Và quy trình xin thị thực (visa) cũng phức tạp hơn, phí nhập cảnh cũng tăng mạnh.
Thay vì chỉ đăng ký lên bờ du lịch và đóng lệ phí 5 USD như trước đây, khách tàu biển vào Việt Nam hiện phải chụp hình, viết đơn đăng ký xin visa nhập cảnh VN với mức phí gấp chín lần.
Lâu hơn 7 lần
Du khách đến thăm TP.HCM bằng tàu biển qua cảng Sài Gòn. |
Ngày 2/1, để làm thủ tục cho 2.318 du khách Đức vào du lịch Việt Nam trên tàu Aida Sol, công ty du lịch Tân Hồng (TP.HCM) đã phải huy động toàn bộ nhân viên ra hỗ trợ thủ tục và trải qua hơn 10 giờ căng thẳng, mệt mỏi.
Ông Phan Xuân Anh, cố vấn công ty du lịch Tân Hồng, kể 15g ngày 30/12/2014, công ty nhận được thông báo của Tổng cục Du lịch VN gửi sở VH-TT&DL các địa phương và doanh nghiệp lữ hành, trong đó đề nghị phổ biến quy định mới của Luật xuất nhập cảnh.
Theo đó, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị quốc tế. Khách du lịch Trung Quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam sẽ không được giải quyết thủ tục nhập cảnh.
Các doanh nghiệp đón khách du lịch tàu biển quốc tế hoặc đón khách nước ngoài quá cảnh tham quan du lịch phải triển khai hoạt động theo quy định này.
Sau khi nhận công văn của Tổng cục Du lịch Việt Nam, công ty Tân Hồng chỉ còn vỏn vẹn 39 giờ để chuẩn bị, nên không đủ thời gian các nhân viên trên tàu chuẩn bị chụp ảnh cho khách, điền thủ tục xin visa, dán mẫu visa vào hộ chiếu... cho 2.318 du khách, chưa kể hơn 1.000 thuyền viên. Công ty đã đề nghị được áp dụng visa quá cảnh như trước, nhưng đề nghị này không được chấp nhận.
Theo ông Xuân Anh, khi tàu cập cảng Phú Mỹ lúc 6g30 sáng 2/1, toàn bộ nhân viên công ty, nhân viên tàu Aida Sol đã phải liên tục làm việc đến 11g30, rồi chiều bắt đầu từ 13g30 làm đến 17g mới hoàn tất thủ tục xin visa cho cả tàu.
Thủ tục cũng khá rắc rối: sau khi đã chụp ảnh cho khách, điền thủ tục xin visa, dán mẫu visa vào hộ chiếu, ghi số hộ chiếu của khách vào mảnh giấy visa này, ghi ngày đến ngày đi.
Dự thảo đã được công khai?
Ông Nguyễn Quý Phương (vụ trưởng Vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch) cho biế,
Bộ VH-TT&DL có nhận được văn bản yêu cầu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân Tổng cục Du lịch không nhận được bất cứ thông tin gì về đóng góp ý kiến, mãi đến cuối tháng 12/2014 mới nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, yêu cầu triển khai quy định này. “Tôi có nghe nói Bộ Công an có đưa toàn bộ dự thảo lên website và yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan liên quan đóng góp ý kiến, nhưng không nhiều người xem nên không biết thông tin. Bản thân tôi là người làm việc gắn với quyền lợi của doanh nghiệp ở Tổng cục Du lịch nhưng cũng không biết chuyện có dự thảo công bố các thay đổi này”, ông Phương nói.
“Tổng cộng phải đóng 7 con dấu trên tờ giấy visa, gồm dấu tên chỉ huy trưởng cửa khẩu biên phòng, dấu chức vụ của đồn trưởng, dấu của đồn biên phòng, dấu xác định tàu đến, dấu xác định tàu đi, dấu lưu trú và dấu “used” để xác định visa này đã sử dụng”, ông Xuân Anh kể. Tính ra quy trình xin làm visa lâu hơn gấp bảy lần với bảy con dấu thay vì một như trước kia...
Phí tăng 9 lần
Không chỉ nhân viên công ty mà các cán bộ đồn cửa khẩu biên phòng cũng phải làm tất bật, tàu cũng phải cử nhân viên túc trực cả một ngày để trả lời các câu hỏi về visa, vì chỉ cần sai một con số hộ chiếu hoặc visa thì khách đó sẽ phải ở lại tàu, chuyến đi đến VN du lịch trở nên vô nghĩa.
Ông Anh cho biết thêm: “Chưa hết, chi phí visa cũng tăng đến 9 lần so với trước đây, lên tới 45 USD/người”, ông Anh nói, đồng thời cho biết sau chuyến đến Việt Nam này, hãng tàu đã gửi email cho công ty thông báo họ đang cân nhắc việc có đưa khách vào Việt amN nữa hay không.
Trao đổi với chúng tôi, một số công ty chuyên phục vụ du khách tàu biển ở Việt Nam cho rằng, đặc trưng của khách du lịch tàu biển là quá cảnh trong thời gian ngắn, nhiều con tàu cập cảng Việt Nam lúc 6g và rời khỏi lúc 16g-18g.
