Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất bao lâu để xử lý dầu tràn từ tàu 9.000 tấn bị chìm?

“Tàu chìm không nằm yên mà còn rung lắc do dòng chảy, sóng biển nên chưa thể nói được thời gian giải cứu tàu hay xử lý sự cố tràn dầu”, ông Sơn nói với Zing.vn.

Những ngày qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp xử lý sự cố tràn dầu từ tàu hàng Nordana Sophie HSCP2, có trọng tải gần 9.000 tấn, bị chìm khi vào cảng Sơn Dương nhận hàng.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh cho rằng ít nhất nửa tháng mới xử lý xong sự cố trước khi trục vớt tàu.

Còn chuyên gia Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam nói rằng việc hút gần 180 tấn dầu còn lại trong các hầm chứa của con tàu chìm dưới biển là vấn đề cấp bách nhất, song để đánh giá mức độ ảnh hưởng cũng như thời gian xử lý sự cố là không thể.

180 tấn dầu trong tàu chìm

Thượng tá Phạm Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương, cho biết khoảng 4h ngày 28/11, tàu hàng Nordana Sophie (quốc tịch Thái Lan) khi vào cảng Sơn Dương nhận hàng thì gặp sự cố thủng mạn trái khiến nước vào buồng máy.

su co tran dau o Ha Tinh anh 1
Khoảng 3 km bờ biển đầy váng dầu đen kịt. Ảnh: Phạm Trường.

Trưa cùng ngày, nước biển tràn vào khiến con tàu nghiêng 60 độ rồi chìm dần, 18 thuyền viên trên tàu được ứng cứu an toàn.

"Trước khi tàu chìm, lực lượng hướng dẫn chủ tàu cùng thuyền viên khóa tất cả các van, boong tàu chứa hàng hóa và dầu để giảm thiệt hại và đảm bảo an toàn. Chủ tàu cho biết ngoài gần 180 tấn dầu thì tàu không có hàng hóa gì", thượng tá Sơn nói.

Theo thượng tá Sơn, cơ quan chức năng xác định trên tàu còn 178 tấn dầu (139 tấn dầu FO và 39 tấn dầu DO) nằm trong khoang tàu đã được thuyền viên khóa chặt trước khi tàu đắm. Còn cặn dầu bị sóng đánh vào bờ biển là cặn trong máy tàu.

Hai ngày sau, dọc bờ biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, dài hơn 3 km xuất hiện vết cặn dầu loang lổ. Tại bãi biển cũng có 5 tấm sắt lớn nghi của tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ, va vào làm gãy đổ 7 cọc tiêu xây dựng cầu cảng Sơn Dương. Lực lượng chức năng đã huy động gần 200 người để thu gom dầu loang, mang đến nơi xử lý.

su co tran dau o Ha Tinh anh 2
Hàng trăm người được huy động thu gom cặn dầu dọc bờ biển. Ảnh: Phạm Trường.

Còn Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Trương Minh Tuấn cho biết sau sự cố, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã tổ chức buổi làm việc địa phương và đơn vị liên quan nhằm đưa ra giải pháp xử lý sự cố tràn dầu, trục vớt tàu bị nạn.

Cơ quan chức năng xác định ngoài cặn dầu đã tràn vào bờ, lượng dầu lớn còn nằm trong tàu sẽ quây phao tại khu vực tàu đắm rồi hút lượng dầu này ra ngoài. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ trục vớt tàu.

Chưa biết khi nào xong

Chia sẻ với Zing.vn, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng dầu tràn ra từ các tàu hàng trên biển hay các sự cố tràn dầu khác luôn được liệt dưới dạng chất thải nguy hại, cần xử lý sớm song việc xử lý một cách triệt để trong thời gian ngắn là khó khăn.

“Gần 180 tấn dầu FO và DO còn lại trong tàu đắm và cần phải hút hết lượng dầu này ra ngoài mới có thể thở phào. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi nên việc quây phao chống lan dầu là rất khó, cần tính đến phương án dầu tràn đến đâu, xử lý đến đó”, ông Sơn nói.

su co tran dau o Ha Tinh anh 3
Dầu đen kịt dọc bờ biển xã Kỳ Lợi. Ảnh: Phạm Trường.

Theo ông Sơn, hai tàu lớn của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc đã ra vị trí tàu đắm khảo sát nhưng chưa biết tàu chìm theo phương góc nào cũng như thời tiết xấu khiến việc quây phao chống dầu lan chưa thể thực hiện.

"Khi thợ lặn kiểm tra mới xác định hướng tàu chìm, số lượng dầu còn lại có hút ra ngoài được hay không thì lúc ấy mới đưa ra phương án xử lý, nên chưa thể nói gì về thời gian hoàn thành dự án này", ông Sơn nhận định.

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết đơn vị đang hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho người tham gia để thu gom lượng dầu đọng trên cát và đưa đến nhà máy xử lý bằng nhiệt lên đến 1.200 độ C. Ngoài ra, đơn vị cũng đang cử lực lượng ra đảo Sơn Dương để khảo sát dầu có bị đánh dạt vào đây.

Ảnh hưởng thế nào?

Nói về ảnh hưởng nếu gần 180 tấn dầu tràn ra ngoài, ông Sơn cho rằng khu vực cạnh nơi xảy ra tràn dầu chủ yếu là cảng, ít rừng ngập mặn cũng như nơi nuôi trồng thủy, hải sản của người dân nên khả năng ảnh hưởng chưa nhiều.

Hiện phần chịu ảnh hưởng nhất là dải cát dài hơn 3 km dọc bờ biển xã Kỳ Lợi, có các lớp cặn dầu dạt vào, nếu không thu gom sẽ gây ô nhiễm.

su co tran dau o Ha Tinh anh 4
Cặn dầu dọc bờ biển được thu gom, mang đi xử lý nhiệt. Ảnh: Phạm Trường.

“Dầu là chất thải nguy hại nên khi thu gom xong sẽ đưa đi đốt ít nhất ở nhiệt độ hơn 1.200 độ C. Thu gom cát nhiễm dầu quá nhiều sẽ không phù hợp, nhưng cát nhiễm dầu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm", ông Sơn nói.

Trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cho biết hiện chưa thể đánh giá các vệt dầu dọc bờ biển ảnh hưởng đến môi trường, kinh doanh của các hộ dân như thế nào.

"Phần dầu loang cơ bản được khống chế. Với 178 tấn dầu trong tàu, các đơn vị đang quây phao để nhóm thợ lặn kiểm tra, lắp các ống dẫn và dùng máy bơm công suất lớn đưa dầu ra ngoài. Dự kiến hoàn thành trong nửa tháng", ông Thành nói.

Cặn dầu loang lổ suốt 3 km bờ biển Bờ biển dài hơn 3 km ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) loang lổ cặn dầu đen sau sự cố tàu Nordana Sophia HSCP2 chìm gần cảng Sơn Dương.

Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm