Mô hình nhân vật trong Dragon Ball tại Lễ hội truyện tranh New York Comic-Con. Ảnh: equestriadaily. |
Tại lễ hội truyện tranh lớn nhất Bắc Mỹ New York Comic-Con tháng 10 vừa qua, xu hướng này tiếp tục thể hiện rõ rệt.
Sức ảnh hưởng ngày càng tăng của manga, anime và webtoon
Nhiều tác phẩm manga Nhật được quảng bá ngay từ cổng chào như One Piece, Dragon Ball. Và khi đi sâu vào trong, người hâm mộ có thể thấy các tên tuổi manga, anime khác như Mobile Suit Gundam, Godzilla, ZOM 100, Jujutsu Kaisen, Ultraman, Naruto Shippuden….
Với rất nhiều triển lãm manga, anime và trò chơi điện tử liên quan, người hâm mộ cảm tưởng mình đang bước chân vào thế giới đồ họa Nhật Bản, thay vì một trong những lễ hội truyện tranh lớn nhất nước Mỹ.
Dù vẫn có đâu đó hình ảnh người hâm mộ mặc trang phục Spiderman và Deadpool, số lượng cosplayer lấy cảm hứng từ anime và manga đông hơn rất nhiều. Trung bình, các tín đồ mê thế giới nhân vật Nhật Bản có thể trẻ hơn 10-20 tuổi so với những người hâm mộ truyện tranh siêu anh hùng.
Ngay cả các đại diện từ nhà xuất bản truyện tranh Nhật Bản Shueisha cũng chia sẻ rằng lễ hội New York Comic-Con năm nay rất khác so với lần gần nhất họ tham gia bảy năm trước. Hồi đó, sự kiện này tập trung chủ yếu vào truyện tranh, đồ chơi và phim ảnh của Mỹ. Và năm nay, thậm chí họ còn ngạc nhiên trước sự thay đổi sang văn hóa manga và anime, cũng như sự nhiệt tình từ người hâm mộ.
Doanh thu tích cực trong nhiều năm gần đây
Theo trang Comicsbeat, đây là những tín hiệu cho thấy sự thay đổi thế hệ trong cộng đồng người hâm mộ truyện tranh và điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi manga, anime và webtoon.
Lý giải điều này, trang Comicsbeat cho rằng một phần là nhờ vào sự phổ biến và rộng rãi của anime trên các kênh phát trực tuyến như Netflix, Hulu và Crunchyroll, cùng sự bùng nổ của các ứng dụng manga và webtoon trực tuyến. Giờ đây việc khám phá manga, anime và webtoon từ Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Điều này cũng được phản ánh trong xu hướng bán truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa hiện nay. Theo báo cáo công bố tháng 10 năm nay của tạp chí thương mại trực tuyến ICV2, manga từ Nhật Bản, cùng sự phát triển của webtoon từ Hàn Quốc đang bán chạy hơn truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa của Mỹ một cách đáng kể.
Theo số liệu thống kê của nhà sáng lập ICV2 Milton Griepp “manga tiếp tục dẫn đầu doanh thu các tác phẩm đồ hoạ ở Bắc Mỹ vào năm 2022, chiếm 45% doanh số, trong khi truyện tranh siêu anh hùng chỉ chiếm 14% thị trường”. Theo Comicsbeat, trong năm 2023, khi doanh số bán manga đã chững lại thì chúng vẫn cao hơn 300% so với mức trước năm 2019.
Các tác phẩm truyện tranh châu Á đang lấn sân thế giới siêu anh hùng. Ảnh: Devianart. |
Một số hạn chế của truyện tranh Bắc Mỹ
Hiện khách hàng mới chủ yếu của truyện tranh Bắc Mỹ đang dần bị thu hẹp, chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên, phần lớn nhờ vào các tác phẩm như Dog Man, Smile, Heartstopper và Amulet. Một phần lý do cho thế mạnh của truyện tranh Bắc Mỹ ở phân khúc này là sự khan hiếm tương đối của manga phù hợp với độc giả dưới 12 tuổi.
Ngoài ra, đối với các dòng tác phẩm truyền thống, như truyện tranh siêu anh hùng, hiện có quá nhiều biến thể, giá xuất bản định kỳ quá cao, quá nhiều nhân vật mới và truyện chất lượng còn chưa cao, theo đánh giá của Phil Boyle, người đứng đầu chuỗi truyện tranh Coliseum of Comics - nhà bán lẻ truyện tranh và trò chơi lớn nhất ở phía đông nam nước Mỹ.
Việc xuất hiện nhiều nội dung mới cho thấy truyện tranh Bắc Mỹ không thiếu tác giả và họa sĩ tài năng hoặc sự sáng tạo để phát triển. Tuy nhiên, trong khi các tác giả vẫn làm việc chăm chỉ thì họ chưa có được quyền tự do, kiểm soát, sở hữu và thu lợi nhuận từ những sáng tạo ban đầu của họ như Eiichiro Oda làm với One Piece hay Tatsuki Fujimoto làm với Chainsaw Man.
Về phần độc giả, theo phóng viên Heidi MacDonald của Commicsbeat, đang có quá nhiều nhân vật mới trong các tác phẩm của Marvel, DC và người xem chưa có cơ hội hiểu rõ về bối cảnh, vai trò của những nhân vật mới này.
Những yếu tố này dẫn đến việc nhiều câu chuyện và nhân vật truyện tranh mới vẫn liên tục được tạo ra ở Bắc Mỹ, nhưng hầu hết chúng không đạt được mức độ nổi tiếng và thành công như đối với các tác phẩm hiện được tạo ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong bối cảnh này, nếu các công ty truyện tranh Bắc Mỹ, đặc biệt là Marvel và DC, không thay đổi chiến lược, họ có thể bị suy giảm thị phần nghiêm trọng hơn nữa.
Còn đối với các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia New York Comic-Con năm nay, họ đang có tham vọng lớn hơn nữa. Họ không chỉ muốn thu hút các độc giả Mỹ, mà còn đang hướng tới tiếp cận người hâm mộ trên toàn thế giới bằng cách mang đến nhiều đầu truyện hơn, bằng nhiều ngôn ngữ hơn (tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thái, tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Trung) và ở nhiều định dạng khác (ngoài truyện tranh in thì mở rộng ra các ứng dụng dành cho thiết bị di động, nội dung tương tác hoạt hình và trải nghiệm AR/VR).
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.