Masan được gì sau khi mua cám Con Cò?
Theo các chuyên gia, việc Masan mua lại Proconco không chỉ phục vụ mở rộng ngành nghề, mà còn hoàn tất chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm của tập đoàn này.
Không ồn ào, không kèm tin đồn như những thương vụ trước đó, đầu tháng 10, Công ty cổ phần tập đoàn Masan (MSN) bất ngờ thông báo việc sở hữu 40% vốn tại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Doanh nghiệp mang thương hiệu Con Cò được mua thông qua Công ty Hoa Mười Giờ, đơn vị mà MSN sở hữu 100% vốn. Tổng giá trị giao dịch khoảng 96 triệu USD.
Đồng thời, Masan Group thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn điều lệ của Hoa Mười Giờ cho một công ty con khác là Masan Consumer.
Theo báo cáo quý II đã soát xét của Masan, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này là gần 9.000 tỷ đồng. Như vây, giá trị khoản đầu tư mà Morgan Stanley tư vấn cho MSN tương đương với 22% lượng tiền mặt vào thời điểm 30/6.
Masan hiện sở hữu 40% cổ phần tại Proconco. |
Trước phi vụ mua cổ phiếu đình đám của Proconco, MSN cũng từng khiến thị trường M&A dậy sóng với việc thâu tóm Vinacafe Biên Hòa (VCF) và mua lại dự án vonfram lớn nhất Việt Nam tại Núi Pháo. Việc đăng ký và mua thành công 13,32 triệu cổ phiếu của VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ của công ty này đưa Masan trở thành cổ đông lớn nhất tại Vinacafe Biên Hòa - đơn vị chiếm khoảng 40% thị phần cà phê hòa tan tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Số tiền mà Masan phải bỏ ra để sở hữu lượng cổ phần quá bán tại VCF là khoảng 1.065 tỷ đồng, với giá 80.000 một cổ phiếu. Ngay sau khi tin tức về vụ mua bán này được thông báo, giá cổ phiếu của VCF lập tức tăng thêm 20%. Một năm sau sự kiện này, giá cổ phiếu của VCF đã là 154.000 đồng, tương đương với việc khoản đầu tư của Masan tại đây tăng gần gấp đôi giá trị.
Việc mua lại VCF dường như là bước hiện thực hóa chiến lược dài hạn của Masan đã được nêu trong báo cáo thường niên năm 2011. Trước đó, với phát biểu về mục tiêu của MSN trong báo cáo thường niên là "mở rộng danh mục sản phẩm ngành hàng tiêu dùng thông qua cơ hội tăng trưởng nội tại lẫn mua bán và sáp nhập”, thị trường đoán già đoán non về những động thái sắp tới của hãng, nhất là khi có tin đồn về việc ông lớn này lăm le thâu tóm Dầu Tường An (TAC). Vụ việc về TAC chỉ chìm xuống khi suốt 3 tháng cả 2 bên đều không có động tĩnh, kèm theo biên bản xác nhận cổ đông của doanh nghiệp đang giữ thị phần dầu ăn lớn thứ hai tại Việt Nam của Ủy ban chứng khoán vào tháng 9 vừa qua không có tên của Masan.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, việc Masan mua lại Proconco là bước đi tiếp theo của tập đoàn này nhằm hoàn tất chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm của công ty chứ không chỉ là việc mua lại một thương hiệu hay mở rộng ngành nghề kinh doanh.
"Con Cò vốn là một thương hiệu mạnh, là một đối trọng của Việt Nam với các công ty nước ngoài hiện nắm tới 70% thị phần trong ngành thức ăn chăn nuôi. Masan đã khôn ngoan khi đạt được cả 2 mục đích với quyết định mua lại Proconco, giúp tập đoàn này vừa sở hữu cổ phần lớn tại một công ty kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng cao, đồng thời là một khâu trong chuỗi sản xuất mà Masan cần. Sau khi có được Proconco, toàn bộ quy trình sản xuất thực phẩm của Masan được khép kín, từ cung cấp nguyên liệu, nuôi dưỡng, chế biến và phân phối", vị này nhận xét.
Có chung nhận định trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kỳ vọng động thái mới của một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường sẽ giúp chứng khoán Việt Nam tăng tốc trở lại sau thời gian dài ảm đạm. Theo chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân, Proconco là một thương hiệu mạnh và việc Masan mua lại tới 40% cổ phần trong bối cảnh thị trường đi xuống có thể sẽ tạo bước đột phá thị trường nói chung và cổ phiếu của công ty nói riêng. "Giá trị khoản đầu tư lớn đến thế chứng tỏ điều này đã nằm trong những tính toán dài hạn của Masan", vị này cho biết.
Hạ Minh
Theo Infonet