Từ khi các hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên smartphone như FaceID của Apple ra đời, nhiều công ty bảo mật đã tìm cách vượt qua chúng. Hầu hết đều cố tạo ra mặt nạ với những chi tiết đủ để đánh lừa các cảm biến. Tuy nhiên, việc đánh lừa hệ thống nhận khuôn mặt sẽ khó hơn nhiều khi chúng được tích hợp khả năng nhận biết làn da là da thật hay chỉ là ảnh, hình nộm hoặc mặt nạ cao su.
Công nghệ mới cho phép nhận biết khuôn mặt được đưa ra trước camera có phải là mặt người thật hay mặt nạ. Ảnh: Cnet. |
Trinamix, một công ty con của công ty hóa chất Đức BASF SE đã hợp tác với Qualcomm để đưa các thuật toán vào công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D trên điện thoại trong tương lai. Công nghệ này sử dụng các cảm biến máy chiếu và máy chiếu hồng ngoại hiện có, cùng một số thuật toán mới.
Phát hiện da thật (da sống) nghe có vẻ đáng sợ nhưng đó là ý tưởng thực tế cho hình thức xác minh bổ sung trước khi hoàn thành quét khuôn mặt. Các cảm biến Face ID trên các điện thoại như iPhone 11 và Google Pixel 4 sử dụng tổ hợp 3D các chấm hồng ngoại để bảo mật và trong một số trường hợp cũng bao gồm cả ảnh 2D.
Theo nhà sáng lập kiêm CEO của Trinamix, ông Ingmar Bruder cho biết công nghệ này sẽ kiểm tra tán xạ ngược trên tia hồng ngoại phản xạ và có thể xác định xem khuôn mặt có phải là làn da thật hay không. Làn da chết, hoặc làn da giả sẽ cho kết quả tán xạ khác hoàn toàn.
Phóng viên Scott Stein của Cnet đã có buổi thử nghiệm bản demo công nghệ này tại một khách sạn ở Manhattan. Một vài khối màu xanh lá và mặt nạ cao su người được đặt trước một loạt các máy ảnh. Một camera được kết nối với laptop, trong khi camera còn lại trên điện thoại LG. Hộp kiểm tra “da thực” của ứng dụng không kích hoạt khi đặt mặt nạ cao su trước camera. Tuy nhiên khuôn mặt của Scott và CEO Bruder đã vượt qua bài kiểm tra của ứng dụng.
Khi khuôn mặt thật được đưa ra trước camera, hệ thống có thể nhận biết được và cho phép tiếp tục mở khóa với khuôn mặt. Ảnh: Cnet. |
Trên bản demo ở laptop, các thuật toán thậm chí còn phân biệt được sự khác biệt giữa các chất liệu từ tán xạ ngược điểm IR của camera. Từ đó Trinamix sẽ điều chỉnh thuật toán để phân biệt thêm các chất liệu khác như gỗ, kim loại, cabin xe hơi, dây an toàn…so với làn da thực.
FaceID của Apple mới chỉ thu thập một tổ hợp các điểm tia hồng ngoại, nhưng công nghệ của Trinamix có thể nghiên cứu ánh sáng từ các tia hồng ngoại đó và đọc thêm cảm biến để phân biệt chất liệu. Quan trọng hơn, nó có thể được áp dụng cho bất kỳ điện thoại, laptop, hệ thống camera quét khuôn mặt 3D nào, sử dụng máy ảnh từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thậm chí nó còn hỗ trợ trên xe hơi nhằm phát hiện tài xế còn sống hay đã tử vong khi đang thắt dây an toàn hoặc hỗ trợ camera ở các nhà máy để tìm kiếm vật liệu. Công nghệ này còn có thể hỗ trợ các hệ thống AI nhận biết vật liệu tốt hơn.
Tuy nhiên theo ông Bruder, ở thời điểm này công ty sẽ chỉ cung cấp công nghệ trên điện thoại Android dùng chip Qualcomm và không làm việc với Apple.