Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản, đến nay con số đã là 96 triệu.
“Thời gian qua, có nhiều mạng xã hội mới ra đời. Chúng ta đã cấp phép đến trên 800 mạng xã hội Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thị trường ngách”, ông Hùng nói.
Xây dựng mạng xã hội khác biệt với Facebook
Các mạng xã hội Việt Nam đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, theo cơ chế thị trường và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các mạng xã hội trong nước phát huy thế mạnh về nền tảng dịch vụ chuyên ngành để phát triển thị trường ngách và xây dựng mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ và kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra một hệ sinh thái số Việt Nam, đáp ứng yêu cầu người sử dụng.
“Các mạng xã hội đánh vào thị trường ngách thì có 5-10 triệu tài khoản là cao rồi”, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với Facebook.
Thứ nhất, mạng xã hội là nền tảng, do vậy, sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng; thứ hai là có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch; thứ ba là công khai thuật toán với người dùng; thứ tư, cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển nhiều cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
“Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Sẽ có thiết bị 5G “Made in Vietnam”
Đăng ký chất vấn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ những giải pháp, phương án trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông 5G tại Việt Nam.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã đầu tư, áp dụng mạng 5G, đặc biệt là Trung Quốc chi 200 triệu USD để xây dựng hạ tầng mạng viễn thông này. Ông Hiếu đặt câu hỏi hiện tại, việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam có phải đã chậm trễ và Bộ Thông tin Truyền thông có giải pháp, phương án nào để mạng 5G phát huy hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam triển khai mạng 5G không chậm. Cụ thể, 2019 Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật, 2020 thử nghiệm thương mại (bắt đầu kinh doanh có thu phí) và 2021 sẽ triển khai diện rộng.
Việt Nam triển khai mạng viễn thông 5G theo pha, với pha 1 ở các thành phố lớn, trung tâm đông người, khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Ông Hùng cho biết chi phí không lớn vì dựa trên 70% hạ tầng đã có của 4G, gồm nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn.
“Chúng ta làm 5G thì sẽ tắt 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng. Khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.