Mặt nạ silicone giúp thay hình đổi dạng
Chỉ cần vài trăm tệ là có thể sở hữu một khuôn mặt hoàn toàn khác với chiếc mặt nạ silicone xuất xứ Trung Quốc.
Trong phim ảnh và tiểu thuyết võ hiệp thường xuyên xuất hiện ảo thuật biến hình hoặc hóa trang khuôn mặt đỉnh cao. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, giờ thì điều đó đã không còn là thần bí.
Gần đây, trên một trang web chuyên bán hàng trên mạng của Trung Quốc đang rao bán rầm rộ loại mặt nạ silicone giống hệt mặt người. Loại mặt nạ này còn có khả năng đã tiếp tay cho tội phạm khi trở thành công cụ biến hình hữu ích.
500 tệ là có thể 'biến hình'?
Để tìm hiểu loại hàng độc này, phóng viên đã đích thân truy cập vào trang web rao bán mặt nạ silicone. Chỉ cần đánh từ khóa liên quan đến sản phẩm là lập tức sẽ hiện lên hơn 400 thông tin liên quan đến loại mặt nạ này, thậm chí còn có cả hình ảnh minh họa rất bắt mắt.
Thông qua phần giới thiệu sản phẩm trên mạng, khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin về loại sản phẩm này: giá cả từ 500 tệ đến 99.999 tệ (khoảng trên 1,6 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng), độ dày từ 0,1 đến 4 mm, trọng lượng không quá 250 gam, nguyên liệu chính là silicone, màu da người và những nếp nhăn giống y như thật. Trên mặt nạ chỉ cấy thêm lông mày, còn nếu muốn cấy thêm râu thì phải mất thêm từ 50 đến 100 tệ.
Loại mặt nạ này có thể sử dụng trên một năm, nếu như dùng kết hợp với loại keo chuyên dụng thì càng thêm chân thực. Những shop “buôn may bán đắt” mỗi tháng có thể tiêu thụ trên 20 cái. Một chủ shop chào hàng trên mạng: “Rất linh nghiệm, đây chính là nghệ thuật biến hình trong truyền thuyết, mới mua về nó sẽ có chút mùi nhưng chỉ cần đặt ở nơi thông gió hai ba ngày là sẽ bay hết mùi hơi khó ngửi đó”.
Khách hàng lo lắng, chủ shop trấn an
Nhiều khách hàng biết về thông tin sản phẩm mặt nạ mặt người silicone này đều tỏ ra lo lắng: “Chỉ cần khoảng 500 tệ là có thể mua được mặt nạ mặt người giống y như thật, quả là đáng sợ! Chị em phụ nữ phải đặc biệt lưu ý”, “Vừa thấy sợ vừa ngạc nhiên, không biết chừng người ta mua về đeo vào rồi đi phạm tội thì sao”…
Khi phóng viên đem những thắc mắc của người tiêu dùng hỏi một chủ shop bán mặt nạ mặt người silicone này thì được anh ta trấn an: “Loại mặt nạ này chỉ phù hợp với hóa trang giải trí, cosplay, vũ hội hóa trang, đóng phim mà thôi”. Nhưng khi phóng viên chỉ rõ những bức ảnh minh họa trên trang web và nêu ra một vài dẫn chứng tội phạm dùng mặt nạ silicone để cướp giật hoặc qua mặt cơ quan hải quan thì anh ta chống chế: “Thế mới biết được chất lượng hàng chúng tôi bán như thế nào. Rất mỏng, màu sắc y như da thật, còn có cả nếp nhăn trên da trông rất tự nhiên. Nhưng thực tế là khi bán hàng, chúng tôi cũng đều chú thích rõ ràng sản phẩm nghiêm cấm dùng trong hoạt động phạm pháp, nếu không hậu quả tự chịu”. Nghe ra thì chẳng khác gì cảnh cáo “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” vẫn thường in cho phải phép trên các bao thuốc lá bán tràn lan trên thị trường.
Quan điểm của nhà chức trách
Luật sư Hồ Thành Viễn thuộc văn phòng luật sư Thiên Cửu cho biết, hiện nay luật pháp vẫn còn bỏ ngỏ chưa đề cập đến việc cấm buôn bán mặt hàng này. Ông cho rằng chỉ cần pháp luật không cấm thì việc buôn bán mặt nạ silicone là không phạm pháp. Trong khi đó, một nhân viên của cục quản lý công thương cho rằng do không nằm trong danh sách mặt hàng cấm nên không thể tùy tiện thắt chặt quản lý với mặt hàng này.
Một cán bộ của đội cảnh sát hình sự cho biết, thực tế mặt nạ silicone cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc phá án, vì thủ đoạn phạm tội của các băng nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, nhưng trên thực tế tội phạm khi gây án thường để lại dấu vết, và đây mới chính là chứng cứ để truy bắt tội phạm.
TIGÔN
Theo Huanqiu/Bưu Điện Việt Nam