Ở đảo Hải Nam, thiên đường hàng miễn thuế ở Trung Quốc, không khó để bắt gặp cảnh khách du lịch kiên nhẫn xếp hàng chờ hàng giờ đồng hồ để vào mua sắm tại cửa hàng của Gucci, Tiffany và các thương hiệu cao cấp khác.
“Tôi đang chuẩn bị lên danh sách mua sắm”, South China Morning Post dẫn lời Zeng Rong, 34 tuổi, một chuyên viên kiểm toán tại Bắc Kinh, chia sẻ về chuyến du lịch tới Hải Nam sắp tới của mình. “Tôi muốn mua một chiếc túi Bottega Veneta, áo khoác dài và áo phao của Moncler để chuẩn bị cho mùa đông”.
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 khiến người dân tại hầu hết quốc gia trên thế giới thắt chặt chi tiêu cho hàng cao cấp, Trung Quốc là thị trường duy nhất được dự báo có tăng trưởng trong năm nay. Các thương hiệu cao cấp giờ đây phụ thuộc hơn bao giờ hết vào những khách hàng Trung Quốc như Zeng.
Dòng người xếp hàng trước của hàng của Gucci tại một trung tâm mua sắm miễn thuế tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhu cầu tăng vọt
Hoạt động mua sắm nhộn nhịp tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc khiến các thương hiệu cao cấp lớn ồ ạt đầu tư vào thị trường này với việc triển khai bán hàng trực tuyến và mở cửa hàng mới, đồng thời hoãn hoặc hủy kế hoạch tại những thị trường khác như châu Âu.
Các sự kiện cao cấp cũng bắt đầu nở rộ trở lại tại Trung Quốc. Hồi tháng 8, nhà thiết kế trang phục nam của Louis Vuitton Virgil Abloh tổ chức một buổi trình diễn thời trang xuân hè tại Thượng Hải. Tuần trước, Prada cũng tổ chức một buổi giới thiệu bộ sưu tập mới tại đây.
Thượng Hải đang dần thay thế Hong Kong trở thành thiên đường mua sắm yêu thích của khách du lịch nội địa Trung Quốc. Vài tháng gần đây, chi tiêu hàng cao cấp tại Trung Quốc tăng vọt nhờ nhu cầu tăng cao sau thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19 cũng như giới giàu giờ đây không thể đi du lịch nước ngoài tới những nơi như Milan và Paris như trước kia.
Prada cho biết doanh thu tại Trung Quốc của công ty này tăng 60% trong tháng 6 và 66% trong tháng 7. Trong khi đó, LVMH, tập đoàn sở hữu Louis Vuitton và Dior, tiết lộ doanh thu của hai thương hiệu này tại Trung Quốc tăng gấp đôi chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh hạn chế phòng dịch hồi tháng 3.
Trung Quốc là thị trường duy nhất được dự báo có tăng trưởng doanh thu hàng cao cấp trong bối người dân nhiều nước thắt chặt chi tiêu vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
“Trung Quốc đại lục đang trở thành nơi tập trung sức mua (hàng cao cấp)”, Mauro Maggioni, CEO tai khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thương hiệu thời trang xa xỉ Italy Golden Goose, cho biết. Thương hiệu này hiện có 21 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục.
Tình hình kinh doanh èo uột tại nhiều thị trường lớn châu Âu khiến các thương hiệu đổ xô tới Trung Quốc để chớp thời cơ. Số lượng cửa hàng của các hãng cao cấp hàng đầu tại nước này tăng 4% trong nửa đầu năm 2020, trong khi đó tỷ lệ tăng của các thương hiệu mỹ phẩm là 8%, một báo cáo của hãng tư vấn bất động sản Savills, cho biết.
“Tôi có thể thấy được tiềm năng bất tận tại thị trường Trung Quốc”, Michele Norsa, Phó chủ tịch Salvatore Ferragamo, nhận định trong một cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh tháng trước. Ông cho biết Salvatore Ferragamo đang rà soát lại hệ thống cửa hàng và xem xét đóng cửa một số tại châu Âu và mở thêm tại Trung Quốc.
Giảm thuế nhập khẩu
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc từ lâu luôn muốn mang nguồn tiền mua sắm của người dân ở nước ngoài về nước. Năm 2019, Bắc Kinh giảm thuế nhập khẩu nhằm giúp hạ giá hàng cao cấp bán tại nước này. Trong khi đó, đầu năm nay, Hải Nam đã nâng hạn mức mua sắm hàng miễn thuế từ 30.000 NDT (khoảng 4.410 USD) lên 100.000 NDT (14.650 USD), cũng như tăng các mặt hàng và số lượng hàng hóa miễn thuế.
Ngoài ra, không giống tại nhiều quốc gia với khách hàng cao cấp có xu hướng tập trung ở nhóm người lớn tuổi, khách hàng mua sắm cao cấp tại Trung Quốc lại là những người ở độ tuổi 25-35. Họ thường đến từ các gia đình giàu có.
Người trẻ tại Trung Quốc thường thích mua sắm trực tuyến, do đó các thương hiệu cao cấp nhất thế giới đã bắt đầu triển khai thương mại điện tử bất chấp quan ngại về nguy cơ bị tội phạm làm hàng giả cướp mất doanh thu và việc thiếu kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến.
Theo thống kê của Golden Goose, các dịch vụ như phát video trực tiếp (livestream) và các cửa hàng trực tuyến giúp công ty này tiếp cận người dùng tại 100 thành phố Trung Quốc.
Một cửa hàng của thương hiệu Balenciaga tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Từ đầu năm đến nay, có tới 50 thương hiệu cao cấp gồm Giorgio Armani và Alexander Wang mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba và khoảng 20 thương hiệu khác dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Theo đó, tổng số thương hiệu cao cấp trên nền tảng này lên tới 220.
Theo Luna Wang, người phụ trách mảng bán hàng cao cấp của Tmall, việc thu hút các thương hiệu lớn giờ đây không còn khó khăn nữa. “Khi các thương hiệu thấy những con số, họ sẽ lao vào ngay”, cô nói.
Hãng tư vấn McKinsey & Company dự báo Trung Quốc sẽ chiếm tới 50% chi tiêu hàng cao cấp toàn cầu trong năm 2020. Tuy vậy, điều này cũng không đủ để bù đắp cho sự thiếu vắng du khách Trung Quốc tại các quốc gia khác trên thế giới. Tổng chi tiêu hàng xa xỉ toàn cầu năm nay được dự báo sẽ giảm tới 35% từ mức 300 tỷ USD của năm ngoái, theo hãng tư vấn Bain.