Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mảnh đời những đứa trẻ Philippines có bố mẹ xuất khẩu lao động

Không người mẹ nào muốn xa con. Nhưng với những người mẹ ở Philippines, dường như đó là lựa chọn duy nhất để duy trì cuộc sống gia đình và dành dụm đủ tiền cho con đi học.

nhung dua tre bo me di xuat khau lao dong anh 1

"Con trai tôi không nhận ra tôi", CNN dẫn lời kể của chị Dolores, đếm trên đầu ngón tay số lần chị nhìn thấy con trai 7 tuổi của mình mỗi lần trở về nhà.

Dolores để lại con trai cho bà ngoại chăm sóc khi con chị chỉ mới 6 tháng tuổi để sang Hong Kong tìm kiếm việc làm nuôi sống cả gia đình bao gồm mẹ, con trai, cháu gái và những thành viên khác. Chị cho biết chồng mình cũng làm việc ở nước ngoài. Không có nhiều thời gian nghỉ phép hàng năm và tiền để về nhà, Dolores không gặp con trai mình suốt cho đến khi cậu bé được hai tuổi rưỡi.

Catalina Magno, một nữ lao động nước ngoài khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Bà Magno và chồng đều mất việc làm vào năm 2001. Khó khăn để nuôi nấng hai con trai khi số tiền tiết kiệm cạn dần, Magno tìm được một công việc bảo mẫu ở Hong Kong. "Mục tiêu của tôi là kiếm đủ tiền để bọn trẻ được đi học", bà chia sẻ.

Nhưng qua nhiều năm xa cách, các con của bà luôn thắc mắc vì sao mẹ không ở nhà. "Khi lên 6 tuổi, con tôi hỏi: "Tại sao mẹ chăm sóc những đứa trẻ khác mà không thể chăm sóc con?", bà kể. Magno chỉ về thăm nhà hai lần mỗi năm, tuy nhiên cũng đã may mắn hơn những lao động xa xứ khác.

nhung dua tre bo me di xuat khau lao dong anh 2

Có khoảng 2,2 triệu người Philippines lao động ở nước ngoài trong năm 2019. Ảnh: Cơ quan Thống kê Philippines.

Đánh đổi quá lớn

Theo Cơ quan Thống kê Philippines, do không thể trang trải chi phí sinh hoạt trong nước, ước tính khoảng 2,2 triệu người Philippines đã ra nước ngoài tìm việc làm trong năm 2019. Phần lớn trong số này là phụ nữ, những người hy vọng sẽ cho con mình một tương lai tốt đẹp hơn.

Những nữ lao động này đảm nhận nhiều thể loại công việc như y tá, nhân viên khách sạn, bảo mẫu hay lao công. Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Philippines cho thấy trong năm ngoái, nhóm lao động này đã gửi 33,5 tỷ USD kiều hối cá nhân về nước.

Tuy vậy, "chi phí" mà họ phải đánh đổi rất cao. Người mẹ sẽ phải bỏ lỡ toàn bộ tuổi thơ của con cái khi lựa chọn lao động nước ngoài. Mối quan hệ giữa họ và con cái trở nên lạnh nhạt sau nhiều năm xa cách. Bên cạnh đó, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không có bàn tay chăm sóc của người mẹ chịu nhiều thiệt thòi và không có một tuổi thơ toàn vẹn.

Tại Hong Kong, phần lớn dân di cư Philippines là lao động giúp việc nhà và thường chăm sóc con cái cho người khác. Trong những năm đầu tiên, Dolores chỉ đủ tiền để gọi hai cuộc điện thoại đường dài mỗi tuần vì gia đình chị ở Philippines không có kết nối Internet.

Chị thường gọi điện vào đêm khuya sau khi hoàn thành công việc, chỉ để nghe con trai mình bi bô những tiếng không rõ lời. "Thằng nhóc không biết gì về tôi. Đến khi tôi quay lại, nó đã tập nói, tập đi, nhưng nó vẫn không nhận ra tôi", chị than thở.

nhung dua tre bo me di xuat khau lao dong anh 3

Chị Dolores cùng ảnh con trai. Ảnh: Jessia Yeung/CNN.

