiều cao, chiều rộng và khoảng cách của các gờ giảm tốc để tránh việc gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. “Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, hiện lắp đặt gờ giảm tốc quá nhiều, mạnh ai nấy làm nên rất khó quản lý” - TS Sanh nhận định.
Theo Sở GTVT TP HCM, việc lắp đặt gờ giảm tốc trên đường Đinh Bộ Lĩnh là vì trước đây thường có đua xe và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. Trước khi lắp, cơ quan này đã nghiên cứu kỹ và tiến hành đắp sơn các cụm gờ giảm tốc với độ dày 6 mm. Từ khi lắp gờ giảm tốc, ở đây không còn xảy ra tai nạn.
“Tuy nhiên, cũng có một số người dân phản ánh về việc gây tiếng ồn nên chúng tôi đang theo dõi” - đại diện Sở GTVT TP cho biết.
Nhắc nhở tài xế hạ ga
Anh Nguyễn Anh Hùng, nhà trên Quốc lộ 1K (quận Thủ Đức), đề xuất: “Chúng tôi không thể chịu nổi tiếng ồn như thế này, chỉ mong cơ quan chức năng tháo bỏ hoặc dùng biện pháp khác như gắn biển cảnh báo, bố trí lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra”.
Đại diện Sở GTVT cho biết trên Quốc lộ 1K, đoạn qua địa bàn TP HCM, trong năm 2014 đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết. Năm 2013, xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông. Việc lắp đặt gờ giảm tốc đã phần nào nhắc nhở tài xế hạ ga, tránh những tai nạn đáng tiếc.