Sau nhiều năm kinh doanh rạp chiếu phim tại nhà, Naveed Saghir sống ở Anh, dành dụm hơn 700.000 USD tiền Bitcoin. Đến mùa hè năm nay, Saghir đã mất tất cả do sập bẫy lừa đảo thông qua quảng cáo đầu tư trên YouTube.
Theo BBC, Saghir đang vượt qua tổn thương tinh thần khi chứng kiến mọi kế hoạch tương lai sụp đổ do bị lừa khoản tiền lớn. Đó là lý do anh chia sẻ câu chuyện của mình làm bài học cho người khác.
"Tôi đã hủy hoại cuộc đời chính mình, khiến cuộc sống trở nên tệ hơn và cần cảnh báo mọi người. Điều đó xảy ra với tôi đồng nghĩa có thể đến với bất cứ ai", Saghir chia sẻ.
Kinh doanh trong hơn 20 năm, Saghir vẫn bị lừa đảo thông qua Internet. Ảnh: BBC. |
Bị lừa hơn 700.000 USD trong 3 tháng
"Tôi học kỹ sư hóa học tại trường đại học, sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học máy tính. Tôi đã kinh doanh trong hơn 20 năm và luôn cẩn thận với tiền bạc. Dù trong kinh doanh hay cuộc sống, tôi luôn cẩn trọng đếm từng đồng tiền. Tuy nhiên, tôi đã có một quyết định tồi tệ", Saghir nói.
Saghir đã sập bẫy lừa đảo đầu tư Bitcoin. Với loại hình này, kẻ xấu sẽ dụ dỗ nạn nhân giao tiền cho nhà đầu tư "dởm", với lời hứa mang đến lợi nhuận lớn.
Chia sẻ với BBC, Saghir cho biết nhìn thấy quảng cáo đầu tư khi xem video trên YouTube rồi nhanh chóng điền vào đơn đăng ký.
"Hôm sau, tôi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là bộ phận chăm sóc khách hàng, yêu cầu nộp 346 USD để giao dịch. Sang ngày tiếp theo, một người khác gọi cho tôi, nói rằng họ là nhân viên quản lý tài khoản, cung cấp tên và mật khẩu đăng nhập một website giao dịch trông rất chuyên nghiệp", Saghir chia sẻ.
Doanh nhân 44 tuổi đã nộp tiền cho website từ cuối tháng 5. Những kẻ lừa đảo liên tục mời gọi Saghir đầu tư với lời hứa mang về lợi nhuận lớn hơn. Chúng liên tục cảnh bảo nếu không đầu tư sẽ lỗ nặng, khiến Saghir ngày càng chuyển nhiều tiền.
Khoản tiền dành dụm từ kinh doanh rạp chiếu phim tại nhà của Saghir bị mất chỉ trong 3 tháng. Ảnh: BBC. |
Đến cuối tháng 8, Saghir đã chuyển tổng cộng khoảng 25.000 USD và 14,25 đồng Bitcoin, tương đương hơn 700.000 USD theo giá trị giao dịch hiện nay. Đến lúc đó, Saghir mới biết được sự thật.
"Tôi vẫn không thể nhớ mình bị lừa như thế nào", Saghir chia sẻ.
Không dễ lấy lại tiền
Theo Viện Chính sách Sức khỏe Tâm thần và Tiền tệ Anh, hàng triệu người dùng Internet, đặc biệt là người có sức khỏe tâm thần dễ mất tiền hoặc thông tin nhạy cảm vào tay kẻ lừa đảo.
Hiện nay, nhiều tổ chức tại Anh đã kêu gọi đưa quảng cáo lừa đảo vào Dự luật An toàn Trực tuyến của chính phủ. Dù Bitcoin là hợp pháp tại Anh, chưa có luật rõ ràng về các vụ lừa đảo liên quan đến loại tiền này.
Lisa Forte, chuyên gia về con người trong an ninh mạng, đối tác của tổ chức Red Goat Cyber Security cho biết Saghir không có khả năng lấy lại khoản tiền bị mất, khó giành lại công lý.
Không dễ để Saghir lấy lại tiền nếu sống ở nước ngoài. Ảnh: Medium. |
"Ngay cả khi cảnh sát vào cuộc điều tra (một điều khó xảy ra), biết tội phạm là ai (rất khó xảy ra), họ sẽ làm gì khi chúng gần như chắc chắn ở nước ngoài, nơi mà cảnh sát Anh không có thẩm quyền?", Forte cho biết.
Theo Forte, Bitcoin là loại tiền hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật so với tiền thông thường. Do đó, nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo.
Forte khuyên các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ về những nơi sắp chuyển tiền, biết rõ cách hoạt động, ưu và khuyết điểm của Bitcoin, cảnh giác với lời kêu gọi đầu tư và hứa hẹn "lợi nhuận cao trong thời gian ngắn" của bất cứ ai.