Dù hiện tại Dolores đã có thể liên lạc với gia đình thường xuyên hơn qua Internet, chị vẫn chưa thể an tâm. Cách đây hai năm, con trai chị phải nhập viện vì nghẽn tai. Cả vợ chồng chị đều không thể về thăm con. "Tôi đau thắt khi không thể ở cạnh lúc con làm phẫu thuật. Làm sao nuôi dạy và chăm sóc con khi tôi không ở Philippines?", chị lo lắng.

Ở Philippines, tỷ lệ sinh cao tạo ra lực lượng lao động phát triển nhanh hơn lượng việc làm nền kinh tế có thể cung cấp. Điều này thúc đẩy thất nghiệp lan rộng, nhất là tầng lớp lao động phổ thông ở những vùng nông thôn. Tình trạng thất nghiệp đã đẩy nhiều người ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Hong Kong có khoảng 400.000 lao động giúp việc gia đình, trong đó phần lớn là phụ nữ đến từ Philippines. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ở Hong Kong họ được trả khoảng 29.500 peso (600 USD)/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình khoảng 213 USD/tháng ở Philippines.

Hơn 1 triệu người rời Philippines mỗi năm

Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, tổng cộng có hơn một triệu người Philippines rời đất nước để ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Khoản thu nhập tăng thêm không chỉ giúp những hộ gia đình này cho con cái đi học mà còn giúp trang trải các nhu cầu quan trọng khác như chi phí y tế hoặc phục hồi sau thiên tai.

Năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ca ngợi giới lao động làm việc ở nước ngoài này vì những đóng góp kinh tế và lượng kiều hối to lớn gửi về nước. Tuy nhiên, ở mặt trái của nó, những cuộc di cư của người lao động Philippines đã khiến hàng triệu trẻ em lớn lên không có cha mẹ chăm sóc, gây ra những thiệt hại về tinh thần to lớn cho sự phát triển của chúng.

Mặc cho tỷ lệ thất nghiệp ở sinh viên tốt nghiệp cao, một bộ phận không nhỏ người Philippines vẫn tin tưởng giáo dục bậc cao sẽ giúp con họ thoát khỏi nghèo đói. Tuy vậy, đây không phải một giấc mơ dễ dàng, đặc biệt với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi chi phí học hành không hề "dễ thở".

Ở Philippines, trường công lập thường rơi vào tình trạng thiếu vốn. Phụ huynh ở quốc gia này cố gắng gửi con vào các trường tư thục có điều kiện tốt hơn, nhưng đi kèm học phí đắt đỏ. Chi phí đại học có thể lên tới 6.600 USD/năm, con số vượt quá khả năng của hàng triệu người nước này. Nhiều lao động bươn chải hàng thập kỷ ở nước ngoài để tích góp đủ số tiền cho con cái học hành.

Khi con trai 6 tuổi hỏi vì sao mẹ phải ra nước ngoài chăm sóc những đứa trẻ khác, bà Magno trả lời: "Đây là sự đánh đổi. Nếu mẹ chăm sóc những đứa trẻ này, mẹ có thể cho con đi học. Con sẽ có sự giáo dục tốt hơn".

nhung dua tre bo me di xuat khau lao dong anh 4

Học phí trường tư tại Philippines rất đắt. Ảnh: Rappler.

Tuy nhiên, tấm bằng đại học không phải thứ có thể đảm bảo một công việc ổn định và giúp những gia đình này thoát nghèo. Hai người con của bà Magno đã bỏ học trước khi tốt nghiệp. Bà gần như sụp đổ. "Nếu tôi biết bọn chúng sẽ bỏ học, tôi sẽ không ra nước ngoài lao động như vậy. Lý do duy nhất tôi tới Hong Kong là để cho chúng đi học", bà nói.

