Trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 11/8, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (VCM) - đơn vị điều hành hệ thống siêu thị VinMart, siêu thị mini VinMart+ và nông trại VinEco, công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm. Cụ thể, nửa đầu năm 2020, VCM lỗ sau thuế 1.787 tỷ đồng.
Ưu tiên cải thiện hiệu quả hoạt động VinMart, VinMart+
Thực tế, trước khi chuyển giao, VCM có lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ít nhất hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thời điểm đó, VCM là hệ thống bán lẻ hiện đại có quy mô toàn quốc, với độ bao phủ 3.022 điểm bán, doanh thu 25.500 tỷ đồng, khấu hao và lãi vay (EBITDA) âm gần 9% trong năm 2019.
Cuối năm 2019, Masan thiết lập nền tảng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ tích hợp thông qua sáp nhập VCM, sau đó thành lập công ty The Sherpa và The CrownX vào tháng 6 để tiếp quản cả Masan Consumer Holdings và VCM.
Việc tiếp quản VCM giúp Masan sở hữu nền tảng bán lẻ lớn về số lượng điểm bán, chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt tại Hà Nội - nơi VCM đang chiếm thị phần vượt trội, đóng góp 46% doanh thu năm 2019. VCM còn thể hiện ưu thế ở danh mục tươi sống, với các sản phẩm chủ lực từ VinEco và MEATDeli của Masan MEATLife.
Các sản phẩm tươi sống từ VinEco là một trong những danh mục chủ chốt của chuỗi VinMart và VinMart+. |
Ngành bán lẻ hiện đại dự kiến tăng quy mô trong thời gian tới, có thể chiếm 30%-50% ngành bán lẻ vào năm 2025. Với tiềm năng to lớn, Masan Group hoàn tất mua thêm 12,57% cổ phần tại The CrownX, nâng tổng sở hữu tỷ lệ lợi ích lên 82,6%.
Kế hoạch đưa VinMart và VinMart+ đến điểm hòa vốn
Về tay Masan từ tháng 12/2019, VinCommerce có những tín hiệu khả quan dù trải qua giai đoạn khó khăn của Covid-19. Đại diện Masan cho biết, trong 6 tháng đầu năm, VinCommerce mang về khoản doanh thu hơn 15.800 tỉ đồng. Riêng trong quý I, doanh thu của đơn vị này đạt 8.709 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Bước sang quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.104 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh.
Theo Tổng giám đốc Masan Group Danny Le, mặt bằng và nhân sự là chi phí lớn nhất của chuỗi siêu thị. Vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết hiện nay là tăng năng suất. Công ty ráo riết thực hiện loạt giải pháp tái cơ cấu, bao gồm danh mục sản phẩm, tối giản chi phí, đóng bớt cửa hàng kém hiệu quả và sắp xếp lại hoạt động logistics. Từ đầu năm đến nay, Masan đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả, đồng thời mở mới 45 điểm bán. 80% số cửa hàng bị đóng nằm tại TP.HCM và các thành phố cấp 2. Những thay đổi này bước đầu giúp hệ thống bán lẻ hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group cho biết mặt bằng và nhân sự là chi phí lớn nhất của chuỗi siêu thị. |
Tại Hà Nội, nửa đầu năm 2020, lợi nhuận của chuỗi VinMart+ gia tăng, với EBITDA 2% so với mức 1% nửa cuối năm 2019. Ngoài ra, dưới sự điều hành của Masan, chuỗi VinMart tại Hà Nội có lợi nhuận 0,5% vào nửa đầu năm 2020 so với mức lỗ 0,2% nửa cuối năm 2019.
Trong quý II, doanh thu từ chuỗi VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3%. Ngược lại, doanh thu quý II của chuỗi siêu thị VinMart giảm 15%, chủ yếu do các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail phải đóng cửa vì Covid-19, và một phần do công ty chủ động giảm doanh số mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B) để cải thiện biên lợi nhuận. So với nửa cuối năm 2019, doanh thu nửa đầu 2020 của VinCommerce tăng trưởng 13%, EBITDA cải thiện từ -9% thành -7%.
VCM đang trên đà hướng đến mục tiêu đề ra của Ban điều hành: EBITDA năm 2020 về gần mức hòa vốn (-1%; -3%) dự kiến cả năm 2020, doanh thu dự kiến tăng 38% so với 2019, đạt mức 35.000 tỷ đồng.
Đại diện Masan cho biết, thời gian tới tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt. Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Masan về các điểm POL (Point of Life).
Trong thời gian tới, hệ thống VinMart/VinMart+ sẽ được Masan cải tổ và số hóa. |
Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100-300 cửa hàng VinMart+, 10-30 siêu thị VinMart. Song song đó, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị, 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Thời gian tới, hệ thống siêu thị sẽ được Masan cải tổ và số hóa, trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lý theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&Go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline). Dự kiến, doanh nghiệp đầu tư 15 triệu USD để nâng cao hiệu quả hoạt động của nền tảng này.
Bình luận