Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Victor Vũ
Diễn viên: Trần Nghĩa, Trúc Anh, Thảo Tâm, Trần Phong, Khánh Vân
Zing.vn đánh giá: 8/10
Mắt biếc là tác phẩm điện ảnh thứ ba được chuyển thể từ sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) và Cô gái đến từ hôm qua (2017).
Cầm trịch dự án là đạo diễn Victor Vũ - nhà làm phim từng thực hiện chính Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cùng nhiều tác phẩm đình đám khác như Scandal: Bí mật thảm đỏ, Cô dâu đại chiến, Quả tim máu…
Giống như nguyên tác, trung tâm của Mắt biếc phiên bản điện ảnh là Ngạn (Trần Nghĩa) - một chàng trai si tình với mối tình đơn phương dành cho Hà Lan (Trúc Anh) - cô bạn thân xinh đẹp sở hữu đôi “mắt biếc” đẹp hút hồn.
Bộ phim theo chân Ngạn và câu chuyện tình của cậu qua từng bước trưởng thành, với nhiều cung bậc cảm xúc, và không ít biến cố éo le.
Trung thành với nguyên tác, đồng thời đem tới cải biên thú vị
Mắt biếc được chuyển thể tương đối trung thành với tinh thần nguyên tác. Toàn bộ tác phẩm đặt dưới góc nhìn của nhân vật chính Ngạn, thể hiện dòng chảy nội tâm của nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Cấu trúc phim tương đồng với cấu trúc của tiểu thuyết, với một mạch thời gian tuyến tính duy nhất. Mắt biếc đưa khán giả theo chân các nhân vật từ ngày nhỏ xíu, với cuộc sống vô tư, bình dị tại làng Đo Đo có khu chợ quê mộc mạc, đồi Sim rực rỡ hoa tím; cho đến cuộc sống xa nhà nơi thành thị phồn hoa nhưng nhiều cám dỗ, và những bi kịch tình yêu éo le.
Nhìn chung, Mắt biếc rất trung thành so với nguyên tác, đồng thời đem đến một số cải biên thú vị. |
Hầu hết chi tiết của nguyên tác đều được đưa lên màn bạc đầy đủ, giúp tạo nên sự đa dạng cho bối cảnh và hoàn cảnh tâm lý nhân vật, đặc biệt là Ngạn và Hà Lan với tư duy khác biệt về cả lối sống lẫn lý tưởng.
Tiết tấu phim chậm rãi, cân bằng khá tốt thời lượng cho từng phân cảnh, từng giai đoạn phát triển của nhân vật. Theo đó, bộ phim dễ xem và dễ theo dõi đối với mọi đối tượng khán giả. So với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cách đây 4 năm, cấu trúc của Mắt biếc tỏ ra hợp lý hơn, tiết tấu cũng mượt mà và có nhịp điệu hơn.
Về cơ bản, các tuyến nhân vật trong phim được giữ nguyên so với nguyên tác. Bên cạnh đó, biên kịch đem đến một số cải biên thú vị, nhằm tạo ra chiều sâu với góc nhìn đa chiều cho các nhân vật.
Đáng kể nhất là nhân vật Hồng (Thảo Tâm) - người bạn học cùng lớp với Ngạn và Hà Lan từ thuở bé cho đến những năm tháng phổ thông. Trong một tác phẩm chịu ảnh hưởng chủ đạo bởi cảm xúc của nhân vật chính Ngạn, sự xuất hiện của Hồng giúp đem đến những khoảnh khắc tươi sáng, hài hước hiếm hoi.
Nhân vật mới đồng thời giúp cân bằng yếu tố tình cảm trong phim, tạo nên góc nhìn khách quan hơn, đa chiều hơn đối với Ngạn. Dù cho vai trò của Hồng còn hạn chế do thời lượng xuất hiện có hạn, cũng như do thiếu đi sự tương tác với các nhân vật khác để xây dựng tính cách, đây vẫn là điểm nhấn nổi bật của bộ phim.
Ngoài ra, phim Mắt biếc còn cải biên nhẹ phần kết của nguyên tác. Đoạn kết trên màn ảnh xử lý tốt hơn câu chuyện giữa Ngạn với Trà Long, đảm bảo sự thống nhất trong lý tưởng của nhân vật nam chính từ đầu đến cuối.
Bộ phim đồng thời mở ra cho các nhân vật một cánh cửa mới theo hướng tích cực hơn, chứ không mang tính chất trốn tránh có phần tiêu cực, bế tắc như trên các trang sách.
Điểm nhấn về hình ảnh và âm nhạc
Đúng như những gì khán giả từng kỳ vọng sau khi theo dõi nhiều trailer hấp dẫn, Mắt biếc gây ấn tượng mạnh mẽ thông qua phần hình ảnh đẹp mắt, giàu chất thơ.
Bộ phim đem đến nhiều khung hình rực rỡ, ấm áp, đẹp mắt ở mọi góc nhìn. Từ bối cảnh sinh hoạt như những căn nhà mái lá hay khu chợ đơn sơ ở làng Đo Đo, ngôi trường nữ học ở Huế hay tiệm thuốc của nhà Dũng (Trần Phong), cho đến bối cảnh thiên nhiên như đồi Sim hay bờ sông Hương xứ Huế, tất cả đều được thể hiện vô cùng sinh động.
Kỹ thuật sản xuất của Mắt biếc rất ấn tượng, và có nhiều nét tiến bộ hơn nếu so với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. |
So với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc chân thực, hợp lý và có hồn hơn, không đẹp một cách thái quá hay mang nặng tính sắp đặt. Có điều, phần hình ảnh rực rỡ và ấm áp có phần chưa phù hợp với tâm trạng buồn bã xuyên suốt, chưa thể hiện được tâm trạng của các nhân vật tại các phân cảnh đòi hỏi miêu tả tâm lý phức tạp.