Rất nhiều phụ huynh lựa chọn làm việc xa nhà để con cái đủ đầy về vật chất hơn, tuy nhiên thực tế không dễ dàng như họ tưởng tượng. Các chuyên gia cho biết những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ lao động xa nhà thường biểu hiện kém hơn trong học tập so với những đứa trẻ sống với bố mẹ.

Một nghiên cứu của Đại học De La Salle (Philippines) năm 2013 cho thấy sự vắng mặt của các bà mẹ có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống và sự phát triển của con trẻ. Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều trẻ em trong các gia đình như vậy thường có kết quả học tập kém hoặc bỏ học vì nhiều nguyên nhân.

Môi trường làm việc vất vả

Bên cạnh sự hy sinh về mặt tinh thần, người lao động Philippines tại Hong Kong còn thường xuyên phải đối mặt với những điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt, đôi khi có phần nguy hiểm khi lao động xa nhà. Người giúp việc gia đình được yêu cầu phải sống trong nhà gia chủ.

Quy định này dấy lên làn sóng chỉ trích bởi các nhà hoạt động và bảo vệ quyền lợi lao động nữ bởi môi trường làm việc như vậy dễ tạo điều kiện xảy ra lạm dụng và bóc lột đối với phụ nữ. Một cuộc khảo sát 5.023 người giúp việc gia đình vào năm ngoái ghi nhận 15% lao động từng bị bóc lột trong quá trình làm việc và 2% cho biết từng bị tấn công hoặc quấy rối tình dục.

Gần một nửa trong số những lao động này cho biết họ làm việc hơn 16 giờ/ngày. Mặt khác, Hong Kong không có luật quy định số giờ làm việc tối đa mỗi ngày hoặc mỗi tuần, làm các lao động nước ngoài thường xuyên bị ép làm thêm ngoài giờ và lao động vất vả hơn.

Khảo sát cũng cho thấy có hơn một nửa số (52%) lao động giúp việc nhà tại Hong Kong không có chỗ ở cá nhân, 21% không có ngày nghỉ phép và chỉ 25% trong số này được hưởng chăm sóc và điều trị khi đau ốm.

Một số khác cũng phản ánh họ không được chủ nhà cho đủ thực phẩm. Khó khăn nhất, những nữ lao động này phải rời xa con cái của họ trong nhiều năm liền.

nhung dua tre bo me di xuat khau lao dong anh 5

Lao động Philippines nhập cư phải làm việc dưới môi trường vất vả để trang trải chi phí sinh hoạt và dành dụm tiền cho con cái đi học. Ảnh: CNN.

Anh Francis Tumpalan, 22 tuổi, đã ở với ông bà ngoại kể từ khi lên bốn khi mẹ anh rời quê hương sang nước ngoài lao động. Những chuyến về thăm nhà của mẹ, đối với anh, có buồn vui lẫn lộn. "Cảm giác giống như sống trong mơ, nhưng tôi biết điều này sẽ không kéo dài lâu", Tumpalan nói.

Sự hy sinh của người mẹ đã giúp Tumpalan có cơ hội vào cao đẳng. Nay ở tuổi 22, Tumpalan đã bỏ học, có vợ và con gái, còn mẹ anh vẫn làm việc ở nước ngoài. "Những hy sinh của mẹ thật đáng quý, nhưng tôi luôn ước bà sẽ trở về và hy vọng một ngày nào đó tôi có thể mang lại cho bà một cuộc sống tốt hơn”, anh nói.

Mẹ anh đang dành dụm tiền để được trở về Philippines. Công việc của vợ chồng Tumpalan đủ để trang trải cho gia đình anh ở lại Philippines. "Rất khó khăn nếu đứa trẻ phải lớn lên mà không có mẹ. Tôi muốn con gái mình được trưởng thành trong một gia đình hoàn chỉnh", anh nói.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm