Cuối cùng, sau những cuộc khẩu chiến giữa 2 nữ diễn viên Tina Tình và Dương Cẩm Lynh, bộ phim Mặt nạ máu (đạo diễn Đỗ Thành An) rậm rịch chuẩn bị ra rạp.
Vào năm 2014, nhà làm phim thuộc thế hệ 7X Đỗ Thành An chào sân điện ảnh với tác phẩm kinh dị Mất xác. Bộ phim sau khi ra rạp đã hứng chịu vô số phản hồi tiêu cực với hai lý do: “ăn theo” vụ án đau lòng tại thẩm mỹ viện Cát Tường, và kịch bản phim quá yếu kém.
Sau hai năm, Mặt nạ máu được mong chờ như tác phẩm “chuộc lỗi” của Đỗ Thành An. Phim sở hữu dàn gương mặt có tiếng, cùng cốt truyện gây tò mò dựa trên cuốn tự truyện của Tinna Tình - nữ diễn viên cũng tham gia dự án. Song, thêm một lần nữa, người xem lại cảm thấy thất vọng.
Mặt nạ máu cho thấy sự tiến bộ nhất định của đạo diễn Đỗ Thành An. Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ để tạo ra một tác phẩm hay. |
Nhân vật chính trong Mặt nạ máu là Khiết Đan (Dương Cẩm Lynh) - một ca sĩ phòng trà, đồng thời là tình nhân bí mật của đại gia Nguyễn (Nguyễn Phi Hùng). Khi mối tình vụng trộm mang đến quá nhiều tai tiếng, cô quyết định cắt đứt với Nguyễn, tự thân nuôi đứa con riêng của hai người.
Một đêm nọ, vợ của Nguyễn là Thu (Tinna Tình) đến trước cửa nhà Khiết Đan, thông báo hung tin rằng chồng mình mới qua đời vì đột quỵ. Cùng với bầu sô Cát Lơ (Thu Trang), hầu gái Sen (Khởi My), lái xe Cu Lì (Tấn Beo) và stylist Thiêng (Hoài Linh), cô ca sĩ quyết định tới khu biệt thự của bà Thu ở trên Đà Lạt để nhìn mặt người mình yêu lần cuối.
Song, tại vùng đất hoang vu ấy, họ phải đối mặt với hàng loạt sự kiện khó có thể giải thích, cũng như một âm mưu trả thù vô cùng thâm độc và khó lường.
Công bằng mà nói, Mặt nạ máu có phần đáng khen khi kịch bản phim nhuốm màu sắc kinh dị thực sự. Thời gian qua, nhiều bộ phim cùng thể loại của điện ảnh Việt thực chất là “hài đội lốt”, tập trung chọc cười khán giả nhiều hơn là gây sợ hãi.
Phim có một số phân đoạn kinh dị được thực hiện khá tốt, tạo ra cảm giác rùng rợn cho người xem. |
Với Mặt nạ máu, phim có những khoảnh khắc đáng sợ thực sự, một số trường đoạn cao trào có thể khiến khán giả đứng tim khi theo dõi. Hai chi tiết quen thuộc trong phim kinh dị là “búp bê” và “cầu cơ” được sử dụng mà không hề tạo ra cảm giác nhàm chán
Ở mảng diễn xuất, không quá ngạc nhiên khi vai diễn “chiếm màn ảnh” thuộc về Hoài Linh. Sau Thái Hòa trong Lấy chồng người ta, đến lượt Hoài Linh từ chỗ là diễn viên hài chuyển sang sắm vai phản diện nghiêm túc, có nội tâm phức tạp.
Nhân vật Thiêng do anh thể hiện có nhiều biến chuyển bất ngờ xuyên suốt bộ phim. Màn “giả gái” sở trường của người nghệ sĩ lần này tạo cho người xem cảm giác rùng rợn thay vì hài hước. Đáng tiếc là về cuối phim, nhân vật bỗng có những phát triển phi logic, bị khắc họa quá sơ sài.
Bí mật về nhân vật của Hoài Linh vô tình bị tiết lộ ngay từ trailer, khiến cho Mặt nạ máu mất đi yếu tố bất ngờ. |
Chưa kể, điều bất ngờ về Thiêng đã được tiết lộ ngay từ khâu quảng bá phim, cướp đi yếu tố bất ngờ của khán giả nay theo dõi Mặt nạ máu. Đây thực sự là một điều rất đáng tiếc và đáng trách đối với đội ngũ sản xuất bộ phim.
Cũng chính sự nổi bật của Hoài Linh mà các đồng nghiệp trong phim của anh bị lu mờ. Cụ thể là vai chính Khiết Đan quá sáo rỗng, rập khuôn của Dương Cẩm Lynh .
Những triết lý nhân văn xoay quanh nhân vật cũ kỹ, mang nặng tính giáo điều. Trong phim, cô được mặc định là người tốt, nên Khiết Đan quá “một màu” và nhiều lần khiến người ta ngao ngán bởi sự yếu đuối và thiếu quyết đoán.
Khiết Đan được xây dựng rất tẻ nhạt và diễn xuất còn hạn chế của Dương Cẩm Lynh càng khiến cho nhân vật chính trở nên đáng quên. |
Vai Thu của Tinna Tình gây ấn tượng ban đầu bởi tạo hình ma mị. Nhưng diễn xuất khô cứng trong vai diễn mà theo cô mới chia sẻ là bị cắt đi quá nhiều, cũng mau chóng khiến điểm cộng ban đầu mất đi.
Ba vai phụ được bổ sung với mục đích gây cười của Thu Trang, Tấn Beo và Khởi My thì quá vô duyên, phá hỏng sự nghiêm túc cần thiết của mạch truyện và cũng chẳng góp phần đưa đẩy diễn biến nội dung. Đồng ý là một bộ phim kinh dị cần chút gia vị hài hước để gia giảm sự căng thẳng cho người xem. Nhưng ở trường hợp của Mặt nạ máu, nó dường như đã bị lạm dụng hơi quá đà.
Một vấn đề “gai mắt” khác của Mặt nạ máu nằm ở phần bối cảnh. Cố gắng xây dựng mốc thời gian là giữa thập niên 1990 với điện thoại “cục gạch”, màn hình TV lồi và những bộ phục trang đặc trưng, nhưng lối hành xử của các nhân vật lại quá hiện đại.
Chưa kể, ngôn ngữ tiếng lóng được sử dụng trong phim cũng chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây, như “chế”, “chụy”, “bánh bèo”…
Gia vị hài hước trong Mặt nạ máu bị lạm dụng quá đà và không có đóng góp gì nhiều cho diễn biến câu chuyện. |
Với riêng cá nhân Đỗ Thành An, từ Mất xác đến Mặt nạ máu là một sự tiến bộ đáng ghi nhận. Nhưng bộ phim mới của anh vẫn chưa thể được coi là thuyết phục. Hoài Linh quả đáng khen khi dũng cảm thay đổi hình tượng thân thiện thường thấy, nhưng chỉ mình anh thôi cũng không thể cứu vãn toàn bộ tác phẩm.
Có thể xem Mặt nạ máu như một món ăn đến từ nhiều nguồn nguyên liệu ngon lành, nhưng khi thông qua chế biến lại trở nên sống sượng, khó nuốt.
Mặt nạ máu khởi chiếu trên toàn quốc từ 24/6.
Zing.vn đánh giá: 2/5