Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Marco Polo làm gì khi gặp Hốt Tất Liệt

Marco Polo học tiếng Mông Cổ và trở thành sứ giả chính thức của Hốt Tất Liệt.

Marco Polo anh 1

Tạo hình Hốt Tất Liệt và Marco Polo trong loạt phim Marco Polo. Ảnh: Netflix.

Chúng ta thật may mắn khi sống trong thời đại mà ta có thể leo lên máy bay và đi đến gần như bất cứ đâu chỉ trong 24 giờ. Tuy nhiên, cách đây vài trăm năm thì mọi chuyện lại không dễ dàng như thế - Marco Polo (1254-1324) mất ba năm để đi từ châu Âu sang châu Á!

Năm 17 tuổi, Marco rời nhà ở Venice, ngày nay thuộc Italy, và dong buồm cùng cha và chú sang châu Á buôn bán. Họ phải đi thuyền qua Địa Trung Hải, rồi lại băng qua các dãy núi cao và sa mạc khắc nghiệt để đến nơi.

Khi họ đến Thượng Đô, Trung Hoa, Marco và gia đình đã được tiếp đón bởi Hốt Tất Liệt, người cai trị Đế quốc Mông Cổ rộng lớn và hùng mạnh. Marco học tiếng Mông Cổ và trở thành sứ giả chính thức của Hốt Tất Liệt. Sau đó Hốt Tất Liệt phái ông đi làm nhiệm vụ trên khắp đất nước. Marco cũng đến Myanmar, Ấn Độ và Tây Tạng - những nơi mà trước đó rất ít người châu Âu từng đặt chân đến.

Những chuyến du hành của Marco kéo dài trong khoảng 24 năm. Trong hành trình trở về quê hương của mình, ông chủ yếu đi bằng tàu, chuyến hải hành ấy đầy rẫy bão tố và sự lây lan của dịch bệnh. Marco trở về Italy giữa lúc đang xảy ra chiến tranh giữa Venice và một thành phố hùng mạnh khác là Genoa. Chưa đầy một năm sau, Marco bị người Genoa bắt và bị tống vào ngục.

Tại đây, ông kết giao với một người bạn tù tên là Rustichello. Marco kể cho Rustichello nghe những câu chuyện từ các chuyến đi của ông, và Rustichello đã ghi chép lại, cuối cùng công bố chúng trong một cuốn sách có nhan đề Livre des Merveilles du Monde (Sách về những kỳ quan thế giới). Cuốn sách thành công ngay lập tức. Marco cuối cùng cũng được thả tự do và trở thành một thương nhân thành công và giàu có.

Marco Polo giới thiệu gì sau chuyến thám hiểm

Gốm sứ

Trong cuốn sách của mình, Marco kể đã trông thấy “những chiếc bình sứ đủ kích cỡ đẹp nhất” ở Trung Hoa. Gốm sứ là chất liệu được làm từ đất sét chất lượng cao nung trong các lò truyền thống gọi là lò nung. Đồ sứ được phát minh ở Trung Hoa vào thời Hán, cách đây hơn 2.000 năm.

Hệ thống bưu chính

Ở Trung Hoa, đối với những thông điệp thứ cấp (ít quan trọng), người ta đi bộ để truyền tin, và cưỡi ngựa để truyền các thông điệp khẩn cấp. Ngày nay, nhiều quốc gia cũng dùng một hệ thống tương tự, tức phân loại thư dựa trên tính cấp thiết.

Than

Than đã được dùng làm nhiên liệu tại Trung Hoa trong hơn 1.000 năm, thế nhưng người châu Âu lại không biết đến than khi chưa có các chuyến đi của Marco. Ông mô tả than là “những viên đá đen cháy như những khúc gỗ”.

Tiền giấy

Người Trung Hoa đã dùng tiền giấy trong hàng trăm năm trước khi tiền giấy lan truyền đến châu Âu. Tiền giấy dễ mang theo hơn nhiều so với tiền xu nặng làm từ vàng và bạc. Theo Marco, mọi đội quân của Hốt Tất Liệt đều được trả lương bằng tiền giấy.

Tơ lụa

Tơ lụa được tạo ra một cách tự nhiên nhờ các côn trùng như tằm. Mặt hàng này từng rất hiếm và có giá trị bên ngoài Trung Hoa. Ban đầu chỉ có vua chúa được mặc tơ lụa, nhưng sau đó nó trở nên phổ biến thông qua thương mại. Marco đã thấy cảnh buôn bán tơ lụa ở Trung Hoa.

Kính mắt

Một số người cho rằng Marco Polo đã đưa khái niệm kính mắt vào phương Tây, dù ông không mô tả kính mắt trong cuốn sách của mình. Mãi đến thế kỷ XIII, kính mắt mới xuất hiện ở châu Âu.

Gia vị

Nhiều quốc gia, trong đó có Hy Lạp và Ai Cập, đã dùng gia vị để làm thuốc và nước hoa. Marco đã mô tả những nơi có thể tìm thấy gia vị và truyền cảm hứng cho các nhà thám hiểm sau đó lên đường đi tìm gia vị.

Nellie Huang/NXB Dân Trí liên kết Đông A

SÁCH HAY