Mark Zuckerberg lớn lên trong một ngôi nhà trên đồi ở Dobbs Ferry, New York, Mỹ. Cha Mark là một nha sĩ. Ông mở phòng khám nhỏ ngay tại nhà. Mẹ anh vốn là một bác sĩ tâm lý học, nhưng bà đã sớm nghỉ việc để chăm sóc con cái, cũng như làm quản lý cho phòng khám của chồng.
Khi mới 12 tuổi, Mark từng viết một chương trình nhắn tin cho các máy tính tại phòng khám của cha, được biết tới với tên gọi ZuckNet. Nhận ra tiềm năng của con trai, cha anh đã thuê David Newman - một chuyên viên phát triển phần mềm - đến hướng dẫn Mark. Không bao lâu sau, David Newman phải thừa nhận, Mark là một thần đồng, và ông cảm thấy rất khó khăn để theo kịp thiên tài tuổi teen này.
Năm 2002, Mark vào học ở Harvard. Cũng lúc này, Harvard đang có dự án thực hiện cuốn kỷ yếu ảnh cho tất cả các sinh viên của trường, và dự kiến sẽ phải mất cả năm để thu thập đủ thông tin cần thiết. Mark ngay lập tức bắt tay vào việc lập trình và cho ra đời TheFacebook. Chỉ trong vòng nửa tháng, 50% sinh viên Harvard đã đăng ký làm thành viên của mạng xã hội này.
Năm 2004, Bill Gates đến Harvard để nói chuyện với các sinh viên và khuyến khích họ thực hiện dự án nào đó mà mình đam mê, thậm chí tạm ngưng việc học để theo đuổi ước mơ của mình, như ông đã từng làm. Đây chính là nguồn cảm hứng cho Mark Zuckerberg, khi anh quyết định rời Harvard để phát triển Facebook. Ảnh: Forbes. |
Không dừng lại ở Harvard, TheFacebook nhanh chóng được nhiều sinh viên của các trường đại học khác chuyền tay nhau. Sự thành công của mạng xã hội này đã thúc đẩy một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của Mark. 2 năm sau ngày nhập học tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới, Mark quyết định bỏ ngang, dành thời gian để phát triển TheFacebook và tìm kiếm các nhà tài trợ.
Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, Mark gặp gỡ Don Graham, một nhà đầu tư tự do. Graham từng miêu tả Mark là người "say mê nói về việc xây dựng TheFacebook tốt hơn, thay vì chia sẻ về việc có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ nó". Nhận thấy đây là một cơ hội đầu tư tuyệt vời, Graham đồng ý sẽ đầu tư 5 triệu USD.
Nghe tin về khoản đầu tư của Graham vào TheFacebook, Jim Breyer, một nhà đầu tư khác, đã sắp xếp một bữa ăn tối tại nhà hàng sang trọng với Mark. Tại đây, Breyer đã đưa ra một đề nghị trị giá tới 12 triệu USD dành cho TheFacebook.
Mark kể lại cho Graham việc đó, và khẳng định vẫn giữ thỏa thuận ban đầu với Graham. Tuy vậy, Graham thành thật khuyên Mark nên "nắm lấy cơ hội", chấp thuận khoản đầu tư của Breyer. Tự nguyện rút lui, nhưng Graham vẫn duy trì mối quan hệ với chàng trai mà ông cho là mẫu người "không hư hỏng vì thành công".
Sau này, trong sự kết hợp của Jim Breyer và Mark Zuckerberg, TheFacebook được đổi tên thành Facebook, khi Mark Zuckerberg chi 200.000 USD để mua lại tên miền facebook.com.
Sau 2 năm phát triển vượt bậc, Facebook trở thành một trong những mục tiêu thâu tóm của hàng loạt đại gia công nghệ, trong đó có Yahoo. Năm 2006, Yahoo đưa ra mức giá 1 tỷ USD để mua lại Facebook, nhưng Mark không đồng ý. Hơn 1 năm sau, số tiền này trở nên nhỏ nhoi, khi Microsoft phải rút hầu bao tới 240 triệu USD chỉ để sở hữu 1,6% cổ phần của mạng xã hội này, tương đương mức định giá 15 tỷ USD.
Ngày 18/5/2012, Facebook lên sàn, vốn hóa đạt 105 tỷ USD. Vượt qua những khó khăn đầu tiên khi trở thành công ty đại chúng, Facebook nhanh chóng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Mark. Tháng 7/2014, ở tuổi 30, sở hữu 31,5 tỷ USD, Mark trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới có số tiền quy ra tỷ USD lớn hơn số tuổi. Trước đó, ông trùm viễn thông Carlos Slim và tỷ phú công nghệ Bill Gates chỉ làm được điều này ở tuổi 71 và 58.
Rất giàu có và nổi tiếng nhưng Mark Zuckerberg vẫn giữ cho mình nhiều thói quen giản dị. Với tổng tài sản khoảng 43 tỷ USD, tỷ phú này vẫn mặc chỉ quần bò, đi giày thể thao, mặc những chiếc áo phông giống hệt nhau, đi chân trần trong phòng làm việc, lái một chiếc Acura có giá chưa tới 50.000 USD.
Mark bị mù màu, nhưng với anh, màu xanh da trời lại là thứ tuyệt vời nhất. "Đó là màu chủ đạo của Facebook, và là màu sắc phong phú nhất với tôi", Mark chia sẻ.