Do đó, việc khách phải trả cho một mức phí visa đầy đủ là “quá nặng và phi lý”, trong khi khách đi máy bay vẫn được quá cảnh và không phải nộp phí visa. Giám đốc một công ty du lịch cho rằng, chỉ tính riêng khoảng thời gian nhân viên cửa khẩu nhìn mặt du khách để so sánh với hình ảnh trong visa, hộ chiếu... trong vòng 30 giây/khách, một tàu có 2.000 khách đã mất tổng cộng hơn 16 giờ, nên du khách hầu như không còn thời gian để đi tour được nữa.
Khách đường bộ cũng bị ảnh hưởng
Không chỉ khách tàu biển, ngay cả khách đến Việt Nam bằng đường bộ rồi sang Campuchia, Lào..., sau đó quay lại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Trấn, tổng giám đốc công ty du lịch Apex, chuyên đón du khách Nhật Bản, cho biết từ rất nhiều năm nay du khách Nhật đến Việt Nam ngày càng đông, do chính sách miễn visa trong thời gian 15 ngày.
Họ đến Việt Nam chơi nhiều ngày sau đó sang Siem Reap (Campuchia) du lịch vài ngày rồi quay lại Việt Nam nghỉ ngơi, tham quan. Tuy nhiên với quy định này, tới đây du khách Nhật khi từ Siem Reap quay lại buộc phải trả tiền và thực hiện đầy đủ quy trình xin visa nhập cảnh Việt Nam. “Quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công ty đang đón khách du lịch nước ngoài”, ông Trấn lo lắng.
Cũng theo ông Trấn, giá tour bán cho khách Nhật đến Việt Nam du lịch trong thời điểm này đã được công ty công bố cách đây mấy tháng, giờ thông báo tăng chi phí tour đến Việt Nam lên vì quy định mới “cũng khó nói với người ta lắm”. Các công ty du lịch lớn khác như Vietravel, Saigontourist, JTB T&T... đều khẳng định, số tiền để xin visa vào Việt Nam cũng không phải là vấn đề lớn đối với du khách, nhưng quy định này sẽ làm họ mất hứng thú đến Việt Nam.
Bước lùi về thủ tục
Nhiều công ty lữ hành quốc tế cho biết, trong khi thế giới đang ngày càng có xu hướng hội nhập, tạo điều kiện dễ dàng cho du khách quốc tế đến khu vực du lịch, thì quy định này là trở ngại vô cùng lớn cho họ trong việc thiết kế tour liên tuyến, chào bán cho các đối tác nước ngoài.
Giám đốc một công ty du lịch cho biết tại hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2014 vào tháng 9/2014, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cùng 4 bộ trưởng phụ trách du lịch Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đã cam kết, sẽ theo đuổi mô hình một visa cho năm điểm đến để tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách trong khu vực, nhưng quy định này lại là một hòn đá lớn chặn ngang con đường phát triển chung của ngành du lịch quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quý Phương - vụ trưởng Vụ lữ hành - cho rằng quy định này là một bước lùi về thủ tục, bởi trước đây vài năm du khách tàu biển khi vào Việt Nam cũng phải xin visa đầy đủ, nhưng sau đó đã được giảm thiểu thủ tục rườm rà, thêm thông thoáng, chuyển thành visa quá cảnh giống như thông lệ quốc tế. Nhờ đó, những năm gần đây lượng khách tàu biển đến Việt Nam ngày càng đông hơn trước khi có quy định mới quay lại quy trình cũ.
“Nhiều doanh nghiệp, địa phương rất bức xúc và gửi phản ảnh về Tổng cục Du lịch, trong đó cho rằng, sửa luật phải cải tiến chứ không quay lại quy định như 20 năm trước”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, hiện nay đang có quan điểm “chỉ muốn chăm chăm cố thu tiền visa của du khách trước”, dù chúng ta luôn kêu gọi nên tạo điều kiện dễ dàng hơn nhằm kéo du khách đến tham quan, du lịch VN để họ tiêu tiền. Ông Phương cho biết, trong tuần tới Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức một cuộc họp ghi nhận các ý kiến và đề xuất Bộ Công an nên có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương.
Không tham khảo doanh nghiệp?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn tại Việt Nam khẳng định, họ không được tham khảo, yêu cầu đóng góp ý kiến trước khi công bố quy định này.
“Nếu được tham khảo, chắc chắn tôi đã đề nghị phải nghiên cứu lại, vì nó hại cho ngành du lịch nhiều lắm”, ông Nguyễn Văn Trấn, tổng giám đốc công ty du lịch Apex, khẳng định. Ông Phan Xuân Anh, cố vấn công ty du lịch Tân Hồng, cũng cho biết, “Có nghe phong thanh” nhưng mãi đến ngày 30/12/2014, công ty này mới nhận được thông báo của Tổng cục Du lịch, trong khi ngày 1/1 tàu đã mang khách vào.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), cũng khẳng định, ông chưa biết thông tin này. “Hôm nay có nghe một số doanh nghiệp than phiền về khó khăn do quy định này gây ra, VITA cũng chưa nhận được ý kiến tham khảo khi triển khai luật mới. Đến ngày 10/1 chúng tôi sẽ đưa nội dung này vào cuộc họp ban chấp hành VITA, và sau đó mới có ý kiến chính thức” - ông Thọ khẳng định.