Phần âm nhạc trong phim cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả được chiêu đãi hàng loạt nhạc phẩm của thập niên 1970 giúp khắc hoạ bối cảnh xã hội một cách sinh động. Nhà soạn nhạc Christopher Wong thêm một lần nữa đem đến phần nhạc nền nhiều sắc thái, góp phần thúc đẩy cảm xúc qua từng phân cảnh.
Đan xen là những bản tình ca nhẹ nhàng, da diết do nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác riêng cho bộ phim, được lồng ghép vào phần nhạc nền hoặc do nhân vật Ngạn thể hiện nhằm tỏ bày tâm tư, tình cảm của bản thân.
Tuy nhiên, cũng như phần hình ảnh, âm nhạc trong Mắt biếc đôi lúc bị lạm dụng, khiến cho nhiều phân đoạn trở nên lê thê. Ở vài phân cảnh, nhạc nền bị thừa thãi không cần thiết. Hậu quả là những phân đoạn quan trọng khác đòi hỏi sự phối hợp của âm nhạc để thúc đẩy cảm xúc lại trở nên giảm hiệu quả.
Diễn xuất trọn vẹn đến từ dàn diễn viên trẻ cá tính
Mắt biếc còn ghi dấu ấn nhờ các nhân vật được thể hiện sinh động như bước ra từ chính những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Các diễn viên trẻ Trần Nghĩa, Trúc Anh, Trần Phong hay Thảo Tâm đều thể hiện trọn vẹn nhân vật của họ, với ngoại hình và nét diễn phù hợp. Chỉ từ những hình ảnh đơn giản bên ngoài, nhóm diễn viên đã gây thiện cảm với khán giả khi sở hữu điểm nhấn phù hợp với nhân vật từng được miêu tả qua con chữ.
Tuy nhiên, đôi khi các diễn viên còn lạm dụng nước mắt nhằm câu kéo cảm xúc của người xem, chứ chưa thể hiện được nhiều bằng diễn xuất hay lời thoại cụ thể, phù hợp.
Khánh Vân gây được nhiều thiện cảm với người xem. |
Nói về nét diễn, có lẽ nhân vật Trà Long của Khánh Vân đem đến ấn tượng tốt hơn cả, dù rằng đất diễn của cô bé bị hạn chế.
Diễn xuất tự nhiên, giàu năng lượng của Khánh Vân giúp Trà Long không chỉ mang lại nắng ấm cho cuộc đời Ngạn sau bao ngày u buồn, lạnh lẽo, mà còn giúp từng khung hình của bộ phim tươi sáng hẳn lên, làm lu mờ cả nhân vật chính Hà Lan.
Bên cạnh nhiều điểm sáng nổi bật, Mắt biếc vẫn tồn tại một số điểm trừ cố hữu từng gặp phải trong các bộ phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh trước đây.
Bộ phim được chuyển thể trung thành về mặt nội dung và tinh thần của nguyên tác. Tuy nhiên, bản thân Mắt biếc vốn là tác phẩm giàu tính tự sự, nội dung ít kịch tính, diễn biến đơn giản. Do đó, việc trung thành với nguyên tác vô tình khiến bộ phim trở nên dàn trải, thiếu đi những chi tiết cốt lõi mang tính bước ngoặt giúp tạo điểm nhấn cảm xúc.
Còn đâu đó vài điểm đáng tiếc về bộ phim, đặc biệt là nhân vật Hà Lan. |
Trúc Anh thành công trong việc thể hiện hình ảnh Hà Lan thuở trăng tròn xinh đẹp, rạng ngời, nhưng cô tỏ ra hụt hơi khi phải thể hiện một Hà Lan đau khổ vì bị phản bội, phải một mình sinh con, hay một Hà Lan ở tuổi trung niên với những trăn trở về hạnh phúc. Diễn xuất của Trúc Anh còn hạn chế với biểu cảm và đài từ thiếu đa dạng, khiến bản thân nhân vật chưa thể hiện hết cảm xúc cần thiết.
Phần hóa trang trong phim cũng chưa đem đến hiệu quả như kỳ vọng, đặc biệt là vào nửa sau khi các nhân vật Ngạn và Hà Lan đều đã trưởng thành. Nếu như nét diễn đĩnh đạc, trầm mặc của Trần Nghĩa có thể phần nào khỏa lấp đi hạn chế ấy, thì nét diễn và đài từ hạn chế của Trúc Anh lập tức khiến khán giả cảm thấy Hà Lan và Trà Long khó có thể là hai mẹ con khi cả hai cùng lúc xuất hiện.
Phần lời thoại trong phim cũng cần được cải thiện, khi hầu hết đều khá ngắn ngủi, với một vài lời thoại cụt ngủn không đầu đuôi, thiếu tự nhiên và hơi thô cứng. Với một bộ tiểu thuyết nặng tính tự sự, đây không phải vấn đề lớn. Nhưng trên màn ảnh rộng đòi hỏi sự tương tác và diễn xuất giữa các nhân vật, lời thoại cần được trau chuốt chi tiết, tỉ mỉ hơn.
Nhìn chung, Mắt biếc là cái kết đẹp cho điện ảnh Việt Nam trong những ngày cuối 2019. Dù còn tồn tại những hạn chế, đây vẫn là tác phẩm đáng xem, với chất lượng kỹ thuật sản xuất ấn tượng, cùng dàn diễn viên trẻ tài năng và giúp đem đến trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.